| Hotline: 0983.970.780

Kỹ sư Vũ Đình Bông và bản nhạc vinh quang trong lao động

Thứ Hai 02/05/2016 , 07:10 (GMT+7)

Cả cuộc đời thầm lặng làm việc, đóng góp cho cuộc đời những phát minh khoa học áp dụng vào đời sống. Kỹ sư Vũ Đình Bông đã để lại bản nhạc vinh quang trong lao động.

Học tập vì Tổ quốc

Kỹ sư Vũ Đình Bông tên khai sinh là Võ Đình Diêu sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho, ở vùng đất có truyền thống cách mạng kiên trung, bất khuất “có núi Ấn, sông Trà, có Ba Tơ quật khởi, có Sơn Hà tiên phong” nay là làng Vạn An, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

03-41-18_nh-2
Kỹ sư Vũ Đình Bông (1922 - 1999)

Cha của ông là cụ Võ Đình Thụy - kỹ sư chuyên ngành công chính xây dựng. Mới chớm đôi mươi, cũng như bao thanh niên khác, ông đi theo cách mạng, tham gia Mặt trận Việt Minh, được bổ sung vào đội tuyên truyền chống xâm lăng.

Trong lần ông về thăm cha, cụ Võ Đình Thụy đã dùng những lời lẽ ôn tồn và khúc chiết khuyên ông:

"Sau khi kháng chiến thành công, đất nước độc lập thì yêu cầu về nhân lực chuyên môn cho mọi ngành sẽ vô cùng lớn. Tổ quốc sẽ rất cần có một đội ngũ đông đảo trí thức khoa học, công nông nghiệp để kiến thiết đất nước, phục vụ nhân sinh. Trong lúc ở nước ta hiện nay chưa có trường Đại học Bách khoa thì làm sao đào tạo kịp thời lực lượng kỹ sư thiết yếu để phát triển nền kinh tế của đất nước.

Hiện tại Cụ Hồ và Chính phủ đang phải tập trung lo công cuộc kháng chiến. Còn phía gia đình ta có điều kiện giúp đỡ cho con cháu du học, chú thím con sẽ có trách nhiệm lo cho con và các em con sang Pháp để học tập, mở mang kiến thức công nghiệp, đặng sau này tham gia kiến thiết quốc gia cho hưng thịnh bằng các nước Âu Mỹ…".

Theo lời cha, đồng thời tránh sự truy lùng của địch, ông đổi tên thành Vũ Đình Bông, để sang Pháp du học…

Khắc cốt ghi xương lời dạy bảo của cha, nhớ công ơn chú thím, nhớ anh cả nhọc nhằn vất vả vì các em, Vũ Đình Bông tự xác định trách nhiệm: Học tập vì Tổ quốc, luôn hướng về kháng chiến, coi sự rèn luyện tri thức tinh thông để sau này góp phần cống hiến khi về nước.

Bên cạnh việc học, Vũ Đình Bông còn dành thời gian đáng kể tham gia hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước. Ông thường xuyên trực tiếp nhận nhiệm vụ từ ông Nguyễn Khắc Viện - trong Ban lãnh đạo phong trào Việt kiều yêu nước - giao cho. Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1952, do hoạt động có hiệu quả trong phong trào Việt kiều yêu nước, ông Vũ Đình Bông đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Pháp.

Một hôm, ông Nguyễn Khắc Viện thay mặt cho tổ chức Việt kiều yêu nước đến báo lệnh:

- Đồng chí Vũ Đình Bông chuẩn bị gấp rút lên đường! Đi ngay không có hành trang chuẩn bị để bọn mật thám khỏi nghi trốn vượt.

Vậy là ông lên đường trở về chiến khu Việt Bắc dẫu biết rằng bao khó khăn gian khổ đang chờ đợi phía trước khi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đang bước vào giai đoạn cam go ác liệt. Rất tâm đắc với câu nói của nhà triết học cổ đại Horace “Được chết cho Tổ quốc thì êm ái và đẹp đẽ biết bao”, ông để lại tất cả hành trang và cả một cuộc sống vật chất sung túc trong tương lai ở sau lưng...

Kỹ sư Vũ Đình Bông (1922 - 1999) đã được cử làm Giám đốc Nhà máy Điện Cột 5 (Quảng Ninh); Hồ Chủ tịch ký thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì (1957); trúng cử đại biểu Quốc hội khóa II (1960 - 1964) và khóa III (1964 - 1971); Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế điện - Bộ Điện và Than (1970); Vụ trưởng Vụ Kỹ thuật Bộ Điện và Than (1979)...

Tháng 10/1954, tiếp quản Thủ đô Hà Nội, kỹ sư Vũ Đình Bông được phân công làm Giám đốc Nhà máy Điện Yên Phụ. Chỉ sau 10 ngày, ông đã tự đảm nhận các khâu kỹ thuật, thao tác toàn bộ dây chuyền sản xuất, sớm tách 3 chuyên viên Pháp ra khỏi phần trực tiếp chỉ huy vận hành. Việc ông nhanh chóng làm chủ quy trình điều hành vượt kế hoạch cấp trên giao dự kiến là ba tuần, đã làm cho lãnh đạo thêm tin tưởng và các chuyên viên Pháp rất đỗi ngạc nhiên…

"Phép tiên" trồng cột điện

Trong thời gian công tác, kỹ sư Vũ Đình Bông đề xuất nhiều ứng dụng tiến bộ kĩ thuật nhằm hạn chế lãng phí trong khâu xây dựng như dùng "phép tiên" để trồng cột. Đó là phương án trồng cột điện bằng năng lượng nổ. Thoạt đầu mới trông thấy kiểu trồng cột một cách tức thời như chớp sét, thì ai cũng sửng sốt, tưởng như có phép lạ giống trong truyện thần thoại.

Trong hồi ký của mình, ông kể: “Muốn trồng cột bê tông ly tâm 20 mét, thông thường ở nơi địa chất tốt, phải đào hố sâu 1,5 mét và phải đào hố rộng. Khi hạ gốc cột xuống, phải lấp đất từng lớp, đầm cho chặt.

Còn theo phương pháp nổ mìn, thì chỉ cần khoan tay một lỗ rộng cỡ vừa ống nứa trong đó ống có kẹp lượng thuốc nổ rải đều, có gắn kíp nổ. Cột được dựng trên lỗ khoan đã nạp mìn, có 3 dây néo hờ giữ cột thẳng đứng vuông góc với mặt đất. Rồi từ xa có người điều khiển đóng công tắc điện gây nổ kíp mìn. Sự công phá của năng lượng nổ dọc theo ống nứa tạo sức ép nén đất thành một lỗ rộng đều, cột tức khắc tuột xuống lỗ vừa vắn đó và chân cột được chôn đúng ở độ sâu đã khoan”.


Kỹ sư Vũ Đình Bông báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề kỹ thuật của Nhà máy điện Yên Phụ (tháng 12/1954)

Trước thành công này, ai cũng công nhận đây là một giải pháp đạt hiệu quả khá lớn ở khâu thi công, vừa nhanh, gọn vừa kinh tế. Ứng dụng khoa học vào sản xuất mang lại hiệu quả rõ ràng.

Cột vượt hình chuỗi quả trám sau công đoạn kéo dựng là đến công đoạn chỉnh dây néo. Đồng thời, kiểm tra phần chỉnh kích ở các điểm kích căng hệ dây tạo ứng lực trước cho đều khắp thân cột. Khi những thao tác cuối cùng được đảm bảo, nội ứng lực trong cấu trúc chuỗi quả trám được căng đồng đều tạo độ ổn định, những cây cột đã sẵn sàng cho việc treo sứ mang dây điện.

Sáng kiến cải tiến kĩ thuật Thiết kế cột vượt hình chuỗi quả trám đã được chọn đi tham dự triển lãm khoa học ở Liên Xô, được các nhà khoa học Liên Xô đánh giá cao cả về khía cạnh học thuật lẫn hiệu quả kinh tế và được trao tặng mề - đay sáng tạo khoa học.

Điều này đã là minh chứng rõ ràng cho những nhà khoa học dám nghĩ, dám làm, quyết tâm đấu tranh với sự rụt rè, với sức ì và tư tưởng bảo thủ gây trở ngại cho việc áp dụng thành tựu mới. Nay cột vượt hình chuỗi quả trám dựng bên bờ sông Ninh Cơ (tỉnh Nam Định) vẫn hiên ngang thách thức với thời gian để chứng minh sự đúng đắn của người thiết kế ra nó.

Kỹ sư Vũ Đình Bông còn là ông tổ của năng lượng gió, mà ngày nay được con trai thứ ba của ông là kỹ sư Vũ Đình Tuấn - Tổng Giám đốc Fuhrlaender Vietnam - tiếp tục thực hiện tại Nhà máy Phong điện Bình Thạnh (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận).

Luôn sống và làm việc bằng chính tư duy khoa học trong khối óc của mình, để đem lại lợi ích xã hội, ngay sau khi qua đời, kỹ sư Vũ Đình Bông đã từng được đề nghị truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động. Cuộc đời 78 năm, dù phải đương đầu với nhiều gian truân vẫn là con đường vinh hiển mà ông cũng như mỗi người giàu lòng yêu Tổ quốc không từ nan. Kỹ sư Vũ Đình Bông đã giành được bản nhạc vinh quang trong lao động mà không phải ai cũng có được niềm hạnh phúc ấy…

Kỹ sư Vũ Đình Bông là một thành viên thuộc “Famille Vo Dinh” (Gia đình Võ Đình) với những nhà khoa học Việt kiều nổi tiếng tại Pháp như TS Võ Thị Huệ Đa; TS Hóa học Võ Thị Tri Túc (Khoa Hóa học - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội)…

“Famille Vo Dinh” tính đến nay đã có đến vài chục kỹ sư chuyên môn về gang thép như kỹ sư Võ Đình Quỳnh, kỹ sư Võ Đình Bổng, kỹ sư Võ Đình Lộc… và kỹ sư chuyên môn về điện - năng lượng như kỹ sư Vũ Đình Bông, kỹ sư Võ Đình Viện, kỹ sư Vũ Đình Tuấn…

 

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm