Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, chuyến đi nhằm tìm kiếm và thúc đẩy nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Mỹ mà Việt Nam đang thiếu, trong đó chủ yếu là nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi như ngô, lúa mỳ, đậu tương... Ngoài ra, chuyến đi cũng giúp các đơn vị tiếp cận được những thành tựu khoa học công nghệ của Mỹ trong lĩnh vực nông nghiệp.
Dự kiến, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh sẽ gặp gỡ với Thứ trưởng Nông nghiệp Mỹ, điểm lại tình hình kế hoạch hành động mà 2 bên đã thống nhất để trình Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Mỹ. Kế hoạch hành động này giúp 2 bên từng bước cân bằng lại cán cân thương mại.
Theo Thứ trưởng Doanh, đoàn sẽ đến nhiều địa phương ở Mỹ, tại Washington DC làm việc với các cơ quan của Chính phủ Mỹ, sau đó đến các bang có thế mạnh về nông nghiệp như Iowa chuyên sản xuất ngô hay California để tìm hiểu về công nghệ của nông nghiệp.
Sau chuyến đi này, Thứ trưởng mong muốn sẽ trình lên Chính phủ và Thủ tướng một số kiến nghị về giảm hàng rào phi thuế quan đối với nông sản Mỹ, giúp thúc đẩy quá trình xuất khẩu của bạn vào thị trường Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, thời gian qua, thương mại Việt – Mỹ đã có nhiều phát triển. Chúng ta liên tục tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh sang thị trường khổng lồ này, trong năm 2019 là xấp xỉ 7 tỷ USD.
Tuy nhiên, để nâng cao trình độ sản xuất trong nước, chúng ta cũng cần thúc đẩy nhập khẩu các sản phẩm từ Mỹ. Vì vậy, chuyến đi được xem là cơ hội đối với các doanh nghiệp chuyên về hoa quả của Việt Nam tiếp cận với đối tác Mỹ có kinh nghiệm để nhập khẩu các dây chuyền, thiết bị về sơ chế, chế biến sâu và bảo quản mặt hàng này.
Công nghiệp chế biến của Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn nhưng cũng có cơ hội không nhỏ. Hiện nay chúng ta có thế mạnh ở khu vực chế biến thủy sản và lâm sản. Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Việt Nam hiện nay cần xây dựng các cụm, tổ hợp chế biến cho các mặt hàng trái cây, rau củ quả.
Ngoài ra, qua chuyến đi này, chúng ta cũng có thể tìm hiểu để tái cấu trúc lại thị trường nông sản Việt trên phạm vi toàn cầu. Muốn tăng cường nhập khẩu các nông sản thế mạnh của Mỹ, bên cạnh việc tìm các giải pháp về thuế cần lưu ý về vấn đề hàng rào kỹ thuật, ông Toản cho biết thêm.
Là một đơn vị tham gia đoàn công tác, đại diện công ty Chánh Thu cho biết công ty mong muốn tìm hiểu thêm về công nghệ bảo quản cho một số mặt hàng nông sản xuất khẩu của mình như bưởi và xoài để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc công ty cho biết, đơn vị đang nhắm đến xuất khẩu bưởi sang thị trường Mỹ trong năm nay nên sẽ tìm hiểu kỹ về công nghệ bảo quản loại quả này. Các cộng đoạn chế biến bưởi hiện nay thường là phân loại, đánh rửa, cho qua sáp bảo quản rồi làm khô, đóng gói và cho vào kho lạnh.
Bên cạnh đó, các giống bưởi của Mỹ có mẫu mã rất bắt mắt nên Chánh Thu cũng muốn tìm hiểu, đem giống về lai tạo với các loại bưởi trong nước để nâng cao giá trị cho sản phẩm.
Chánh Thu là công ty chuyên xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc, Mỹ và Trung Đông với doanh thu năm 2018 và khoảng 400 tỷ đồng và năm 2019 xấp xỉ 480 tỷ đồng.
Ngoài 12ha sầu riêng tự trồng ở Bình Phước, công ty liên kết với nông dân ở nhiều tỉnh thông qua hợp tác xã với hơn 400ha cây ăn quả trồng theo tiêu chuẩn VietGAP trở lên gồm nhãn, chôm chôm, xoài, thanh long, vú sữa, sầu riêng..
Hiện nay, thị phần lớn nhất của công ty là Trung Quốc, các bạn hàng đến tận xưởng để đặt mua và vận chuyển về nước. Do đó, Chánh Thu đang mong muốn phát triển theo hướng xuất khẩu chính ngạch, nâng cao sản lượng xuất khẩu trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp sang Mỹ tìm hiểu thị trường
1. SAN HÀ FOODS: Chuyên cung cấp thực phẩm tươi, đông lạnh và chế biến. Bên cạnh sản phẩm chủ lực là vịt, công ty còn phân phối các sản phẩm về gà, lợn, bò đông lạnh nhập khẩu. Thành phần: Ông Nguyễn Doãn San – Phó Giám đốc.
2. ĐÔNG THÀNH: Công ty chuyên kinh doanh thực phẩm, các sản phẩm thịt đã chế biến và thịt bảo quản, giết mổ gia súc/gia cầm và chế biến thức ăn cho gia súc. Thành phần: Bà Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch.
3. BA CHƯ: Công ty chuyên đánh bắt cá ở Bạc Liêu và Bến Tre, sản phẩm chủ yếu là tôm, cua, cá. Công ty đang tìm kiếm các thiết bị lưu trữ thủy sản, phục vụ nhu cầu đánh bắt của mình. Thành phần: Bà Huỳnh Kim Hoàng – Giám đốc.
4. ĐÀ LẠT GAP: Là công ty chuyên sản xuất và cung ứng rau quả đạt tiêu chuẩn Global GAP từ năm 2008. Công ty cũng sở hữ của hàng bán lẻ để phục vụ thị trường địa phương. Thành phần: Ông Lê Văn Cường – Giám đốc.
5. TÂN LONG: Tân Long có 6 công ty thành viên làm việc trong các lĩnh vực khác nhau như khai thác khoáng sản, hậu cần, máy móc và kinh doanh phụ tùng, kinh doanh ngũ cốc và thức ăn, xay xát và chế biến hạt tiêu. Tân Long là nhà nhập khẩu và kinh doanh hàng đầu về ngũ cốc và thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam. Thành phần: Ông Vũ Tuấn Anh, bà Hoàng Hà Giang.
6. VĂN SƠN: Đây là một trong những nhà nhập khẩu, buôn bán nông sản lớn nhất phục vụ nhu cầu của con người và thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam với doanh thu trung bình 10.000 - 15.000 tỷ đồng/năm. Thành phần: Ông Nguyễn Hải Phong – Trưởng phòng kinh doanh.
7. LONG VÂN: Công ty chuyên về xuất nhập khẩu ngũ cốc, thành lập từ năm 2001 và từng là đối tác của Marubeni Việt Nam. Thành phần: Ông Nguyễn Mạnh Long – Giám đốc.
8. BÁCH VIỆT: Sản phẩm kinh doanh chính của công ty là nông sản, lâm sản và động vật tươi sống. Thành phần: Ông Nguyễn Bách – Giám đốc.
9. INTERFLOUR VIỆT NAM: Là thành viên của Interflour Group từ năm 2005, chuyên sản xuất bột mỳ, có nhà xưởng đặt tại cảng Cái Mép. Thành phần: Ông Lương Quang Minh.
10. HỒNG NGA: Công ty chuyên cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, công ty cũng cung cấp sắn lát cho các nhà máy chế biến ethanol. Thành phần: Bà Thạch Thị Minh Trang, bà Nguyễn Thị Thủy.
11. KHAI ANH: Công ty là đơn vị kinh doanh nông sản lớn và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam với các mặt hàng như ngô, lúa mì cắt lát, lúa mì, bã đậu nành, bã lúa mì, bã lúa mì, cám lúa mì, cám viên... và các nguyên tố vi lượng như: L - methionine, Lysine, L - threonine, Tryptophan... Thành phần: Ông Nguyễn Tuấn Nam – Tổng giám đốc, ông Trịnh Khắc Điệp – Phó Tổng giám đốc, ông Trịnh Hoàng Minh – Trợ lý Tổng giám đốc.
12. Á CHÂU HÓA SINH: Công ty hóa sinh châu Á hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh phân bón và thuốc trừ sâu, mua bán hóa chất, vật liệu nông nghiệp, gia công, đóng gói... Thành phần: Ông Trần Nguyên Toàn – Tổng Giám đốc.
13. VINA ĐẠI VIỆT: Công ty chuyên cung cấp nông sản, nguyên liệu thô, phụ gia thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, công cũng cung cấp dịch vụ hậu cần/vận chuyển hàng hóa và xuất khẩu nông sản trong nước như sắn, gạo, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, trà và đậu phộng… Thành phần: Bà Trần Vũ Quỳnh Như – Giám đốc, ông Nguyễn Đông Âu – Phó Giám đốc.
14. CHÁNH THU: Công ty có nhà máy phục vụ cho việc chuẩn bị, chế biến, đóng gói và cấp đông các sản phẩm trái cây đặc sản của Việt Nam. Thành phần: Bà Ngô Tường Vy – Phó Giám đốc.
15. NAM VIỆT: Công ty chuyên xuất nhập khẩu nguyên liệu thô nông, lâm sản và động vật tươi sống. Thành phần: Ông Phạm Thế Duyên – Giám đốc, ông Ngô Thế Duy – Phó Giám đốc.