| Hotline: 0983.970.780

Kỹ thuật trồng, chăm sóc chuối lùn

Thứ Ba 13/05/2014 , 07:00 (GMT+7)

Khi trồng chuối lùn chỉ nên để 1 cây mầm duy nhất. Do vậy bà con phải kiểm tra mầm thường xuyên...

Sở NN-PTNT Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Nhịp cầu nhà nông năm 2014” thu hút đông đảo của các nhà quản lý, nhà khoa học và hàng trăm nông dân đến từ các tỉnh. Chúng tôi trích đăng một số kinh nghiệm SX nông lâm ngư nghiệp tại buổi hội thảo để bà con có thể áp dụng.

Kỹ thuật trồng, chăm sóc chuối lùn

Trong những năm gần đây, cây chuối lùn là sự lựa chọn để phát triển kinh tế của nhiều hộ bà con ở xã Yên Mỹ, huyện Lạng Giang, Bắc Giang.

Ông Nguyễn Đức Thọ, Chủ tịch Hội Làm vườn xã Yên Mỹ là người tiên phong trồng chuối lùn ở Yên Mỹ từ năm 2007.

Qua nhiều năm đúc rút kinh nghiệm của bản thân và học hỏi ở nhiều nơi, ông Thọ được coi là “chuyên gia” về cây chuối lùn. Sau đây là những chia sẻ về kỹ thuật trồng và chăm sóc chuối lùn của ông Thọ.

Thời vụ:

Cây chuối lùn có thể trồng quanh năm, tuy nhiên thời điểm tốt nhất là vào tháng 2 âm lịch cây sẽ cho thu hoạch vào dịp Tết. Như vậy, chuối sẽ được bán với giá cao hơn, giúp người trồng có thể tăng thêm thu nhập.

Chọn giống:

- Tiêu chuẩn cây giống: Để chuối lùn cho ra quả vào đúng dịp Tết thì ở thời điểm trồng, bà con chọn những cây con có từ 6 - 9 lá mầm và có chiều cao khoảng 70 - 90 cm.

Cây con phải to khỏe, không sâu bệnh và là cây thứ 2, thứ 3 ở cây mẹ đã trổ buồng. Nếu bà con chọn cây giống ở những cây mẹ chưa trổ buồng thì khi đào cây giống lên sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển và năng suất của cây mẹ sau này.

- Sau khi đã chọn được những cây giống đạt tiêu chuẩn, đào toàn bộ củ và rễ của cây lên. Sau khi đào xong, ta tiến hành cắt hết rễ, mầm và lá cho cây con (chỉ để 1 lá ngọn trên cây) trước khi đem trồng. Điều này giúp cây không bị tiêu hao nước, dinh dưỡng, đồng thời khi cây chỉ có 1 lá thì giúp cây không bị đổ khi gặp gió to.

- Sau khi cắt xử lý cây giống xong, bà con đưa cây vào chỗ râm mát trong 1 - 2 ngày để cây liền vết thương trước khi đem trồng.

Làm hố và trồng cây:

- Đất trồng: Bà con chọn loại đất thịt nhẹ, đất phù sa hoặc những vùng đất cao, dễ thoát nước như đất đồi để trồng chuối lùn. Vì với những vùng đất thấp, ngập nước, cây dễ bị thối rễ.

- Đào hố: Tùy từng loại đất mà hố trồng có kích thước khác nhau. Với đất đồi cao, hố vuông có chiều rộng 1.3 - 1.5 m, sâu 50 cm. Với đất đồi thấp, đất thịt nhẹ, hố vuông có chiều rộng 80 cm, sâu 30 cm. Với những vùng đất cao, đào hố rộng hơn những vùng đất khác giúp cây có thể nhận đủ chất dinh dưỡng trong đất để phát triển tốt.

- Mật độ trồng: 2 m - 2.5 x 2.5 - 3 m.

- Trồng cây: Dùng cuốc, xẻng lấp đất vào hố, lượng đất dày khoảng 30 cm. Sau khi lấp đất xong ta dùng cuốc moi 1 hốc ở giữa rộng khoảng 30 cm để đặt cây chuối con vào. Bà con chú ý đặt cây thẳng đứng để tránh cây bị đổ và mọc nghiêng sau này. Tiếp theo ta lấp đất kín gốc cây, vừa lấp vừa giậm nhẹ để cây im gốc.

- Bón lót: Sau khi lấp đất xong, ta tiến hành bón lót cho chuối lùn. Với mỗi gốc chuối, bón khoảng 1 xảo phân ủ mục và 200 - 300 gr phân tổng hợp.

Cách bón: Đào 1 rãnh vòng quanh, cách gốc 20 - 30 cm gốc cây để rắc phân vào. Sau khi bón xong, dùng cuốc lấp đất kín phân. Như vậy, phân sẽ không bị phân hủy khi gặp ánh sáng mặt trời, lượng dinh dưỡng trong phân sẽ được đảm bảo một cách tốt nhất.

- Tiếp theo, dùng rơm rạ phủ kín bề mặt hố nhằm giữ độ ẩm cho đất đồng thời khi rơm mục sẽ tạo một lượng phân hữu cơ trong đất. Cuối cùng ta tưới nước xung quanh gốc cây.

Chăm sóc:

- Để mầm cây: Khi trồng chuối lùn chỉ nên để 1 cây mầm duy nhất. Do vậy bà con phải kiểm tra mầm thường xuyên, nếu thấy xuất hiện mầm mới, nên dùng dao cắt bỏ để tránh phân tán chất dinh dưỡng nuôi cây.

Cách cắt: Cắt sát gốc sau đó dùng mũi dao nhọn đâm thẳng xuống để diệt mầm đó đi. Không nên đào gốc mầm lên vì như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây mẹ.

Từ khoảng tháng 8, tháng 9 trở đi, ta mới bắt đầu để mầm làm cây giống cho năm sau.

- Cắt bỏ lá già, khô: Trong quá trình cây sinh trưởng và phát triển sẽ xuất hiện những lá đã già và khô và gãy bám ở thân cây, đây là một trong số những nguyên nhân gây sâu bệnh cho cây. Bà con phải thường xuyên chú ý, nếu thấy có lá khô, lá vàng, bà con dùng dao cắt bỏ.

- Bẻ bắp, tỉa quả: Sau khi cây trổ hoa và ra được khoảng 13 nải trên 1 buồng, bà con tiến hành bẻ bắp và tỉa quả cho cây. Dưới đáy buồng là hoa đực hay còn gọi là bi chuối. Lúc này, hoa đực đã hết tác dụng, vì vậy ta nên cắt bỏ đi.

Ngoài ra đáy buồng thường xuất hiện nải kẹ, quả nhỏ không phát triển, cũng nên cắt bỏ để không làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của buồng. Việc tỉa nải nên tiến hành vào buổi chiều, tránh trời mưa để hạn chế mất nhựa, làm ảnh hưởng đến mẫu mã của buồng chuối sau này.

- Làm cây chống buồng: Sau khi cây ra buồng được khoảng 1 tháng, ta phải làm cây chống buồng để giữ cho cây không bị đổ khi gặp gió.

Cách làm: Chọn 2 cột tre hoặc gỗ chắc khỏe, dùng dây thép buộc chéo với nhau để làm cây chống buồng. Tiếp theo bà con đưa cây chống dựng vào chỗ tiếp xúc giữa thân và đầu buồng chuối. Sau đó buộc 1 thanh gỗ nằm ngang 2 cột chống để cột cố định hơn. Cuối cùng, dùng dây buộc cuống buồng vào thanh gỗ. Như vậy, buồng chuối sẽ được giữ chắc và không bị gãy khi quá nặng.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất