Đất quê đắt như trong phố
Anh Dũng là một kỹ sư quê tại Thanh Hóa, ra Hải Phòng lập nghiệp từ năm 2010, chắt chiu nhiều năm có được chút vốn liếng nên vừa qua 2 vợ chồng định mua một lô đất ở vùng ven đô để ở. Gia đình anh lựa chọn như vậy, một mặt vì vợ anh thích có vườn tược trồng rau, một phần là tiền ít, tuy nhiên ý tưởng nhanh chóng bị dập tắt bởi giá đất thời điểm này quá cao.
Bần thần nhâm nhi ly cà phê, anh Dũng bộc bạch: “Tôi tích lũy và vay mượn được hơn 900 triệu, nhưng miếng đất tôi định mua tại Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên có giá hơn 60 triệu đồng/1m2, dù đoán biết trước là cao nhưng không nghề lên đến mức đó. Tôi định mua chỗ khác nhưng không thuận lợi cho công việc nên đành lùi lại tính tiếp”.
Ngoài trường hợp như anh Dũng, ở Hải Phòng thời điểm này không ít người cũng vỡ mộng mua đất quê rộng rãi để ở bởi hơn 1 năm trở lại đây, giá đất tại Hải Phòng bỗng tăng giá một cách bất ngờ, nhất là tại những nơi có dự án hoặc sắp lên đơn vị quận, thành phố như Thủy Nguyên, An Dương, Kiến Thụy,…
Giá đất nhiều nơi từ vài triệu đồng/1m2 tăng lên 20-30 triệu đồng/m2, thậm chí ở những nơi có dự án lớn đầu tư, giá đất tăng từ 40-60 triệu lên đến hàng trăm triệu đồng/m12, có nơi giá đất còn tăng theo ngày khiến cuộc sống nông thôn ở Hải Phòng có nhiều đảo lộn.
Tại huyện Thủy Nguyên và huyện Kiến Thụy, 2 nơi đang được cho là có giá đất tăng chóng mặt từ cuối năm 2020, giao dịch nhà đất tại đây trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Ở các xã Lưu Kiếm, Quảng Thanh, Lưu Kỳ, Minh Tân… của huyện Thủy Nguyên, hiện tại đất đã tăng từ 20-30% với mức từ 25 - 40 triệu đồng/m2 so với thời điểm cách đây hơn 1 năm, còn tại khu tái định cư Bắc Sông Cấm, giá đất tăng từ 35 - 40 triệu đồng/m2, lên 55 - 70 triệu đồng/m2.
Đối với đất đai tại những nơi mặt đường lớn thuộc các xã Thủy Sơn, Thủy Đèo, An Lư tăng từ 20 - 40 triệu đồng/m2 lên 40 - 60 triệu đồng/m2. Cá biệt, các lô đất nằm gần với UBND thị trấn Núi Đèo đã vượt ngưỡng 100 triệu đồng/m2.
Còn tại các khu vực xa xôi nhất Thủy Nguyên như xã Liên Khê, theo ông Hùng – Chủ tịch xã, giá trị đất đai cũng tăng, có những khu vực trước đây chỉ vài trăm nghìn đồng/1m2 nhưng nay lên tới 5-6 triệu đồng, những chỗ vị trí đẹp có thể lên đến hơn 15 triệu đồng/1m2.
Theo chân ‘cò’ đất để tìm đất đầu tư, tại xã Lập Lễ, chúng tôi ‘ngã ngửa’ khi biết một số lô đất đang rao bán tại xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, hiện tại có giá lên đến 70-80 triệu đồng/1m2, mức giá này cao gần ngang ngửa với đất ở một nơi tại trug tâm khu vực nội thành.
Anh Nguyễn Minh Khánh - Phó Giám đốc Công ty CP Công nghệ môi trường Green Việt Nam, sinh sống trên địa bàn thị trấn Núi Đèo, huyện Thủy Nguyên ngao ngán, hiện tại không chỉ đất thổ cư, đất đấu giá cũng tăng khá mạnh, một số khu đất đấu giá ở Thủy Đường, giáp Thủy Sơn, trước đây chỉ 7 - 10 triệu đồng/m2, giờ cũng đã lên từ 20 - 40 triệu đồng/m2.
Khách mua đất từ các nơi khác như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương..., bên cạnh việc khảo sát các mảnh đất thổ cư của người dân, những vị khách này cũng quan tâm tới đất nền tại các dự án như: Cửa Trại, Khau Da, Bắc Sông Cấm, Gò Gai và Quang Minh.
“Tại huyện Thủy Nguyên, tình trạng sốt đất đang diễn ra mạnh mẽ nhất Hải Phòng, tôi được biết đất ở đường Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền là khu vực trung tâm thành phố cũng chỉ 70-80 triệu/1m2, tuy nhiên tại các khu vực mặt đường, vị trí thuận tiện tại thị trấn Núi Đèo và khu vực gần Viship giá đất trên dưới 100 triệu đồng/1m2”, anh Khánh chia sẻ.
Tương tự huyện Thủy Nguyên, huyện Kiến Thụy, giá đất cũng tăng nhanh, ví dụ như tại xã Hữu Bằng, nếu như trước tết tại những nơi có vị trí tốt giá trị đất đai khoảng 5-6 triệu đồng/1m2 thì nay đã tăng lên từ 15-20 triệu/1m2. Còn tại huyện An Dương, một số nơi tại khu vực các xã Đồng Thái, An Đồng…. trước đây có giá 25 - 30 triệu đồng/m2 thì nay đã lên 40 - 45 triệu đồng/m2.
Thừa nhận với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Đinh Văn Ba, Chủ tịch xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên cho biết, giá đất tại địa phương thời gian gần đây tăng rất nhanh, khu vực thấp nhất cũng hơn 10 triệu/1m2, tại những nơi giá cao nhất lên đến 80 triệu đồng/1m2.
“Mấy hôm nay giá đất chững lại nhưng về cơ bản cũng còn rất cao, có nơi gần như ở trong thành phố”, ông Ba thông tin.
Cán bộ địa chính hay "cò" bất động sản
Về các huyện ngoại thành ở Hải Phòng thời điểm này, dễ gặp nhất là đến đâu cũng thấy bảng biểu, tờ rơi của các công ty bất động sản, thậm chí, trên các bức tường cũng xuất hiện nhan nhản số điện thoại của người môi giới đất, mua bán đất hoặc hỗ trợ thủ tục tham gia đấu giá đất, có thể nói là “người người buôn đất, nhà nhà buôn đất”.
Với việc thị trường bất động sản đang sôi động trở lại, nhiều người dân cũng tranh thủ bỏ tiền ra đầu cơ hoặc trở thành “cò” bất động sản. Anh Thành, là một công chức địa chính ở cấp xã, ngoài giờ làm việc, trên facebook, zalo của anh ngày nào cũng rao tin bán đất với những lời chào mời hấp dẫn.
Anh Nguyễn Đức M., trú tại xã Nam Sơn, huyện An Dương chia sẻ: “Ngoài giờ làm việc hành chính, tôi cũng như nhiều cán bộ, công chức khác cũng tranh thủ làm thêm tay trái để có thêm thu nhập, nhiều người trúng mánh đã mua được xe, được nhà mới chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm”.
Trong khi đó, tại huyện Kiến Thủy, anh Nguyễn Hoàng Phong, trú tại xã Đại Đồng, chia sẻ, việc sốt đất tại huyện Kiến Thụy xảy ra hầu khắp các xã, trong đó giá trị đất lên cao hơn cả, ngoài khu vực thị trấn Núi Đối còn các xã như Tú Sơn, Hữu Bằng, Minh Tân, Thanh Sơn…. Với giá giao động tại vị trí đẹp đều trên 15 triệu đồng/1m2, theo đó nhiều người dân đã làm thêm nghề tay trái là ‘cò đất’ để kiếm lời.
“Đất đai tại huyện Kiến Thụy tăng nhanh từ dịp Tết đến nay, bây giờ chỉ cần có người bán đất nếu không xuống nhanh là mất phần, ví dụ tối nay thấy đăng tin thì sáng mai xuống có thể anh đã gặp mười mấy nhân viên môi giới bất động sản đến xem đất. Chúng tôi vẫn nói vui với nhau là mua đất như đi ăn cướp, có trường hợp đã thỏa thuận xong với chủ nhà nhưng chưa đặt tiền, người mua đi mua bánh quay lại thì đã bị người khác mua mất. Tôi chỉ là cò nhỏ thôi nhưng từ tết đến nay cũng kiếm được hơn 1 tỷ đồng từ các hợp đồng môi giới đất ”, anh Phong bộc bạch.
Câu chuyện sốt đất tại những nơi có dự án lớn tại Hải Phòng không phải là mới, khoảng 10 năm trước, đất đai tại các huyện Thủy Nguyên, An Dương, Dương Kinh,… cũng từng xảy ra mà nguyên nhân là do một số huyện ngoại thành được quy hoạch trở thành khu đô thị, thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn.
Trên cơ sở đó, một số người đầu cơ đã mua đất rồi “phù phép” tạo ra sự khan hiếm giả và tung thông tin không chuẩn để đẩy giá lên cao, bán kiếm lời. Thậm chí, giới đầu cơ còn sẵn sàng bỏ ra một lượng tiền không nhỏ, mua mảnh đất ở một vị trí nào đó để tạo “giá chuẩn”, có xác lập hợp đồng rồi đẩy giá đất khu vực lên cao.
Theo giới chuyên môn nhận định, giá đất tại Thuỷ Nguyên và An Dương tăng nhanh là bởi thông tin Hải Phòng sẽ triển khai các thủ tục pháp lý để chuyển đổi huyện Thủy Nguyên thành thành phố trực thuộc Thành phố, huyện An Dương thành đơn vị hành chính quận trước năm 2025.
Bất động sản tại các quận, huyện nói trên có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng, quỹ đất còn nhiều, hạ tầng giao thông đa dạng và tương đối hoàn thiện, nhất là tại huyện Thủy Nguyên với vị trí giáp với tỉnh Quảng Ninh tuy nhiên, nhiều người cũng tỏ ra lo ngại cho rằng giá đất tại các huyện nông thôn ở Hải Phòng đang có nguy cơ tăng "ảo".
Việc sốt đất khiến địa phương có nhiều thay đổi, nhiều hộ làm thủ tục tách sổ, hoặc chuyển nhượng, mua bán hơn, tuy nhiên không làm ảnh hưởng đến tình hình chung của địa phương. Tuy vậy, theo tìm hiểu thực tế, việc giá đất thị trường tăng cao cũng đẩy giá trị đất đấu giá lên cao đã khiến nhiều mâu thuẫn trong xã hội bắt đầu nảy sinh, nhiều vi phạm về đất đai có chiều hướng tăng, tại một số những nơi có dự án việc đền bù, tái định cư đã bắt đầu có nhiều đơn từ của người dân gửi cơ quan chức năng cầu cứu liên quan đến lợi ích.