| Hotline: 0983.970.780

Kỳ tích nông nghiệp Trạm Tấu

Thứ Tư 13/11/2013 , 08:35 (GMT+7)

Hơn 10 năm qua, Trạm Tấu thực hiện một loạt chương trình đẩy mạnh SX nông nghiệp đã lập nên những kỳ tích mới...

Nằm chênh vênh trên ngọn nguồn dòng Thia, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) có tổng diện tích trồng cây lương thực 6.491 ha, trong đó đất ruộng cả 2 vụ chỉ 2.590 ha, diện tích còn lại là nương rẫy.

Người Trạm Tấu phải vật lộn trên vùng đất dốc để kiếm sống, nhưng đói nghèo vẫn cứ đeo bám họ. Hơn 10 năm qua, Trạm Tấu thực hiện một loạt chương trình đẩy mạnh SX nông nghiệp đã lập nên những kỳ tích mới...

Đây là một trong hai huyện vùng cao khó khăn nhất tỉnh Yên Bái, có tổng diện tích tự nhiên 74.618 ha, do nằm trên địa hình núi cao độ dốc lớn nên diện tích đất ruộng chỉ có 1.690 ha.

Với diện tích đất nông nghiệp ít ỏi như vậy, nó phải oằn mình nuôi trên 28.000 người là một điều vô cùng khó khăn, nhất là lại canh tác trên vùng đất dốc thường xuyên thiếu nước. Những năm trước đây, người dân Trạm Tấu thiếu đói liên miên, nhiều gia đình sau Tết Nguyên đán không còn một hạt lúa, họ kéo nhau lên rừng phát nương rẫy, khai thác lâm sản, săn bắn thú rừng, trồng cây thuốc phiện... gây ra nhiều tệ nạn xã hội phức tạp.


Anh Thào A Hành- xã Trạm Tấu: Năm nay nhà mình thu được 70 bao, ít hơn năm ngoái 10 bao, không còn đói nữa đâu...

Bởi thế, vào mùa giáp hạt tỉnh Yên Bái phải cứu đói hàng ngàn tấn lương thực. Giải bài toán lương thực đối với Trạm Tấu là vô cùng khó khăn do chỉ cấy một vụ, mặc dù phần lớn diện tích được cấy lúa lai và các giống lúa kỹ thuật có năng suất cao.

Vụ xuân năm 1998-1999 Trạm Tấu quyết tâm đưa diện tích lúa lên các xã vùng cao. Xà Hồ là xã đầu tiên chọn đột phá. Dự kiến ban đầu cấy 1 ha, nhưng vận động mãi người dân chỉ dám làm 0,7 ha, trong đó gia đình ông Giàng A Sèo - Bí thư xã Xà Hồ khi đó cấy 0,3 ha. Việc cày, bừa, gieo mạ, cấy, bỏ phân... đều do cán bộ trạm khuyến nông và các đoàn viên thanh niên huy động từ huyện lên làm giúp cho người dân.

Khi lúa vào hạt thì gia đình ông Sèo sợ làm vụ mùa muộn không được ăn, nên cắt bỏ toàn bộ diện tích lúa xuân đó, chỉ riêng gia đình ông Vàng A Súa được cán bộ khuyến nông vận động để lại. Vụ xuân đầu tiên chỉ thu hoạch được vài chục cân thóc, do chim chóc, chuột bọ tập trung cắn phá, tuy vậy đã nhen nhóm được niềm tin với người dân.


Bố con ông Thào A Súa, bản Tấu Trên: Mình có làm vụ chứ, năm nào cũng được thu 20 bao đấy...

Vụ xuân năm sau cấy 2 ha, năm sau tăng lên 7 ha... Các xã Trạm Tấu, Bản Mù, Bản Công, Pá Hu, Phình Hồ... theo gương Xà Hồ làm vụ xuân. Đến nay tất cả 12 xã và thị trấn đều cấy vụ xuân. Tổng diện tích vụ xuân 2013 của Trạm Tấu 1.159 ha. Đưa diện tích lúa năm 2013 tăng lên 941 ha, tổng sản lượng lương thực ước đạt 19.118 tấn, tăng 1.300 tấn so với năm 2012, tăng 6.170 tấn so với năm 2010.

Đến nay, SX lúa vụ xuân không còn xa lạ với người dân Trạm Tấu. Đây là kỳ tích mới mà Trạm Tấu đạt được sau nhiều năm kiên trì vận động, góp phần rất lớn giải bài toán lương thực.

Làm vụ xuân ít sâu bệnh nên chắc ăn, vì thế người dân tận dụng mọi diện tích có nước để cấy, xã Xà Hồ có tổng diện tích 176 ha ruộng thì có 135 ha làm vụ xuân, số diện tích còn lại do nằm trên cao nên chỉ cấy được một vụ nhờ nước mưa.

Ông Thào A Súa ở bản Tấu Trên, xã Trạm Tấu cho biết: Nhà mình có khoảng 5.000 m2 ruộng, vụ mùa năm ngoái 3.000 m2 ruộng cạnh ngòi Thia này thu được 25 bao, còn năm nay sâu bệnh nhiều quá chỉ thu được 15 bao thôi. Mình phải làm vụ xuân chứ, do không đủ nước, nên ở đây chỉ cấy được 1.600 m2 thôi, nhưng năm nào cũng được thu 20 bao đấy...

Do ở trên núi rét đậm, nên vụ xuân cấy muộn hơn so với vùng thấp, bắt đầu từ 4/2, còn vụ mùa đầu tháng 7 mới cấy, thu hoạch cuối tháng 10 kéo sang đầu tháng 11. Nhờ làm hai vụ lúa, nên Trạm Tấu gần chục năm nay không phải cứu đói, 85 - 90% dân số đủ lương thực.

Trong ba năm qua Trạm Tấu đã đưa cây lúa đặc sản ĐS1 trên diện rộng, đây là giống lúa chịu lạnh dòng Japonica do GS.TS Hoàng Tuyết Minh chọn tạo. Bắt đầu từ vụ xuân 2010 Trạm Tấu cấy 8 ha tại xã Hát Lừu với 73 hộ tham gia, năm 2011 diện tích cấy ĐS1 tăng lên 25 ha tại xã Hát Lừu và xã Pá Lau, vụ xuân 2011- 2012 tăng lên 150 ha, vụ xuân 2013 đã là 200 ha, dự kiến vụ xuân 2014 cấy lúa ĐS1 là 250 ha.

Diện tích ĐS1 tăng liên tục như vậy là do năng suất đạt từ 44 - 45 tạ/ha, cơm ngon, gạo bán được giá hơn so với gạo lúa lai. Như vậy, điều này đã chứng tỏ người dân Trạm Tấu khi đã đủ lương thực người ta nghĩ tới chuyện ăn hạt gạo ngon hơn, chất lượng hơn so với trước đây.

Việc chuyển đổi diện tích lúa nương và sắn kém hiệu quả sang trồng ngô là cuộc “cách mạng” SX nông nghiệp chưa từng có ở Trạm Tấu. Năm 2011 Trạm Tấu chuyển đổi trên 200 ha, đưa diện tích ngô vụ xuân lên 1.638 ha, năm 2012 chuyển 392,5 ha sang trồng ngô, diện tích ngô xuân nhảy vọt lên 2.469,46 ha, năm 2013 chuyển đổi 321 ha đưa tổng diện tích ngô lên 3.460,5 ha, tăng 1.295 ha. Các giống ngô năng suất cao như Bioseed 9698, C919, NK54, B21, Ag59... đã được người dân trồng với diện tích lớn.

Ông Vũ Quỳnh Khánh, Bí thư Huyện uỷ Trạm Tấu:

Những năm qua Trạm Tấu đã tập trung giải quyết bài toán lương thực cho người dân một cách quyết liệt.

Cùng với việc đưa các giống lúa lai, lúa kỹ thuật có năng suất cao vào SX là việc mở rộng diện tích lúa xuân trên tất cả các xã.

Huyện đang mở rộng việc chuyển đổi diện tích nương kém hiệu quả sang trồng ngô.

Chính việc làm đó đã tăng sản lượng lương thực hàng ngàn tấn mỗi năm. Người dân không còn thiếu đói lương thực như nhiều năm trước đây.

Có thể nói đó là những kỳ tích của SX nông nghiệp Trạm Tấu mà chúng tôi đã giành được...

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.