| Hotline: 0983.970.780

Kỹ sư trẻ quyết phục dựng quýt hồng Lai Vung bằng công nghệ cao

Thứ Bảy 10/09/2022 , 17:12 (GMT+7)

ĐỒNG THÁP Một kỹ sư trẻ ở xã Tân Thành, Lai Vung (Đồng Tháp) mang cây quýt hồng từ vườn vào trồng trong nhà lưới công nghệ cao, ấp ủ quyết tâm phục hồi loại cây này.

Đón chúng tôi tại khu nhà lưới công nghệ cao đang trồng dưa lưới và quýt hồng, kỹ sư 27 tuổi Nguyễn Thế Ngoan Vinh nhiệt tình chia sẻ về cơ duyên đưa anh đến với nông nghiệp, đặc biệt là việc thử nghiệm phục hồi cây quýt hồng.

Ảnh 1

Khu nhà lưới công nghệ cao hiện đang trồng quýt hồng của anh Nguyễn Thế Ngoan Vinh. Ảnh: Kim Anh.

Điều thú vị nhất khi trò chuyện cùng anh Vinh đó là suy nghĩ làm nông nghiệp rất mở, rất thoáng. Anh Vinh không nhìn vào sự phát triển của cây quýt ở Lai Vung, mà nhìn ở Nhật Bản, Úc. “Tôi thu nhập tài liệu, video xem cách họ làm thế nào rồi ứng dụng từ cách trồng, tạo tán, tưới, cho tới khi thu hoạch họ làm gì và thu thập cả tài liệu về cách sử dụng phân bón ở nước ngoài để áp dụng cho vườn của mình”, anh Vinh hào hứng chia sẻ.

Theo lời anh Vinh, trên diện tích 3.500m2 đang phát triển khu nhà lưới, trước đây đều trồng quýt hồng. Giai đoạn xảy ra dịch bệnh trên cây có múi, như nhiều nông dân khác trong vùng, gia đình anh tiên phong đốn quýt, chuyển sang trồng dưa lưới, từ đây anh “lấn sân” sang mảng nông nghiệp công nghệ cao.

“Trồng dưa lưới một thời gian tôi hiểu được nhu cầu cây cần gì để học hỏi thêm, từ đó ứng dụng vào cây quýt hồng, thử nghiệm đưa cây quýt hồng vào trồng trong nhà lưới xem phù hợp hay không”, anh Vinh chia sẻ về dự án thử nghiệm của mình.

Ảnh 2

Anh Nguyễn Thế Ngoan Vinh từng thành công với 2 mô hình nông nghiệp công nghệ cao là dưa lưới và dưa lê vàng. Ảnh: Kim Anh.

Từ năm 2020, anh xây dựng khu nhà lưới, quy mô thử nghiệm 500m2, trồng 50 gốc quýt hồng. Sau 2 năm, bằng mô hình công nghệ cao, kiểm soát từ khâu giống, nước tưới, phân bón, đến nay cây phát triển tốt, chưa ghi nhận dấu hiệu bệnh.

Anh Vinh đánh giá, quýt hồng trồng trong nhà lưới giảm thiểu sâu bệnh, bảo vệ cây, tiết kiệm công tưới nước, bón phân khoảng 60%. Hơn nữa, phân bón sử dụng là phân hòa tan dành cho hệ thống tưới nhỏ giọt. Khi đưa xuống đất, cây sẽ giữ lại, giảm được thất thoát ra môi trường.

Quá trình phát triển của cây đều được anh ghi chép, chụp ảnh lại, lập biểu đồ so sánh. So với cách làm truyền thống, việc đưa cây quýt hồng vào trồng trong nhà lưới đã giúp nhà vườn chủ động kiểm soát nguồn nước đầu vào, bảo đảm nguồn nước sạch cho từng cây.

Ảnh 3

Kỹ sư trẻ Nguyễn Thế Ngoan Vinh quyết tâm xây dựng mô hình phục hồi vườn quýt hồng. Ảnh: Kim Anh.

“Nếu có một cây bệnh cũng không thể lây cho cây khác nhanh chóng được. Cây phát triển nhanh hơn 1,4 - 1,5 lần so với cách trồng truyền thống”, anh Vinh đánh giá.

Nói về cơ duyên để bản thân quyết tâm phục hồi lại cây quýt hồng, anh Vinh gói gọn trong 2 từ “may mắn”. Năm 2015, khi còn là sinh viên chuyên ngành bảo vệ thực vật (Trường Đại học Cần Thơ), anh may mắn nhận được học bổng đi Nhật Bản. Rồi trùng hợp, anh được đến tham quan vùng trồng quýt của “đất nước mặt trời mọc”. Ấn tượng với cách làm của nước bạn, khi ấy anh tự đặt cho bản thân câu hỏi “sức mình có thể làm nổi không”.

Đến năm 2020, may mắn nhận được sự ủng hộ của gia đình, anh đầu tư 300 triệu đồng, chuẩn bị đất, xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới, cây giống... để trồng thử nghiệm quýt hồng.

“Khi chọn giống, tôi làm liều mua giống bên ngoài mà không chắc có sạch bệnh hay không. Lại là một may mắn khi trồng trong nhà lưới, nhờ áp dụng các biện pháp canh tác công nghệ cao, qua 2 năm cây không có biểu hiện bệnh”, anh Vinh cho hay.

Ảnh 4

Cây quýt hồng sau 2 năm trồng hiện đang phát triển tốt, bước đầu mô hình thử nghiệm của anh Nguyễn Thế Ngoan Vinh tương đối thành công. Ảnh: Kim Anh.

Bằng giọng tự hào, anh Vinh chia sẻ lý do quyết tâm phục hồi lại vườn quýt hồng: “Nghĩ đến Lai Vung sẽ nghĩ đến hai đặc sản nem và quýt hồng, nó ăn sâu vào trong máu của người Lai Vung. Tôi trồng dưa lưới 4 năm nhưng để phát triển với loại cây này rất khó. Trong khi địa phương còn có cây gắn với chỉ dẫn địa lý của Lai Vung là quýt hồng. Với lợi thế chuyên ngành đã học, tôi chọn quýt hồng”.

Quan điểm của anh Vinh, trồng một loại cây phải đánh giá yếu tố thị trường, sầu riêng hiện nay trồng quá nhiều, cây mít thì bấp bênh. Và anh chọn quýt hồng là cây trồng hướng đến tương lai. Dự kiến đầu năm 2023, anh Vinh sẽ bắt đầu xử lý cho cây ra hoa, để trái.

Xem thêm
Cải thiện chất lượng bò thịt tại Việt Nam theo tiêu chuẩn Pháp

HÀ NỘI Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì ký kết thỏa thuận hợp tác với Phòng Thương mại và Thủ công nghiệp Ile-de-France (CMA IDF) nâng cao chất lượng bò thịt Việt Nam.

Muôn kiểu phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

BÌNH ĐỊNH Trước nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi có thể bùng phát bất cứ lúc nào, ngành chức năng Bình Định có nhiều cách phòng dịch bệnh nguy hiểm này để bảo toàn đàn lợn.

Thách thức của nông dân trong quản lý cỏ dại trên ruộng lúa

Cỏ dại được đánh giá là một trong những nguyên nhân chính làm giảm năng suất lúa, tạo ra thách thức lớn trong sản xuất nông nghiệp.

Những mầm xanh vươn lên từ vùng đất khắc nghiệt

SƠN LA Từ nương rẫy bạc màu, chị Hường vươn lên với mô hình ươm cây giống trong nhà màng, mở ra hướng đi bền vững cho nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Vân Hồ.

Đại sứ Colombia: ‘Chính sách tốt bắt nguồn từ cơ sở khoa học vững chắc’

Bà Camila nhấn mạnh điều này khi trao đổi với CIAT và cho rằng Chính phủ các quốc gia phải có trách nhiệm trong việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

Chuyển biến tích cực trong chống khai thác IUU: [Bài 1] Tuyệt đối không vượt ranh giới

Tiếp thu những khuyến nghị của EC, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những chuyển biến tích cực trong việc khắc phục các tồn tại về chống khai thác IUU.

Trước tuyên bố áp thuế đối ứng 46% của Mỹ: Doanh nghiệp gỗ 'không bi lụy, than khóc'

Dù không dễ thực hiện, ý tưởng sẽ được chính quyền Trump ủng hộ, còn Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam coi như biện pháp ứng phó lâu dài với thuế đối ứng.

Bình luận mới nhất