Kỳ án, bởi số phận bị cáo Hồ Duy Hải được đặt vào nhiều cuộc giằng co pháp lý kéo dài hơn một thập kỷ. Kỳ án, bởi yêu cầu tạm hoãn thi hành án của Chủ tịch nước được đưa ra ngày 4/12/2014 trước khi bị cáo Hồ Duy Hải bị xử tử đúng một ngày.
Kỳ án, bởi lần đầu tiên quy định “cần thiết có thể triệu tập người bào chữa đến phiên tòa giám đốc thẩm” theo Điều 383 Bộ Luật Hình sự 2015, được áp dụng.
Và kỳ án này được giải quyết như thế nào, là thách thức của những người cầm cân nảy mực Tòa án nhân dân tối cao, khi đã có quá nhiều án oan phải thực hiện bồi thường Nhà nước như trường hợp Huỳnh Văn Nén, Trần Văn Thêm hoặc Nguyễn Thanh Chấn.
Giám đốc thẩm là một phiên tòa nhằm xem xét lại bản án đã tuyên, do đó không có sự hiện diện của bị cáo Hồ Duy Hải.
Còn bà mẹ của bị cáo Hồ Duy Hải thì lặn lội từ Long An ra Hà Nội để đứng ngoài cánh cửa Tòa án nhân dân tối cao, với mong mỏi được nghe một phán quyết công lý đích thực cho con trai mình.
Bà mẹ khốn khổ ấy không còn nước mắt để khóc, sau khoảng thời gian dằng dặc đội đơn kêu oan cho con trai khắp mọi nơi. Người phụ nữ bất hạnh ấy bao phen tuyệt vọng vẫn gắng gượng tin tưởng vào sự bất biến của lẽ phải, của nhân tính, của thiên đạo.
Giữa phạm tội pháp lý và phạm tội thực tế, có thể có khoảng cách nhất định. Thế nhưng, những bằng chứng đã dùng để buộc tội bị cáo Hồ Duy Hải lại hoàn toàn không thuyết phục.
Thậm chí vật chứng được xem như hung khí, cũng là một con dao do những người làm án manh tâm đi mua tùy tiện ngoài chợ, để hoàn thiện hồ sơ vụ giết người chấn động dư luận.
Kháng nghị giám đốc thẩm của Viện Kiểm sát nhân dân tối cáo đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm trong quá trình điều tra và xét xử bị cáo Hồ Duy Hải.
Từ việc thu thập dấu vết hiện trường, lời khai nhân chứng cho đến việc đánh giá tài liệu đều mâu thuẫn và cẩu thả. Ngoài ra phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm đã có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án.
Nguyên tắc cơ bản của pháp luật là suy đoán vô tội. Còn tinh thần tối thượng của pháp luật là trọng chứng hơn trọng cung.
Bị cáo Hồ Duy Hải hoàn toàn xứng đáng được trả tự do, vì xã hội văn minh có thể chấp nhận pháp luật đã tha lầm nghi phạm, chứ không thể chấp nhận pháp luật đã giết nhầm nghi phạm.
Vậy, kỳ án quá khó để tìm hung thủ chăng? Không, sinh mạng của hai cô nhân viên Bưu điện Cầu Voi cần được có câu trả lời thật nghiêm túc.
Hung thủ đã đào tẩu vào bóng tối là ai, chưa đáng trách giận bằng hung thủ vẫn nhởn nhơ dưới trời quang mây tạnh là những kẻ đã thiếu trách nhiệm nghiêm trọng trong khi thi hành công vụ để dẫn đến phiên tòa giám đốc thẩm nhiều nghi ngại lắm âu lo hôm nay.