Tiêu chuẩn cực khắt khe
Trở lại huyện Châu Thành, vùng chuyên canh cây bưởi da xanh của tỉnh Bến Tre những ngày cuối năm 2022, chúng tôi có dịp được gặp gỡ, trò chuyện với những cô bác đang ngày ngày cần mẫn xây dựng nên thương hiệu trái cây đặc sản của vùng đất này.
Lão nông Võ Thanh Nhàn, thành viên của HTX Bưởi da xanh Bến Tre, cho biết bà con trồng bưởi vùng này rất phấn khởi khi trái bưởi da xanh được xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Ông cũng cho hay bạn bè bên Mỹ khi thưởng thức đặc sản quê nhà thì vô cùng thích thú, không ngớt lời khen ngợi. “Tôi có theo dõi, bà con mình mua về ăn ai cũng thích khen ngon hơn bưởi của Trung Quốc”, ông Nhàn nói.
Tại xã Quới Sơn, huyện Châu Thành đã có gần 40ha bưởi da xanh của HTX Bưởi da xanh Quới Sơn được xây dựng mã số vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP xuất khẩu sang Mỹ.
Ông Nguyễn Phước Nữa, Giám đốc HTX Bưởi da xanh Quới Sơn tâm tư: “Trong lô đầu tiên, HTX lựa cũng rất kỹ, hàng đẹp chuyển lên 5 tấn nhưng doanh nghiệp chỉ chọn được có 1,2 tấn, số còn lại bị trả về”.
Ông nói, khi đó chỉ 1,2 tấn bưởi được chọn thì HTX có lãi. Số còn lại bị sẹo, trái quá cỡ… bị trả về, HTX bán hoà vốn bằng với giá bưởi thông thường.
Chúng tôi đem tâm tư này của bà con nông dân trao đổi với ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Bưởi da xanh Bến Tre được biết: Đây là chuyến hàng đầu tiên nên các đơn vị xuất khẩu lựa chọn hàng rất kỹ để đảm bảo khách hàng đồng thuận, đầu xuôi đuôi lọt.
Ông cũng chia sẻ thêm, Mỹ là thị trường cao cấp nên yêu cầu cao. Về mặt kỹ thuật cần phải đảm bảo về tiêu chuẩn dư lượng thuốc trừ sâu, phân bón, nấm bệnh… không thể có sai sót được. Về mặt này, hiện nay hầu hết bưởi trong vùng trồng đều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nên đã vượt qua.
Bên cạnh đó, về hình thức cũng có sự kén chọn. Về trọng lượng, các nhà xuất khẩu chỉ lựa chọn trái bưởi từ 1-1,8 kg. Với kỹ thuật canh tác hiện nay, trọng lượng bưởi của nhà nông không đồng đều, dao động từ 800g đến 2,5kg/trái. Theo tiêu chí này thì chỉ có khoảng 30-40% trái bưởi đạt yêu cầu.
Tuy nhiên, trong số này còn phải loại trừ những quả bị sẹo, tỳ vết bên ngoài, ong đốt… Do đó, không chỉ riêng bưởi của thành viên HTX mà hầu hết bưởi trong vùng trồng đều có tỷ lệ đạt chuẩn xuất khẩu vào Mỹ chỉ đạt dưới 20%.
Đồng quan điểm trên, ông Đàm Văn Hưng chủ cơ sở thu mua, xuất khẩu bưởi da xanh Hương Miền Tây (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre), một đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong xuất khẩu bưởi da xanh trong và ngoài nước cũng cho rằng: Bà con nông dân mình hay nhầm lẫn giữa sản xuất theo quy trình và kỹ thuật. Sản xuất theo quy trình thì sản phẩm mới đảm bảo tính an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tuy nhiên về mặt kỹ thuật như: trái đồng đều, trái đẹp, ăn ngon thì có thể chưa đạt theo thị hiếu người tiêu dùng. “Không phải đã đạt GAP rồi thì đều được xuất đi hết”, ông Đàm Văn Hưng chia sẻ.
Ông cũng giải thích rằng để trái bưởi đạt chuẩn xuất khẩu thì cần phải đạt về mặt quy trình, tức là an toàn dư lượng và đạt về mặt kỹ thuật, tức là ngon, đẹp, đều.
Cũng theo ông Đàm Văn Hưng chia sẻ, hiện nay doanh nghiệp đã có 3 mã số vùng trồng được cấp để xuất khẩu sang Mỹ. Với nhiều năm kinh nghiệm xuất khẩu bưởi sang châu Âu, ông cũng cho rằng không nhất thiết bưởi phải được công nhận đạt chuẩn GlobalGAP hay VietGAP thì mới xuất khẩu được mà chỉ cần đạt những tiêu chuẩn theo quy định và trái bưởi độ đồng đều về mẫu mã, chất lượng.
Vì vậy, để trái bưởi đạt cả hai tiêu chuẩn trên, ông Nguyễn Quốc Bảo và ông Đàm Văn Hưng cùng cho rằng cần có sự vào cuộc của ngành Nông nghiệp trong hướng dẫn bà con nông cùng sản xuất theo cùng một quy trình và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc để cho sản phẩm đồng đều (không có trái to, trái nhỏ), an toàn đạt tiêu chuẩn của thị trường Mỹ cũng như những thị trường tiềm năng khác.
“Sau đợt xuất khẩu này, HTX cùng với doanh nghiệp, bà con nông dân và ngành nông nghiệp cần phải ngồi lại với nhau để chia sẻ những thuận lợi, khó khăn của lô hàng đã xuất. Trên cơ sở đó sẽ có kế hoạch khắc phục. Có những cái khắc phục liền, tuy nhiên có những vấn đề cần có thời gian.
Ví dụ như ngành nông nghiệp sẽ chia sẻ cắt tỉa trái như thế nào để trái, bón phân như thế nào để trái đạt trọng lượng từ 1-1,8kg, những côn trùng nào gây hại để lại tỳ vết trái. Doanh nghiệp cũng cần có những hỗ trợ để bà con mình cùng thực hiện các vấn đề này”, ông Nguyễn Quốc Bảo cho biết.
Chuyến xe mở đường và trách nhiệm cần gánh vác
Chuyến xe của Tập đoàn Chánh Thu mang theo lô bưởi da xanh đầu tiên của Bến Tre “đi mở đường” thị trường Mỹ ngày 28/11/2022 đã tạo nên sự phấn khởi cho người trồng bưởi của tỉnh nói riêng cũng như cả nước nói chung.
CEO Tập đoàn Chánh Thu Ngô Tường Vy đã xúc động chia sẻ “để có được ngày hôm nay, chặng đường 6 năm đàm phán với rất nhiều sự nỗ lực khi cả hai nước đều trải qua đại dịch Covid-19 với quá nhiều mất mát”.
Khi nhìn lại hành trình làm việc của Cục Bảo vệ thực vật làm việc với cơ quan kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) bà nói rằng bản thân thật sự xúc động và mong muốn những nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) khi tham gia xuất khẩu trái bưởi hãy nhìn vào những giá trị này để hiểu rõ hơn vai trò và trách nhiệm của mình. Bởi, để mở cửa được một sản phẩm bước vào một thị trường có yêu cầu cao như Mỹ thật không phải là điều dễ dàng khi hiện trạng canh tác của Việt Nam còn manh mún, nhỏ lẻ, ý thức và niềm tin với liên kết chuỗi còn nhiều hạn chế.
Những ngày đầu tháng 12/2022, bà Ngô Tường Vy xác nhận 2 tấn bưởi da xanh đi bằng máy bay đầu tiên đã đến Mỹ và được người tiêu dùng chấp nhận. Giá bán lẻ mà các siêu thị, cửa hàng trái cây tại nhiều bang khác nhau của Mỹ ở mức từ 6,99 - 9,99 USD/Ib (khoảng 15-22 USD/kg), tương đương 375.000 - 535.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi trái bưởi da xanh (1,2 - 1,8kg) sẽ có giá thấp nhất 450.000 đồng và cao nhất 963.000 đồng.
Khi trái bưởi được thị trường Mỹ chấp nhận ngoài tăng kim ngạch xuất khẩu, điều quan trọng hơn là tăng uy tín cho trái cây của Việt Nam, nhất là khi chinh phục các thị trường giàu tiềm năng khác như: Úc, Newzealand, Nhật, Trung Quốc…
Để hiện thực hóa khát vọng đưa trái bưởi Việt chinh phục các thị trường khó tính CEO Ngô Tường Vy cho rằng cần sự vào cuộc của các ngành, các cấp tỉnh Bến Tre trong hỗ doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu cũng như dẫn dắt nông dân thay đổi tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Chuyến xe mở đường đã thành công rực rỡ. Tuy nhiên, bà Ngô Tường Vy - Tổng Giám đốc Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu bày tỏ: “Con đường phía trước là trách nhiệm để giữ gìn và phát, có lấy được niềm tin của người tiêu dùng Mỹ hay không đó là sứ mệnh mà những doanh nghiệp xuất khẩu đang gánh vác”.
Chuyến xe mang hương bưởi Bến Tre đầu tiên sang trời Tây đã mở đường thành công hứa hẹn cho những chuyến hàng sắp tới chinh phục những thị trường mới, đưa danh tiếng trái cây Việt Nam vang xa.
Hiện Bến Tre có diện tích bưởi đạt 9.440ha, sản lượng hàng năm đạt gần 90.000 tấn. UBND tỉnh Bến Tre, đã chỉ đạo ngành NN-PTNT, Khoa học Công nghệ cùng với sự hỗ trợ của Bộ NN-PTNT sẽ hướng dẫn bà con nông dân quy trình sản xuất để nâng cao tỷ lệ bưởi đạt chuẩn tại vườn cũng như đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe nông dân.