Doanh nghiệp than không có hàng mua
Đó là nội dung câu chuyện được chia sẻ tại hội thảo trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan xây dựng mã số vùng trồng và thống nhất nội dung ký kết tiêu thụ sản phẩm bưởi da xanh vừa diễn ra chiều 13/4 tại UBND huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Tỉnh Bến Tre là địa phương có diện tích bưởi da xanh lớn ở ĐBSCL, trên 9.400ha, tập trung nhiều nhất tại huyện Châu Thành (3.600ha). Thời gian qua, bưởi da xanh là trái cây đặc sản của tỉnh Bến Tre mang lại hiệu quả cao cho người nông dân. Những năm gần đây, do giá cả bấp bênh, có lúc giá bưởi da xanh rẻ bèo trên dưới 10.000 đồng/kg nông dân không mặn mà chăm sóc bưởi.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn nên đã làm giảm chất lượng trái bưởi. Từ đó, tỷ lệ bưởi đạt chuẩn xuất khẩu thấp khiến giá bưởi càng giảm. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group chia sẻ: Có thời điểm doanh nghiệp cần 2 container nhưng mua không được phân nửa.
Cùng với đó, chuỗi liên kết tiêu thụ bưởi chưa thật sự chặt chẽ, lúc bưởi xuống giá nông dân dồn hết cho doanh nghiệp, lúc giá tăng cao thì doanh nghiệp mua không có hàng. Ngược lại cũng có tình trạng doanh nghiệp thì đặt vấn đề chỉ bao tiêu khi có đơn hàng, còn thời gian còn lại nông dân tự bơi.
Tại HTX Bưởi da xanh Quới Sơn, huyện Châu Thành, ông Nguyễn Phước Nữa, Giám đốc HTX cho hay: Hiện nay, diện tích bưởi ở xã Quới Sơn nhiều nhưng đa phần bị nhiễm mặn, lão hoá nên chất lượng không đạt, tỷ lệ trái đẹp để xuất khẩu thấp.
Ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tường Đa, xã Tường Đa, huyện Châu Thành chia sẻ: Hiện nay liên kết bưởi da xanh đang gặp một số khó khăn như diện tích bưởi manh mún khó có diện tích đủ lớn để xây dựng mã số vùng trồng. Nông dân còn chưa tin tưởng doanh nghiệp. Thương lái mua hàng cạnh tranh với hợp tác xã khiến nông dân dễ phá vỡ liên kết. Thời gian tới cần ngồi lại với nhau để thống nhất lại quy trình liên kết hợp tác trong xây dựng vùng trồng, vùng nguyên liệu.
Cần tin tưởng lẫn nhau
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu chia sẻ, từ khi lô bưởi đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ được tiêu thụ thành công doanh nghiệp nhận được sự phản hồi rất tích cực từ khách hàng. Người tiêu dùng Mỹ đánh giá cao bưởi da xanh của Việt Nam, đặc biệt là bưởi trồng ở Bến Tre. Do đó, doanh nghiệp tự tin tìm đến các hợp tác xã đặt vấn đề liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu đủ lớn, ổn định lâu dài để hướng tới cạnh tranh tại thị trường quốc tế. “Nếu muốn phát triển thì cần bắt tay với nhau, sản xuất theo nhu cầu của thị trường”, bà Thu nhấn mạnh.
Hiện nay, tỉnh Bến Tre có 16 vùng trồng với 31 mã số bưởi da xanh, diên tích đạt 366,8ha.
Đồng quan điểm với bà Thu, ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở thu mua bưởi da xanh Hương Miền Tây chia sẻ, thị trường của doanh nghiệp chủ yếu ở Trung Quốc, nhu cầu mỗi tháng từ 100 – 200 container, chiếm 80%. Từ năm 2010, doanh nghiệp đã bắt đầu liên kết bao tiêu với nông dân. Hiện nay Hương Miền Tây đã có cơ sở đóng gói đạt chuẩn để xuất bưởi đi thị trường các nước Mỹ, Trung Quốc và EU. Doanh nghiệp này đã đăng ký với tỉnh Bến Tre liên kết bao tiêu và xây dựng 600ha vùng nguyên liệu có mã số vùng trồng. “Vấn đề ở đây là chúng ta thiếu sự tin tưởng lẫn nhau. Thời gian tới, Hương Miền Tây sẽ thí điểm bao tiêu giá cố định, đặt hàng cho bà con sản xuất. Sản phẩm sạch, mẫu đẹp không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dày vỏ, ngon sẽ thu mua hết”, ông Hưng nói.
Theo ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, bưởi da xanh được tiêu thụ mạnh tại thị trường Trung Quốc. Sắp tới, thị trường này sẽ mở cửa chính ngạch cho trái bưởi và dừa của Việt Nam. Do đó, cần tổ chức lại sản xuất để đón đầu thị trường. Cũng theo ông Đức, khi xuất khẩu chính ngạch thì cần có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, chất lượng đòi hỏi cũng được nâng cao lên.
Tại hội nghị, 4 doanh nghiệp thu mua bưởi da xanh đã ký kết bao tiêu với các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh. Các bên cùng cam kết liên kết xây dựng mã số vùng trồng, vùng nguyên liệu đạt chuẩn hướng tới xuất khẩu.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt đã góp ý với bà con trồng bưởi và các doanh nghiệp tại Bến Tre cần khai thác tốt giá trị của chỉ dẫn địa lý “Bưởi da xanh Bến Tre”. Cần quản lý tốt vùng nguyên liệu có truy xuất nguồn gốc tránh tình trạng bưởi vùng khác được pha trộn với bưởi Bến Tre sẽ không đồng đều chất lượng.
Ông cũng cho hay, Cục Trồng trọt cam kết đồng hành cùng nông dân trồng bưởi, đặc biệt là ở Bến Tre. Ông mong muốn các hợp tác xã, doanh nghiệp mạnh dạn kiến nghị các khó khăn để Cục báo cáo lãnh đạo Bộ có phương hướng giải quyết, hỗ trợ. Tại hội nghị ký kết lần này, các doanh nghiệp và con nông dân cần nghiêm túc thực hiện cam kết đã ký, phải làm thật, có kết quả thật.