| Hotline: 0983.970.780

Vùng khô hết khát, đột phá nhờ công nghệ cao: 1ha cho giá trị sản xuất 700 triệu đồng

Thứ Sáu 17/03/2023 , 06:05 (GMT+7)

Định hướng đúng đã giúp một số sản phẩm đặc thù khẳng định được lợi thế cạnh tranh, có thương hiệu như bưởi da xanh, dưa lưới, măng tây xanh, nho, táo, heo bản địa, dê, cừu, bò vàng…

Bức tranh sáng

Năm 2022 là năm đầu tiên Ninh Thuận thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 12/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; qua đó, ngành nông nghiệp tỉnh này đã có những đổi thay đáng ghi nhận.

Empty

Nhờ ứng dụng công nghệ cao trong trồng nho mà anh Nguyễn Đình Trí ở thôn Láng Ngựa, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) có thu hoạch nho ngay trong mùa mưa, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: M.P.

Thông qua chính sách hỗ trợ, trong năm 2022, Ninh Thuận đã thu hút mạnh các doanh nghiệp và khuyến khích nông dân đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần vào công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn. Nhờ đó, Ninh Thuận đã khởi động thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, đồng bộ, năng suất, chất lượng, có giá trị kinh tế, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nông nghiệp công nghệ cao ở Ninh Thuận đã có bước phát triển ngày càng tăng về quy mô, năng suất, chất lượng. Một số sản phẩm đặc thù của các địa phương từng bước khẳng định được lợi thế cạnh tranh, có thương hiệu như bưởi da xanh, dưa lưới, măng tây xanh, nho, táo, heo bản địa, dê, cừu, bò vàng…

Đến nay, Ninh Thuận đã hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; việc đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được các địa phương quan tâm thực hiện; theo đó, trình độ, nhận thức, năng lực sản xuất của người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp ngày càng được nâng lên.

z4182960908066_49791316fd09dc0f3e4547da39671abd

Mô hình trồng dưa lưới úng dụng nông nghiệp công nghệ cao của HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Nam miền Trung. Ảnh: M.P.

“Hiệu quả bước đầu đã góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp Ninh Thuận phát triển theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa; đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả; sức cạnh tranh tăng cao gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, hướng đến xuất khẩu”, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho hay.

Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản của Ninh Thuận trong năm 2022 tăng 4,21% so với năm 2021; trong đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng bình quân chiếm 39,6%; cơ cấu nội bộ ngành nông, lâm nghiệp chiếm 40,92%, thủy sản chiếm 59,08%. Giá trị sản xuất nông nghiệp đại trà đạt 137 triệu đồng/ha; giá trị sản xuất trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp đáp ứng theo tiêu chí công nghệ cao đạt khoảng 650 - 700 triệu đồng/ha.

Ninh Thuận xác định trên địa bàn có 2 vùng đáp ứng các điều kiện, tiêu chí công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đó là vùng tôm giống công nghệ cao An Hải và vùng rau an toàn An Hải (huyện Ninh Phước). Hiện nay, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Ninh Thuận đạt 260ha, mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt 1.000ha. Ninh Thuận đã hình thành 3 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao được UBND tỉnh công nhận.

Hiện nay, Ninh Thuận đã thu hút đầu tư 31 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đi vào hoạt động gồm: 18 dự án trồng trọt, 3 dự án chăn nuôi, 8 dự án thủy sản và 2 dự án chế biến nông sản; trong đó có 60% dự án hoạt động hiệu quả. Ninh Thuận ưu tiên đầu tư phát triển một số sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc thù gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ và hướng đến xuất khẩu. Đến nay, tỉnh đã có 2 sản phẩm xuất khẩu là tôm sú giống bố mẹ và thạch nha đam.

Empty

Cánh đồng măng tây xanh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của Công ty CP Giống cây trồng Nha Hố. Ảnh: M.P.

“Sản lượng tôm giống của Ninh Thuận trong năm 2022 đạt 39,65 tỷ con, đạt 79,3% so với kế hoạch. Tỉnh đã chủ động 20% tôm thẻ chân trắng bố mẹ, 40% tôm sú bố mẹ, có hơn 10% số cơ sở sản xuất có quy mô công suất tối thiểu 0,5 tỷ con giống/năm, 100% cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và được giám sát an toàn dịch bệnh, đạt 100% so với mục tiêu đề ra”, ông Đặng Kim Cương thông tin.

Tiếp tục nhân rộng

Thông qua quy hoạch, Ninh Thuận đã xác định được 13 vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô diện tích 4.306ha. Hiện nay, ngành nông nghiệp đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng đề án phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững tại khu vực tưới thuộc hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, với quy mô khoảng 4.000ha; phối hợp với Công ty TNHH GTS Minh Phú lập quy hoạch phân khu Giống công nghệ cao An Hải, Sơn Hải. Đây là cơ sở để tiếp tục thu hút đầu tư phát triển trong thời gian đến.

Để làm “bệ đỡ” phát triển, Ninh Thuận đang tập trung phát huy hiệu quả của liên kết 4 nhà để tạo chuỗi liên kết chặt chẽ giữa các khâu nghiên cứu, thực nghiệm, sản xuất, chế biến và bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là đối tượng ưu tiên hàng đầu của chương trình.

Tính đến nay, UBND tỉnh Ninh Thuận đã cấp chứng nhận cho 3 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, gồm: Công ty CP Giống cây trồng Nha Hố, Công ty CP Thực phẩm Cánh Đồng Việt, Công ty CP Nắng và Gió; đồng thời hỗ trợ xây dựng 2 hồ sơ đề nghị công nhận 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là vùng tôm giống An Hải và vùng rau an toàn An Hải.

Trong công tác nghiên cứu, ngoài giống nho NH01-152 đã được đưa vào cơ cấu giống cây trồng sản xuất nhân rộng trên địa bàn tỉnh, hiện Ninh Thuận còn đang phát triển thêm các giống nho mới chất lượng, mang lại giá trị kinh tế cao sẽ góp phần vào mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Ngành nông nghiệp Ninh Thuận còn phối hợp với Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiêp Nha Hố và các đơn vị liên quan lựa chọn một số giống nho mới đang trồng khảo nghiệm, đánh giá tính thích nghi để nhân rộng, ví như nho sữa Hàn Quốc, nho hạ đen, nho ngón tay đen… Đó là những giống mới nho ăn tươi, nho không hạt chất lượng cao có nhiều triển vọng giúp người trồng nho nâng cao hiệu quả kinh tế.

Empty

Mô hình trồng táo xanh ứng dụng công nghệ cao của Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố. Ảnh: M.P.

Ngoài ra, Ninh Thuận còn hỗ trợ dự án cây trồng mới ứng dụng công nghệ cao tại xã An Hải (huyện Ninh Phước), dự án nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất quả thể Đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris) trên nguồn cơ chất tổng hợp quy mô bán công nghiệp tại xã An Hải (huyện Ninh Phước).

Ninh Thuận cũng đang phối hợp của các đơn vị khoa học ngoài tỉnh như Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam, Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, Trường Đại Học Nguyễn Tất Thành... trong việc hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho tỉnh.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Kim Cương, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại như các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa phát triển đồng bộ, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp chưa cao; hàm lượng ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất còn hạn chế; cơ sơ vật chất, hạ tầng kỹ thuật đầu tư chưa toàn diện; vùng quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa được quan tâm đầu tư đồng bộ.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận: “Để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đạt hiệu quả, trong thời gian tới Ninh Thuận cần giải quyết các hạn chế, khó khăn, thách thức nêu trên. Đồng thời thực hiện hiệu quả mục tiêu ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao vào một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nhằm phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.