Sự kiện diễn ra tại “Diễn Đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hoa Kỳ: Thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản” trong khuôn khổ chuyến công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam tại Hoa Kỳ, kết nối và thúc đẩy xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản giữa hai nước.
Tham dự diễn đàn có Bộ trưởng Nông nghiệp và Bộ trưởng Phát triển Kinh tế bang Nebraska, Bộ trưởng Ngoại giao Nebraska Robert Evnen, Cục Trang trại, các hiệp hội và hội đồng đậu tương, ngũ cốc, cao lương, bơ sữa, thịt bò, thịt lợn, ethanol… thuộc bang Nebraska.
Điều hành diễn đàn, Bộ trưởng Nông nghiệp Nebraska, ông Steve Wellman phát biểu rất vui mừng về thỏa thuận giữa hai bên. “Tôi nói với nhóm các hiệp hội của bang rằng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm.
Nebraska là nơi xuất khẩu nông sản đi khắp thế giới, chính quyền luôn giúp đỡ các doanh nghiệp để quảng bá những sản phẩm muốn bán.
Như trong buổi gặp gỡ hôm nay, chúng tôi có thể tiếp xúc với các doanh nghiệp Việt Nam, giới thiệu với họ những sản phẩm tốt để các bạn lựa chọn”, Bộ trưởng nói.
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Việt Nam Nguyễn Quốc Toản cho biết hàng năm Việt Nam cần nguyên liệu rất lớn để sản xuất thức ăn chăn nuôi, cụ thể năm 2019 là 24 triệu tấn và dự đoán đến năm 2030 cần 40 triệu tấn cho sự phát triển mạnh mẽ chăn nuôi trong nước đồng thời cung cấp sản phẩm thức ăn chăn nuôi ra các nước xung quanh.
Trong khi đó, Hoa Kỳ có số lượng nông sản rất lớn lên đến nhiều trăm triệu tấn bao gồm đậu tương, khô đậu tương, lúa mỳ, ngô DDGS; các sản phẩm về thịt; hoa quả và nhiều sản phẩm thế mạnh khác.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất thích và ưa chuộng nguyên liệu nhập từ Hoa Kỳ bởi chất lượng dinh dưỡng rất cao và an toàn cho vật nuôi khi sử dụng do được trồng, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển có tính chuyên dụng cao, dựa trên nền tảng công nghệ và khoa học tiên tiến.
Tại diễn đàn, trước sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ NN-PTNT và lãnh đạo bang Nebraska, lễ ký kết được thực hiện trang trọng giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam với các hiệp hội và hội đồng ngũ cốc, đậu tương, thịt và các loại thực phẩm bang Nebraska.
Hai bên trao đổi thương mại có thế mạnh của mỗi bên, đặc biệt các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn phía các hiệp hội bang Nebraska tạo thuận lợi trong nhập khẩu nguyên liệu có giá cạnh tranh: lúa mì, ngô, đậu tương, DDGS, bò sống, thịt và các sản phẩm thịt…
Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Tuấn Nam, Tổng giám đốc Cty TNHH Thương mại XNK Khai Anh – Bình Thuận nói đây là những cam kết mang tính tương lai nhưng rất chắc chắn vì chúng ta đều biết về tiềm năng của nông nghiệp Mỹ và các doanh nghiệp Việt Nam đến đây cũng đều có năng lực nhập khẩu nông sản lớn, góp phần cân bằng cán cân thương mại hai bên.
“Cùng tham gia đoàn công tác với Bộ NN-PTNT đến Hoa Kỳ, sau quá trình làm việc ở Washington DC, công ty Khai Anh chúng tôi đã đạt thỏa thuận cho một tàu lúa mỳ Mỹ 65.000 tấn, sẽ về tới Việt Nam vào tháng 8 tới với điều kiện hoàn toàn phù hợp, thúc đẩy cho người bán, thuận lợi cho người mua.
Tôi tin rằng, với sự hỗ trợ của chính phủ hai nước trong thời gian tới, xuất nhập khẩu nông sản Việt - Mỹ sẽ có những bước đi mới, ở những tầm cao mới, tốt đẹp hơn.
Sau 2 ngày làm việc ở Washington DC Nebraska, có thể thấy tiềm năng của hai nước là lớn nhưng vẫn còn một số rào cào về hàng rào kỹ thuật, hàng rào thuế quan. Theo tôi, đã đến lúc hai nước cùng ngồi lại, xây những lộ trình mới cho hợp tác thương mại hai nước trong tương lai”, doanh nhân Nguyễn Tuấn Nam chia sẻ.
Thế mạnh nông nghiệp bang Nebraska
Nebraska là một bang thuộc miền Trung Hoa Kỳ, thủ phủ là thành phố Lincoln, diện tích 200.520 km2, dân số 1,93 triệu người (năm 2018). Bang Nebraska có diện tích lớn thứ 16 tại Mỹ, GDP năm 2018 đạt 125 tỷ USD, trong đó GDP ngành nông nghiệp chiếm 10,5%. Thu nhập trung bình của hộ gia đình tại Nebraska là 60.474 USD (năm 2015), cao hơn khoảng 4.000 USD so với mức trung bình của Hoa Kỳ.
Diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm 92% diện tích tự nhiên của bang. Toàn bang có 47.400 trang trại với diện tích trung bình 386 ha/trang trại. Sản phẩm chủ lực là thịt bò, thịt lợn, ngô, đậu tương, cao lương, sữa và sản phẩm sữa. Khoảng 40% sản lượng ngô được sản xuất thành ethanol.
Các sản phẩm xuất khẩu lớn của Nebraska trong năm 2018 là đậu tương (1,66 tỷ USD); ngô (1,16 tỷ USD); thịt bò (1,09 tỷ USD); ngũ cốc (332 triệu USD). Nebraska đã có quan hệ thương mại với Việt Nam trong 5 năm gần đây với các mặt hàng chính xuất khẩu sang Việt Nam là thịt bò, đậu nành, ngô và các loại hạt khác.
Năm 2017, tổng xuất khẩu nông sản của Nebraska sang Việt Nam là 38,4 triệu USD, trong đó xuất khẩu thịt bò tăng từ 5,4 triệu đô la trong năm 2017 lên 12,3 triệu đô la trong năm 2018.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh: Nông sản Việt - Mỹ bổ trợ cho nhau
Tiềm năng hợp tác thương mại về nông sản Việt - Mỹ còn rất lớn, nhiều dư địa, đặc biệt là nông sản rất ít cạnh tranh mà lại bổ trợ cho nhau.
Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tạo điều kiện để doanh nghiệp hai bên có thể tìm hiểu và hợp tác, làm sao thúc đẩy xuất nhập khẩu nông sản phục vụ thị trường hai nước.
Mỹ là quốc gia rất phát triển, không chỉ công nghiệp, dịch vụ mà còn về nông nghiệp với hệ thống nông sản đa dạng, có thế mạnh, đáp ứng được nhu cầu đang cần của Việt Nam như nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thịt và trái cây ôn đới.
Trong tương lai, hai nước cần tiếp tục tăng cường phát triển giao lưu kinh tế theo hướng bền vững, hướng tới cán cân thương mại hai chiều ngày càng cân bằng hơn.
Qua chuyến đi này, chúng tôi muốn thúc đẩy hợp tác nông nghiệp chung Việt Nam - Mỹ, đặc biệt là thương mại về nông sản. Do đó, dù thời gian ngắn nhưng có rất nhiều hoạt động xúc tiến thương mại ở Washingtin DC, Iowa, Nebraska, California.
Kết quả chúng ta chứng kiến một ký kết với 18 biên bản ghi nhớ của doanh nghiệp Việt Nam mua 5 loại nông sản với các hiệp hội nông sản Mỹ, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ và nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp hai bên trong việc thúc đẩy thương mại hai chiều.
Về phía Bộ NN-PTNT, chúng tôi sẽ tạo điều kiện hết sức để phát triển thương mại như giúp đỡ doanh nghiệp hai bên tiếp xúc lẫn nhau, làm việc với phía Mỹ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam.
Qua chuyến đi này, Bộ NN-PTNT sẽ có báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng, trên cơ sở kiến nghị của các doanh nghiệp để xem xét, tạo điều kiện cho họ nhập được thêm nhiều nông sản Mỹ mà Việt Nam đang có nhu cầu.
Năng lực một số doanh nghiệp Việt Nam
Tập đoàn Tân Long
Tân Long ký biên bản ghi nhớ nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, xuất khẩu gạo, hạt điều…
Sản lượng nhập khẩu và kinh doanh năm 2019 của Tập đoàn Tân Long đạt 4,4 triệu tấn nguyên liệu TACN (3 triệu tấn ngô, 800 nghìn tấn khô đậu tương, 450 nghìn tấn lúa mỳ, 150 nghìn tấn DDGS và nguyên liệu phụ khác), chủ yếu nhập từ các nguồn Mỹ, Nam Mỹ, Nga.
Tân Long chiếm sản lượng nhập khẩu 20% tổng lượng nhập khẩu Việt Nam, là doanh nghiệp kinh doanh thương mại lớn nhất trong ngành TĂCN.
Doanh thu năm 2019 đạt hơn 1,3 tỷ USD.
Mạng lưới nhà cung cấp: Gồm các đối tác từ Mỹ, Nam Mỹ, Singapore, Nhật Bản.
Mạng lưới khách hàng: Bao gồm hơn 250 nhà máy sản xuất TĂCN, công ty thương mại, các trạng trại chăn nuôi lớn trên cả nước của Việt Nam.
Công ty Ngũ cốc Long Vân
Được thành lập 2011, đến tháng 10/2011 làm Đại lý bán hàng cho Tập đoàn MARUBENI của Nhật Bản.
Long Vân có khả năng nhập khẩu hàng triệu tấn ngô, khô đậu tương, lúa mỳ và DDGS và đặc biệt có thể mở được những tàu chở hàng Panamax lớn lên đến 70.000-80.000 tấn.
Công ty dịch vụ nông nghiệp Văn Sơn
Trụ sở tại Hà Nội, có lịch sử gần 20 năm trong lĩnh vực nhập khẩu nông sản tại nhiều thị trường lớn trên thế giới đặc biệt là Nam Mỹ, Nga và mong muốn được nhập số lượng lớn nông sản từ thị trường Hoa Kỳ sau chuyến đi này.
Đây là một trong những nhà nhập khẩu nguyên liệu TĂCN lớn nhất của Việt Nam với doanh thu trung bình 600 – 700 triệu USD/năm.
Công ty TNHH TM XNK Khai Anh - Bình Thuận
Là đơn vị chuyên kinh doanh nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn trên thị trường Việt Nam với tổng sản lượng 2,6 – 2,8 tấn/năm như: ngô hạt, lúa mì, khô đậu tương, khô cải ngọt, DDGS, cám mì viên.
Nguồn hàng nhập khẩu từ các nước trên thế giới như Brazil, Argentina, USA, Nga, India, China, Malaysia, Myanma...
Đã có đối tác từ phía Hoa Kỳ, tuy nhiên vẫn muốn mở rộng thêm nữa để có nguồn cung dồi dào cho thị trường Việt Nam.
Công ty Cổ phần Đông Thành
Hoạt động chính là nhập khẩu bò sống từ Australia về nuôi, bán vật sống và giết mổ cung cấp thịt bò cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Đông Thành là doanh nghiệp duy nhất tại miền Bắc có lò mổ theo dây chuyền hiện đại (2 dây chuyền) với công suất bình quân 200 con/ngày. Dịp lễ tết công suất khoảng 300-400 con/ngày.
Sản lượng nhập năm 2019: 90.000 con bò.
Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu
Chánh thu là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam xuất khẩu thành công 8 tấn xoài Việt Nam sang Mỹ, đưa trái cây Việt đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Top 3 doanh nghiệp có kim ngạch XK trái cây tươi vào thị trường Mỹ.
Công ty TNHH San Hà
San Hà chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm gia cầm, thủy cầm tươi sống, đông lạnh, và thực phẩm chế biến các loại. Mô hình hoạt động của doanh nghiệp theo chuỗi cung ứng thực phẩm khép kín “từ trang trại đến bàn ăn”.
Với chuỗi thực phẩm “SanHà Foodstore”. Các cửa hàng tại đây được bày bán với đa dạng ngành hàng hơn 2.000 sản phẩm các loại... Ở SanHà Foodstore, thế mạnh nhất thuộc về các nhóm hàng thực phẩm tươi sống, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn gồm thịt gà, thịt vịt, thịt heo, thịt bò tơ Tây Ninh...
Đạt Top 10 danh hiệu “Sản phẩm Vàng chăn nuôi Việt Nam” liên tiếp các năm 2016, 2018 và “Sản phẩm dịch vụ tiêu biểu năm 2019 ”.
Công ty mong muốn tìm đối tác nhập khẩu các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm từ Hoa Kỳ.
Công ty Hồng Nga Sài Gòn
Chuyên nhập khẩu các nông sản chính như: ngô, lúa mỳ và khô đậu DDGS lên đến 500.000-600.000 tấn năm; xuất khẩu sắn sang Trung Quốc, Hàn Quốc và các nhà máy sản xuất cồn nội địa của Việt Nam và là nhà thu mua và xuất khẩu sắn lớn nhất tại Việt Nam.