Đất trồng: Chọn chân ruộng đất cát pha, chủ động tưới tiêu. Đất phù sa non (bãi ven đê) trồng nghệ là tốt nhất. Ruộng cày 2 lần tới độ sâu 35 - 40cm thì dừng. Phơi đất ải kiệt. Lên luống rộng 1,3m, cao 15 - 20cm, rãnh luống rộng 25 - 30cm.
Ruộng nghệ xen canh lạc |
Tiêu chuẩn củ giống: Phải đủ 12 tháng tuổi, không sâu bệnh, không trầy xước và bầm giập. Khóm nghệ sau thu hoạch tách lấy 2 má củ (cạnh bên khóm) dùng làm giống. Củ giống càng to càng tốt, trung bình khoảng 300gr/1 củ. Mỗi củ có 1 nhánh cái và 2 - 5 củ nhánh cấp 1; 2.
Lượng giống trồng/1 sào 360m2: 250 - 300kg.
Mật độ trồng: 970 - 1.000 cây. Trồng 2 hàng trên luống. Hàng cách hàng 45cm. Cây cách cây 50cm.
Khơi hốc so le nanh sấu. Củ giống trồng sâu 7 - 10cm. Lấp đất kín củ. Không để củ giống tiếp xúc trực tiếp với phân bón. Đặt trồng sao cho các củ cái qoay đều về một hướng trên luống, để tiện thu hồi củ vốn sau này.
Lượng phân: Tro bếp 300kg. Đỗ tương nghiền 100kg. Đạm urê 20 - 25kg. Kalisunfat 30kg (có thế dùng kaliclorua). Phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh 300kg. Lân supe 15 - 20kg.
Bón lót: Bón sâu 50% lượng phân hữu cơ vi sinh + 30% lượng đỗ tương nghiền + 100% số phân lân. Bón mặt luống 200kg tro bếp và vét rãnh lấp tro.
Bón thúc lần 1 (cây 2 - 3 lá): 4 - 5kg urê pha nước tưới.
Lần 2 (khi thu hồi củ vốn): Bón sâu hết số phân hữu cơ vi sinh và đỗ tương còn lại. Bón mặt nối số tro bếp và vét rãnh lấp tro.
Lần 3 (cuối tháng 7): 10kg đạm urê + 10kg kali, kết hợp vun gốc.
Lần 4 (cuối tháng 8): 15kg đạm urê + 20kg phân kali.
Ngoài ra, cần căn cứ thực tế sinh trưởng của ruộng nghệ để tăng giảm lượng phân bón cho hợp lý. Kiểm tra nếu cây nghệ sinh trưởng chậm, thân còi cọc, lá hẹp nhỏ, mỏng, mép lá hơi quăn, cần bón bổ sung đạm urê và phân hữu cơ vi sinh. Ruộng nghệ quá tốt, thân cây xanh mập mềm yếu, lá lả lướt, cẩn bón bổ sung phân kali…
Cần thường xuyên nhổ bỏ cỏ dại, dưỡng nước đủ ẩm cho ruộng nghệ, để cây sinh trưởng phát triển tốt.
Phòng trừ sâu bệnh: Cây nghệ ít nhiễm sâu bệnh. Tuy nhiên ở những ruộng nghệ thâm canh cao lâu năm, đã xuất hiện bệnh thối cây thối củ, hiện chưa có thuốc trừ đặc hiệu. Cần áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp như, chọn củ giống sạch bệnh, phơi đất ải kiệt, bón phân cân đối, chăm bón kịp thời để tăng sức đề kháng, luân canh nghệ với cây trồng khác họ gừng. Khi ruộng nghệ có những cây bị thối thân, cần nhổ bỏ cả khóm củ đưa đi tiêu hủy.
Thu hoạch:
- Thu hồi củ vốn: Khi mỗi bụi nghệ phát triển được 2 - 3 cây, mỗi cây có 5 - 6 lá, có thể tiến hành thu hồi củ vốn. Dùng dầm khơi nhẹ đất hướng trồng củ cái trước đó, tách nhẹ lấy củ vốn dùng làm nghệ thương phẩm (lượng củ vốn thu hồi được trên 80%).
- Thu củ khơi đất nhẹ nhàng, tránh chạm vào khóm củ gây trầy xước bầm giập. Sau đó nhắc cả bụi cây, cắt bỏ thân lá, rũ sạch đất mà không rửa củ, bán ngay cho thương lái hoặc đóng bao tiêu thụ dần.
Kỹ thuật trồng xen:
Củ nghệ sau trồng 2,5 - 3 tháng mầm cây mới vươn khỏi mặt đất, trong gian này có thể trồng xen một số cây rau màu ngắn ngày để tăng thu nhập. Nên trồng xen nghệ với lạc hoặc đậu tương để vừa có sản phẩm thu hoạch, vừa có tác dụng bồi dục đất, bổ sung dinh dưỡng thúc đẩy nghệ sinh trưởng tốt.
- Trồng xen lạc: Dùng cuốc rạch 1 hàng giữa luống, sâu 7 - 10cm. Rải lân supe xuống rạch (7 - 10kg/sào). Lấp đất kín phân. Cách 12 - 15cm gieo 1 - 2 hạt, sau gieo phủ đất kín hạt. Dùng rơm rạ, cỏ khô phủ luống giữ ẩm đất. Khi lạc ra hoa rắc vôi bột xung quanh gốc lạc (7 - 8kg/sào).
- Xen đậu tương: Gieo 2 hàng đậu giữa luống. Hàng cách hàng 35cm. Cây cách cây 7 - 8cm. Bón thúc 3 - 4kg urê/sào, chia 2 lần, khi cây có 2 - 3 lá thật và 4 - 5 lá thật.
- Phòng trừ sâu bệnh theo khuyến cáo của cán bộ chuyên ngành địa phương.
Sau thu hoạch các cây họ đậu, cần để lại thân lá trên luống nghệ làm phân bón hữu cơ cải tạo đất.