| Hotline: 0983.970.780

Kỹ thuật mới giúp bồ câu nuôi được 3 con, đẻ được 4 trứng

Chủ Nhật 08/10/2023 , 17:09 (GMT+7)

Nhờ áp dụng kỹ thuật mới vào nuôi bồ câu, những hộ dân ở xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết, Bình Thuận nâng cao năng suất lên 1,5 lần so với phương pháp truyền thống.

Mô hình nuôi bồ câu dưới tán dừa kết hợp nuôi gà giúp người dân có thu nhập ổn định. Ảnh: Kim Sơ.

Mô hình nuôi bồ câu dưới tán dừa kết hợp nuôi gà giúp người dân có thu nhập ổn định. Ảnh: Kim Sơ.

Năng suất tăng gấp 1,5 lần

Là nông dân đam mê chăn nuôi, anh Nguyễn Văn Tánh, trú tại xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết lựa chọn chim bồ câu để phát triển kinh tế cho gia đình.

Anh Tánh cho biết, trước đây anh từng nuôi lợn, bò, gà, bồ câu… Nhưng sau nhiều năm, anh mới rút ra được kinh nghiệm, cho đến thời điểm này, nuôi bồ câu có giá trị kinh tế hơn các con khác, bởi bồ câu ít bị dịch bệnh, đầu ra sản phẩm chưa bị cạnh tranh quá lớn.

Để nuôi bồ câu thương phẩm đạt hiệu quả, người nuôi phải biết cách giúp bồ câu sinh sản nâng cao năng suất và đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm. Theo anh Tánh, bồ câu sau khi nuôi được 5-6 tháng sẽ bắt đầu sinh sản và khai thác sinh sản đến 4 năm sau phải hay đàn mới.

Thông thường, 1 tháng bồ câu đẻ được 2 trứng. Nhưng muốn nâng cao năng suất sinh sản, người nuôi cần cung cấp thức ăn, nước uống cho bồ câu đầy đủ và liên tục để đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng.  

Với cách nuôi trước đây, người dân dùng máng ăn bình thường, một ngày cho ăn 2 lần vào sáng và chiều. Nhưng đối với cách nuôi bồ câu của anh Tánh, bồ câu ăn uống chủ động hoàn toàn nhờ sử dụng máng ăn tự động. Khẩu phần thức ăn của bồ câu được pha trộn theo tỷ lệ phù hợp theo ngày tuổi và pha trộn thêm cám gà giúp bồ câu được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, sinh sản liên tục.

Mặt khác, đối với bồ câu mỗi lần đẻ 2 trứng, sau khi trứng nở chỉ nuôi được 2 con, trong giai đoạn chăm con sẽ không sinh sản thêm. Do đó, để rút ngắn thời gian nuôi, thay vì 1 cặp bồ câu nuôi 2 con, anh Tánh ghép thêm 1 con nữa để bồ câu nuôi 3 con. Những cặp bồ câu sau khi tách con sẽ sinh sản lại giúp năng suất tăng lên.

“Với cách nuôi trên, mỗi tháng 1 cặp bồ câu nuôi được 3 con và đẻ được 4 trứng, năng suất cao gấp 1,5 lần so với phương pháp nuôi bình thường”, anh Tánh khẳng định.

Đặc thù của bồ câu ít xảy ra dịch bệnh hàng loạt và sự cận huyết hầu như không có. Ảnh: Kim Sơ.

Đặc thù của bồ câu ít xảy ra dịch bệnh hàng loạt và sự cận huyết hầu như không có. Ảnh: Kim Sơ.

Liên kết sản xuất, tạo hướng đi bền vững

Để nhân rộng mô hình, phát triển theo hướng bền vững, anh Tánh đã đứng ra thành lập HTX Chăn nuôi hữu cơ Thiện Nghiệp (gọi tắt là HTX Thiện Nghiệp) vào năm 2022 với 10 hộ thành viên. Các vật nuôi chủ lực ở HTX chủ yếu là bồ câu, dông cát, gà rừng lai, gà thả vườn. Các hộ dân tham gia HTX được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, đồng thời được bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Ghi nhận tại hộ ông Nguyễn Văn Hoàng, thôn Thiện Hòa, xã Thiện Nghiệp, là thành viên HTX Thiện Nghiệp, hiện đã gây dựng 100 cặp bồ câu trong giai đoạn sinh sản. Bồ câu được ông nuôi theo kiểu lồng công nghiệp, không tốn diện tích nhiều, trung bình 1m2 nuôi được 8 cặp bồ câu. Không gian phía dưới các lồng nuôi bồ câu được ông kết hợp thả nuôi gà nhằm tận dụng thức ăn bồ câu rơi vãi xuống.

Mô hình nuôi bồ câu của ông Nguyễn Văn Hoàng, tại thôn Thiện Hòa, xã Thiện Nghiệp hiện có 100 cặp bồ câu trong giai đoạn sinh sản. Ảnh: Phương Chi.

Mô hình nuôi bồ câu của ông Nguyễn Văn Hoàng, tại thôn Thiện Hòa, xã Thiện Nghiệp hiện có 100 cặp bồ câu trong giai đoạn sinh sản. Ảnh: Phương Chi.

Nguồn phân từ nuôi bồ câu và gà được ông Hoàng tận dụng để bón cây dừa được trồng kết hợp trong khu vực nuôi nhằm tạo bóng mát cho các lồng nuôi bồ câu và tăng thêm nguồn thu nhập.

Ông Hoàng cho biết, hiện mỗi tháng ông xuất bán trung bình từ 30 - 40 con bồ câu thịt với giá bán 180.000 - 200.000 đồng/kg (tùy thời điểm) và 30 - 40 cặp bồ câu giống, với giá bán 180.000 đồng/cặp. Bên cạnh đó, 90 cây dừa, mỗi lứa ông thu hoạch hơn 800 trái, bán với giá từ 5.000 - 6.000 đồng/trái, thu về hơn 4 triệu đồng, chưa kể nguồn thu từ hàng trăm con gà.

“Nhờ nuôi bồ câu dưới tán dừa kết hợp với nuôi gà nên gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định để trang trải cho cuộc sống. Đặc biệt, HTX hướng dẫn kỹ thuật nuôi bồ câu nâng cao năng suất và bao tiêu đầu ra sản phẩm nên gia đình rất yên tâm. Do đó, trong thời gian tới gia đình sẽ nhân rộng mô hình nuôi chim bồ câu”, ông Hoàng chia sẻ.

Sản phẩm chả cây được chế biến từ thịt bồ câu. Ảnh: Phương Chi.

Sản phẩm chả cây được chế biến từ thịt bồ câu. Ảnh: Phương Chi.

Theo ông Tánh, hiện mỗi tháng HTX Thiện Nghiệp cung cấp cho thị trường 100kg thịt bồ câu tươi. Thời điểm này, các thành viên HTX đang tập trung nhân rộng đàn nên sản lượng thịt bồ câu sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Được biết, hiện bồ câu thịt được công ty trên địa bàn xã Thiện Nghiệp thu mua chế biến thành nhiều sản phẩm như: chả cây, sản phẩm bồ câu tươi đóng gói hút chân không… Sản phẩm cung cấp chủ yếu cho các nhà hàng, quán ăn, các chuỗi thực phẩm sạch trên địa bàn TP. Phan Thiết, TP. HCM và các tỉnh lân cận.

Theo ông Tánh, Hiện HTX nuôi giống bồ câu Pháp. Đây là giống cho năng suất cao, thịt trắng, đẹp được thị trường ưa chuộng. Bồ câu từ khi nở sẽ nuôi từ 18 - 20 ngày đạt trọng lượng 600gram, sau khi chế biến thu được 300 gram thịt. Với trung bình 1.000 cặp bồ câu, sau khi trừ chi phí người nuôi thu lãi từ 50 - 60 triệu đồng/tháng, chưa tính các mô hình cộng sinh.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao

PHÚ THỌ Giống ngô TBM189 của ThaiBinh Seed với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh… đã giúp nông dân Lâm Thao gia tăng lợi nhuận trong vụ đông 2024.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.