| Hotline: 0983.970.780

Thắng lớn nhờ biết cách hạn chế kháng sinh cho chim nuôi

Thứ Tư 15/12/2021 , 14:39 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Bằng cách tăng đề kháng cho chim bồ câu để khai thác tốt hơn, với 5 nghìn cặp chim bố mẹ, hàng tháng anh Nguyễn Sỹ Điều thu về đều đặn hơn 300 triệu đồng.

Hạn chế kháng sinh, tăng sức đẻ

Xuất thân từ bác sĩ thú y, từng làm cho công ty chăn nuôi và rong ruổi khắp nhiều tỉnh, thành, anh Nguyễn Sỹ Điều quê ở xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy cũng trang bị được chút “nghề” cho bản thân và có bước đầu thành công với mô hình nuôi 5.000 cặp chim bồ câu cho thu ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

Anh Nguyễn Sỹ Điều cho chim non vào lồng để mỗi cặp chim bố mẹ nuôi từ 3 đến 5 con non. Ảnh: Đinh Mười.

Anh Nguyễn Sỹ Điều cho chim non vào lồng để mỗi cặp chim bố mẹ nuôi từ 3 đến 5 con non. Ảnh: Đinh Mười.

Tất nhiên, việc nuôi chim bồ câu không phải mới và ai cũng có thể nuôi được nhưng với mô hình này, mỗi cặp chim có thể nuôi được từ 3 đến 5 con 1 lần và khai thác được tới 60% thay vì 40% như nuôi thông thường mà chim bố mẹ vẫn đảm bảo sức khỏe.

Về vấn đề này, anh Điều chia sẻ, khi còn làm việc cho một công ty chăn nuôi ở Bắc Giang anh phát hiện, các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên,…  dù là vựa nuôi chim nhưng chủ yếu phục vụ thị trường Hà Nội, còn thị trường ở Hải Phòng thì vẫn đang bỏ ngỏ nên hoàn toàn có thể làm trang trại kết hợp với kiến thức thú y có được để làm giàu.

Nghĩ là làm, sau những giờ làm, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, anh Điều bắt đầu khăn gói đi khắp các trại nuôi chim bồ câu ở Bắc Giang để học kỹ thuật nuôi và tìm hiểu thị trường đầu ra.

Đến năm 2019, 2.000 cặp chim bồ câu được anh Điều mua từ Bắc Giang về để nuôi và trải qua những bài học đắt giá ban đầu, đến nay, anh đã có 5.000 cặp chim bố mẹ sinh nở ổn định và cho sản phẩm đều đặn hàng tháng.

Theo anh Điều, bí quyết để thành công trong việc nuôi chim ngoài yếu tố thị trường thì kỹ thuật là vấn đề sống còn, mà trong đó, yếu tố về sức khỏe vật nuôi phải đặt lên hàng đầu.

Ngoài số lượng trứng ấp nở tự nhiên, anh Điều dùng lò ấp để giảm tải cho đàn chim bố mẹ. Ảnh: Quang Dũng.

Ngoài số lượng trứng ấp nở tự nhiên, anh Điều dùng lò ấp để giảm tải cho đàn chim bố mẹ. Ảnh: Quang Dũng.

Bình thường chim bồ câu chỉ đẻ 2 trứng, nếu để nuôi tự nhiên thì chỉ có 2 con, nhưng biết khai thác bằng cách nâng số lượng con chim non được nuôi lên thành 3,4,5 con thì hiệu quả kinh tế có thể tăng từ 40% lên 60-70%.

Đơn cử như tại trang trại của mình, với 5.000 cặp chim bố mẹ, anh Điều chia thành 5 nhóm, mỗi nhóm có 1.000 cặp luân phiên nhau, cứ 1.000 cặp nuôi con thì 1.000 cặp ấp trứng, 1.000 cặp đẻ trứng, 1.000 cặp nghỉ ngơi,…

Bằng cách làm này, trung bình, cứ từ 10-12 ngày sau khi dừng cho nuôi con thì chim bố mẹ lại đẻ trứng trở lại và trong 1 tháng, có thể thu được 2,5 lần lứa trứng từ 1 cặp chim bồ câu và 1 năm có thể sinh nở được từ 29-33 con chim non, thay vì từ 18-22 con như nuôi truyền thống.

 “Tôi sẽ tách ra mỗi nhóm là 1.000 cặp chuyên chỉ để thu trứng và dùng máy ấp, còn khoảng 4 nghìn cặp thì tôi sẽ để ấp tự nhiên. Mọi thông tin được ghi chép đầy đủ, sau này khi trứng ấp bằng máy nở ra thì tôi sẽ ghép chim non vào những ô có 2 con thì sẽ đạt quy trình nuôi 3, nuôi 4 hoặc nuôi 5. Bình thường nếu như để chim bồ câu nuôi 2 con thì chỉ khai thác được từ 40-50% nhưng nếu làm tốt quy trình này thì sẽ khai thác được từ 50-70%”, anh Điều bộc bạch.

Để có thể giúp đàn chim bố mẹ khỏe mạnh, có thể đạt hiệu suất cao nhất khi sinh sản, theo anh Điều, quan trọng nhất là quản lý tốt về kỹ thuật, trong đó cần lưu ý về ổn định con chim và kỹ thuật khai thác.

Dù được khai thác vượt với bản năng tự nhiên nhưng do cách làm khoa học và hạn chế các loại thuốc kháng sinh nên đàn chim bố mẹ luôn được đảm bảo sức khỏe. Ảnh: Đinh Mười.

Dù được khai thác vượt với bản năng tự nhiên nhưng do cách làm khoa học và hạn chế các loại thuốc kháng sinh nên đàn chim bố mẹ luôn được đảm bảo sức khỏe. Ảnh: Đinh Mười.

Người nuôi cần phải tập trung vào phòng bệnh để chim bố mẹ gần như không phải dùng kháng sinh mà vẫn khỏe, kháng bệnh tốt, thì có thể đẻ nhiều lứa, nuôi được từ 3-5 con và làm thể nào để cho chim bố mẹ nuôi số lượng chim con được tối đa nhất.

Với việc chăm sóc sức khỏe đàn chim, theo anh Điều nên hạn chế sử dụng kháng sinh, nên tiêm vắc xin định kỳ và một số loại thuốc theo kinh nghiệm dân gian để tăng sức đề kháng cho đàn chim.

Người nuôi có thể dùng rượu ngâm tỏi cho uống định kỳ, 1 tuần cho uống 1 lần, ngoài ra có thể dùng thuốc bổ trợ khoản ade giúp tái tạo lại buồn trứng và cơ quan sinh dục sau khi đẻ và dùng tẩy giun, sán và vắc xin định kỳ để cho chim khỏe và không bị trứng non.

“Cái này nhiều nơi áp dụng, tôi cũng vừa học, vừa làm, vừa mày mò để tự chế ra cách nuôi của riêng mình để đạt hiệu quả cao nhất. Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với bà con nông dân nếu ai có nhu cầu”, anh Điều cho biết.

Thu nhập khủng

Nói về thu nhập, anh Điều tiết lộ, nguồn thu chủ yếu của gia đình anh là con chim đã ra ràng, những con chim sau khi nở từ 20-27 ngày sẽ được bắt để giao cho hệ thống nhà hàng, chợ dân sinh, cửa hàng thực phẩm sạch và những khách hàng có nhu cầu.

Mỗi cặp chim bố mẹ, mỗi năm mang về cho trang trại 1,6 triệu đồng. Ảnh: Quang Dũng.

Mỗi cặp chim bố mẹ, mỗi năm mang về cho trang trại 1,6 triệu đồng. Ảnh: Quang Dũng.

Và nguồn thu thứ 2 là được khai thác từ nguồn giống để bán cho các cơ sở nuôi thương phẩm theo hình thức liên kết khép kín “cấp giống và thu mua”.

Chim giống được 60 ngày tuổi được xuất bán được với giá 200.000đ/1 cặp, được lọc sắc tỷ lệ trống mái và tiêm vắc xin, còn bồ câu thương phẩm chưa sơ chế thì bán với giá 120.000đ/1 cặp, với hàng đã sơ chế thì tùy thuộc vào thị trường sẽ có mức giá khác nhau.

“Trung bình, mỗi 1 cặp bồ câu sẽ giúp tôi thu về khoảng 1,6 triệu/1 năm, trong khi đó chi phí gồm thuốc men, vắc xin, thức ăn, công công nhân, khấu hao thì sẽ mất khoảng 1.200 đồng/1 cặp/1 ngày. Tính ra 1 năm thì nuôi 1 cặp chim bồ câu chi phí chưa đến 500.000đ”, anh Điều chia sẻ.

Theo anh Điều, nhu cầu về chim bồ câu thương phẩm ở Hải Phòng tuy không lớn như một số tỉnh, thành khác nhưng qua khảo sát, trung bình mỗi tháng thị trường này hoàn toàn có thể tiêu thụ được trên dưới 30 tấn chim thương phẩm.

Chỉ mấy trăm mét vuông, với chi phí đầu tư ban đầu gần 3 tỷ, không ô nhiễm môi trường, mỗi năm anh Điều thu về cả số tiền lớn mà ít ai nghĩ tới. Ảnh: Đinh Mười.

Chỉ mấy trăm mét vuông, với chi phí đầu tư ban đầu gần 3 tỷ, không ô nhiễm môi trường, mỗi năm anh Điều thu về cả số tiền lớn mà ít ai nghĩ tới. Ảnh: Đinh Mười.

Do đó, ngoài việc cung ứng cho thị trường mỗi tháng khoảng 5.000 con chim thương phẩm và hàng trăm cặp chim giống thì anh Điều còn nhập thêm ngoài thị trường từ 10.000 đến 20.000 con để cung ứng cho khách hàng.

Với nguồn thu ổn định, đều đặn, trong thời gian ngắn anh chàng bác sĩ thú y ngày nào đã tậu được xe hơi, xây được biệt thự và đang ấp ủ những dự án chăn nuôi lớn theo hướng giảm thiểu vắc xin, thân thiện môi trường như anh đang làm và thành công.

“Tôi mong muốn sẽ nâng quy mô lên 10.000 – 20.000 cặp, ngoài ra sẽ kết hợp với các hộ dân khác, các trại vệ tinh để nâng lên số lượng khoảng 100.000 cặp, như thế mới đáp ứng được thị trường đầu ra. Tôi phát triển theo mô hình liên kết chuỗi, hợp tác xã, tôi sẽ cung ứng giống, vật tư, con giống và thu mua sản phẩm cho người dân, sẽ chia sẻ kinh nghiệm cho những ai cần”, anh Điều bày tỏ.

Bà Lê Thị Thanh Huyền - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Kiến Thụy cho biết, mô hình nuôi chim bồ câu của anh Nguyễn Sỹ Điều được triển khai từ năm 2019, bằng kỹ thuật chăn nuôi đã có hiệu quả khai thác cao hơn 1,5 lần so với cách nuôi thông thường, từ 5.000 cặp chim bố mẹ, 1  tháng gia đình có thể thu về trên dưới 300 triệu đồng và 1 năm có thể thu về trên dưới 4 tỷ đồng.

Qúa trình triển khai mô hình, Sở NN-PTNT Hải Phòng cũng như UBND huyện Kiến Thụy đã quan tâm hỗ trợ mô hình như hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp, định hướng cho chủ mô mình sản xuất theo chuỗi, tham gia vào chương trình OCOP, sản xuất theo hướng thân thiện môi trường, bền vững, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toan toàn.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.