| Hotline: 0983.970.780

Hành trình thành 'đại gia bồ câu' của chàng sỹ quan biên phòng

Thứ Tư 09/02/2022 , 14:23 (GMT+7)

BÌNH PHƯỚC Mua cặp bồ câu ngoài chợ về để nấu cháo bồi dưỡng cho vợ con, anh Chiến chợt nghĩ: 'Tại sao mình không nuôi bồ câu sinh sản để khỏi tốn tiền mua?'.

Nghĩ là làm, anh gom tiền mua 8 cặp bồ câu về nuôi. Không ngờ, chỉ vài năm sau, đàn bồ câu nhân lên thành trăm cặp, ngàn cặp, và bây giờ là gần 20 nghìn cặp. Đó là câu chuyện nuôi bồ câu của anh sỹ quan biên phòng sinh năm 1984 Trần Công Chiến.

Vừa là chiến sỹ bộ đội biên phòng, anh Chiến còn là nhà nông chuyên nghiệp thực thụ. Ảnh: Hồng Thủy.

Vừa là chiến sỹ bộ đội biên phòng, anh Chiến còn là nhà nông chuyên nghiệp thực thụ. Ảnh: Hồng Thủy.

2 năm trời không ngủ đêm nào

Dù có hẹn trước, lúc đến nhà anh Chiến ở xã Minh Long, huyện Chơn Thành (Bình Phước) trời cũng đã tối từ lâu, nhưng anh Chiến vẫn đi giao hàng chưa về. “Ngày nào cũng vậy, ảnh đi làm về nếu không phải đi giao hàng thì cũng lui cui ngoài chuồng trại, đến 8 - 9 giờ tối mới ăn cơm”, chị Hồ Thị Nguyệt Quế, vợ anh Chiến đón chúng tôi, cho biết.

Hơn 8 giờ tối, khi bữa tối đã chuẩn bị xong, cũng là lúc tiếng động cơ chiếc xe bán tải từ ngoài vào. Anh Chiến cười, chào chúng tôi bằng câu xin lỗi: “Đã hẹn các anh rồi mà vẫn về trễ, vì phải giao hàng gấp để mai họ làm tiệc cưới”.

Quê ở Nghệ An, năm 2002, anh Chiến viết đơn xin nhập ngũ, đóng quân ở Gia Lai. Sau 4 tháng huấn luyện, anh thi đỗ vào Học viện Biên phòng. Năm 2007 ra trường, anh được phân về Gia Lai công tác. Năm 2009, anh lập gia đình với chị Quế, nhỏ hơn anh 2 tuổi.

Để vừa đảm bảo công tác, vừa tham gia làm kinh tế, anh Chiến đã phải nỗ lực rất lớn trong công việc. Ảnh: Hồng Thủy.

Để vừa đảm bảo công tác, vừa tham gia làm kinh tế, anh Chiến đã phải nỗ lực rất lớn trong công việc. Ảnh: Hồng Thủy.

“Năm 2010, chúng tôi làm đám cưới ở Gia Lai. Lúc đó, 2 vợ chồng gom hết tài sản chỉ có hơn 9 triệu đồng để lo toàn bộ chi phí đám cưới. Cưới xong, dư được 4,8 triệu đồng. Mang về phòng trọ mua sắm được 1 chiếc nệm mỏng trải xuống đất nằm, mua thêm chiếc bếp gas mini, 3 cái nồi nhỏ, 10 cái chén, 10 đôi đũa và mấy thùng mì gói. Sau đó, 2 vợ chồng nấu mì gói ăn”, anh Chiến kể.

Năm 2012, lúc con trai đầu mới 1 tuổi rưỡi, khi đã chuẩn bị đủ vật liệu để xây nhà, anh có quyết định chuyển công tác về Bình Phước. Kế hoạch xây nhà đành gác lại.

Về Bình Phước, vợ chồng anh lại tiếp tục ở nhà trọ, kinh tế gia đình càng khó khăn hơn, vợ anh không có việc làm, thu nhập giảm đáng kể. Trong khi đó, lương hàng tháng bị trừ phần lớn vào số nợ 380 triệu đồng vay ngân hàng mua vật liệu làm nhà.

Sau 10 năm gắn bó với bồ câu Pháp, ngoài cơ ngơi đang nuôi bồ câu rộng hơn 1.000m2, vợ chồng anh Chiến còn mua được 3 xe ô tô, 4 - 5 bất động sản. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Sau 10 năm gắn bó với bồ câu Pháp, ngoài cơ ngơi đang nuôi bồ câu rộng hơn 1.000m2, vợ chồng anh Chiến còn mua được 3 xe ô tô, 4 - 5 bất động sản. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Nghe tôi hỏi vì sao anh lại nuôi bồ câu mà không phải con khác?, anh Chiến trầm ngâm giây lát rồi kể: “Lúc đó, cuộc sống quá thiếu thốn, vợ con thiếu ăn, ngày càng xanh xao. Tôi xót ruột, nên thỉnh thoảng có tiền lại mua cặp bồ câu về nấu cháo bồi dưỡng cho họ.

Một lần, mang cặp bồ câu về, tôi chợt nghĩ, sao mình không nuôi bồ câu sinh sản nhỉ? Nếu nuôi được, vợ con mình sẽ có ăn thường xuyên. Nghĩ thế, tôi lập tức chạy ra chỗ người bán, hỏi chị ấy cách phân biệt bồ câu trống mái, cách làm chuồng…, sau đó tôi đặt chị mua 8 cặp bồ câu hết hơn 700 ngàn mang về nuôi. Chỉ mấy tháng sau, tôi mừng đến mức nhảy dựng lên khi thấy chúng bắt đầu đẻ trứng”.

Ban đầu, anh Chiến chỉ định “tăng gia sản xuất”, nuôi bồ câu để bồi dưỡng cho vợ con, nhưng chẳng bao lâu, đàn bồ câu cứ tăng theo cấp số nhân, anh bắt đầu nghĩ đến chuyện bán và mở rộng chuồng trại.

Anh Chiến tâm sự: Ước mơ của anh là xây dựng thương hiệu thực phẩm riêng từ con bồ câu để xuất khẩu, với sự tham gia của hàng trăm, hàng ngàn nông hộ. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Anh Chiến tâm sự: Ước mơ của anh là xây dựng thương hiệu thực phẩm riêng từ con bồ câu để xuất khẩu, với sự tham gia của hàng trăm, hàng ngàn nông hộ. Ảnh: Hồng Thuỷ.

“Từ 2015 - 2017 là thời gian tôi vất vả nhất. Tôi mở rộng chuồng trại, nhưng muốn tiết kiệm chi phí, thời gian, nên tìm mua lại những chuồng trại cũ người ta không nuôi nữa, về sửa lại. Nói có thể ít người tin, nhưng suốt 2 năm trời tôi không ngủ 1 đêm nào, làm việc suốt đêm, 5 giờ sáng nghỉ làm, đánh răng rửa mặt, ăn sáng xong đi làm, 5 giờ chiều về, ăn uống xong lại bắt tay vào làm việc đến 5 giờ sáng hôm sau. Cứ như vậy, ròng rã 2 năm”, anh Chiến nói.

Ngay khi giàu lên nhờ con bồ câu, anh Chiến bắt đầu xây dựng, nhân rộng mô hình. Hiện anh đã liên kết với hơn 60 hộ dân ở 6 tỉnh thành gồm Bình Phước, TP.HCM, Bình Dương, Gia Lai, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, mỗi hộ nuôi từ 200 đến 2.000 cặp. Mỗi địa phương anh giao cho một người quản lý chung nhằm cung cấp con giống, kỹ thuật, và cả vốn cho bà con. Sau đó, nếu họ không có đầu ra, anh sẵn sàng bao tiêu.

Mơ đến một thương hiệu

Khu trại nuôi bồ câu của anh Chiến diện tích hơn 1.000m2, có 3 tầng chuồng, tổng số lên tới gần 20 ngàn cặp, gồm 10 ngàn cặp bồ câu bố mẹ và gần 10 ngàn cặp thương phẩm. Hệ thống cho ăn, uống nước đều đã được tự động hoá, mỗi ngày cho ăn 2 lần; 1 tháng vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng, khử mùi hôi 1 hoặc 2 lần. Anh bảo chăm bồ câu cũng đơn giản chứ không quá vất vả.

Giống bồ câu Pháp anh Chiến nuôi là giống Mimas, có trọng lượng lớn nhất, dễ nuôi, ít bệnh tật, mỗi năm đẻ khoảng 10 lứa, mỗi lứa 1 cặp. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Giống bồ câu Pháp anh Chiến nuôi là giống Mimas, có trọng lượng lớn nhất, dễ nuôi, ít bệnh tật, mỗi năm đẻ khoảng 10 lứa, mỗi lứa 1 cặp. Ảnh: Hồng Thuỷ.

“Mỗi ngày 1 cặp chim bồ câu tốn khoảng 1.000 đồng tiền thức ăn, mỗi tháng tốn 30.000 đồng/cặp. Hiện mỗi cặp chim giống bán ra là 100.000 đồng, trừ hết mọi chi phí, mỗi tháng lợi nhuận mang lại khoảng 50.000 đồng đến 60.000 đồng/cặp. Với trại 10.000 cặp chim bố mẹ, lợi nhuận mỗi tháng khoảng 500 triệu đồng. So với nuôi heo, bò, gà, thì nuôi bồ câu hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần. Đồng thời, nuôi bồ câu ít rủi ro dịch bệnh hơn nhiều lần heo, gà”, anh Chiến phân tích.

Trò chuyện với ông chủ trại bồ câu “khủng” này, tôi thấy anh không chỉ có ý chí sắt đá, đã làm gì thì quyết làm bằng được, mà còn là người có triết lý kinh doanh sâu sắc, giống một doanh nhân thành đạt hơn là một quân nhân chỉ “tăng gia sản xuất” để cải thiện bữa ăn cho vợ con. Đó là kế hoạch 5 năm 4 lần; là kế hoạch xuất khẩu bồ câu đông lạnh ra nước ngoài trong vòng 5 năm nữa.

Đưa tay vào chuồng bắt một con bồ câu mẹ ra ngoài vuốt ve, anh Chiến bật mí về 4 lần kế hoạch 5 năm: “Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất là xoá đói; 5 năm kế tiếp là giảm nghèo; 5 năm tiếp theo là thoát nghèo; và kế hoạch 5 năm cuối là thoát nghèo bền vững, hay nói cách khác là làm giàu. Hiện tôi đã hoàn thành thành công kế hoạch 5 năm thứ nhất, đang thực hiện giai đoạn 2”, anh Chiến nói.

Anh Chiến đang ấp ủ nhiều kế hoạch liên kết phát triển thương hiệu bồ câu ở nhiều tỉnh. Ảnh: Hồng Thủy.

Anh Chiến đang ấp ủ nhiều kế hoạch liên kết phát triển thương hiệu bồ câu ở nhiều tỉnh. Ảnh: Hồng Thủy.

“Bây giờ anh có tiền tỷ rồi, đâu còn nghèo đâu mà thoát nghèo?”, tôi hỏi. Anh bảo, đúng là giờ cơ ngơi của anh đã nhiều tỷ đồng. Chưa kể còn nhiều bất động sản khác, nhà cho thuê. Nhưng vì chưa hết giai đoạn 5 năm nên anh vẫn coi là đang thoát nghèo. Sau mỗi 5 năm, anh mới tổng kết và khẳng định trước khi bước sang giai đoạn tiếp theo...

"Cô gái Hà Lan họ đi lên từ con bò, ban đầu chỉ có mấy nông hộ, sau đó phát triển lên thành hợp tác xã kiểu đại gia đình. Bây giờ, họ đã có 150 năm tuổi, với hơn 18.000 nông hộ thành viên, hoạt động tại 34 nước. Như vậy, tại sao mình không thể xây dựng thương hiệu từ con bồ câu? Tại sao mình không mơ đến một này nào đó, thương hiệu bồ câu đông lạnh Bình Phước với sự tham gia của hàng ngàn nông hộ, và có mặt ở nhiều nước trên thế giới?", anh Trần Công Chiến tâm sự.

Xem thêm
Chuẩn bị chống rét cho gia súc khi trời vẫn còn ấm

THÁI NGUYÊN Ngay từ bây giờ, khi thời tiết còn ấm, người chăn nuôi gia súc đã cải tạo chuồng trại, chuẩn bị bạt để che kín chuồng, giữ ấm cho đàn gia súc trong mùa đông.

Phú Yên phát triển các vùng trồng dừa tập trung

Tỉnh Phú Yên sẽ hình thành các vùng dừa sản xuất tập trung ở thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An, kết hợp phát triển cảnh quan, du lịch cộng đồng.

Bảo tồn giống bưởi cơm của xứ Mường

Hòa Bình Sớm đó, khi thảm cỏ còn đẫm sương đêm, tôi cùng anh Lương Văn Thảo (xóm Má 1, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, Hòa Bình) leo lên quả đồi cao trước mặt.