| Hotline: 0983.970.780

Nuôi kỳ tôm bằng rau củ quả

Thứ Tư 16/10/2019 , 13:15 (GMT+7)

Nhờ nuôi kỳ tôm, ông Nguyễn Thanh Điền ở thôn Tân Phú, xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) kiếm hàng trăm triệu đồng/năm.

16-02-14_1
Ông Điền cho biết, nhờ nuôi kỳ tôm hiệu quả mà kinh tế gia đình ngày càng khá lên.

Ông Điền cho biết, bắt đầu nuôi kỳ tôm vào năm 2016 sau khi nuôi ếch và ba ba thất bại. Sau thời gian tìm hiểu mô hình nuôi kỳ tôm ở miền Nam, ông mua 200 con giống, với giá 17 ngàn đồng/con về nuôi thử. Không ngờ vụ nuôi đầu tiên rất thành công, mặc dù ông dùng bạc và lưới để vây làm chuồng nuôi tạm.

“Vụ đầu tôi đã gây dựng đàn kỳ tôm lên đến hàng ngàn con, trong đó 600 con cồ (thịt) và 600 con mái. Cuối năm 2016, sau khi xuất bán 600 con cồ doanh thu được 146 triệu, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 100 triệu đồng, rất phấn khởi”, ông Điền chia sẻ.

Từ vụ nuôi có lãi, ông Điền “thừa thắng xông lên” mạnh dạn vay vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất và xây chuồng nuôi cố định, với tổng diện tích khoảng 500 m2.

Theo quan sát của chúng tôi, chuồng nuôi kỳ tôm được xây tường kín đáo xung quanh, cao tầm 2m và có một cửa ra vào. Bên trên lợp mái tôn một phần, còn lại để ánh sáng chiếu vào cho kỳ tôm phơi nắng. Đồng thời, để tránh kỳ tôm bò ra ngoài, nơi tiếp giáp mái được ốp gạch men xung quanh tường. Còn phía dưới chuồng để nền đất, cát và dựng nhiều cây chà để kỳ tôm trú ngụ.

Ông Điền cho biết thêm, chuồng được chia ra 2 khu. Trong đó, khu nuôi bố mẹ, với diện tích 300 m2 và 6 chuồng nhỏ, với diện tích gần 20 m2/chuồng để nuôi con giống và nuôi thương phẩm. Trong mỗi chuồng đều bỏ máng nước nhỏ. Máng được thay thường xuyên để kỳ tôm uống.

16-02-14_2
Hiện giá kỳ tôm thương phẩm dao động từ 250-300 ngàn đ/kg (tùy loại).

Nhờ thiết kế chuồng nuôi bài bản, tránh người nuôi nhìn vào thấy kỳ tôm và ngược lại, cùng với việc chăm sóc, cho ăn hợp lý, mà những năm gần đây ông luôn có lãi khá. Vụ nuôi năm 2018, ông bán kỳ tôm thương phẩm doanh thu gần 180 triệu đồng và bán giống được 80 triệu. Từ đầu năm 2019 đến nay, ông thu gần 300 triệu đồng nhờ bán thịt và giống, trong khi chi phí nuôi không đáng bao nhiêu.

“Sở dĩ tôi nuôi kỳ tôm giảm chi phí đáng kể, vì cho chúng ăn các loại rau, chuối chín, bí, quả dễ kiếm và rẻ tiền, thay cho thức ăn côn trùng có giá cao.

Nhưng để kỳ tôm ăn được rau, củ, quả, tôi phải luyện chúng từ nhỏ. Cụ thể, khi kỳ tôm mới nở, cho chúng ăn các loại sâu bọ cánh cứng, ruồi lính đen… Sau đó vài ngày tôi cho chúng ăn côn trùng kèm chuối chín cắt lát nhỏ (chuối già hương) hoặc trái bầu băm nhuyễn. Khoảng 1 tuần kỳ tôm sẽ ăn được thức ăn rau, củ quả. Sau đó sẽ cắt dần thức ăn côn trùng”, ông Điền bộc bạch.

Được biết, thời gian nuôi kỳ tôm từ khi nở đến khi xuất bán phải mất từ 20-24 tháng. Nuôi được trọng lượng từ 400 gram/con trở lên sẽ bán với giá 300 ngàn đồng/kg. Còn dưới trọng lượng 400 gram/con thì bán với giá 250 ngàn đồng/kg. Con giống bán với giá 15 ngàn đồng/con (chiều dài từ 18 - 45 cm/con).

16-02-14_4
Kỳ tôm có sức đề kháng cao, nên ít xảy ra dịch bệnh.

Theo ông Điền, thịt kỳ tôm ăn ngọt, dai, thơm nên được thị trường ưa chuộng. Với số lượng đàn nuôi được ông duy trì hàng ngàn con, nhưng không đủ hàng để bán thịt. Hằng ngày, các thương lái trong tỉnh đều tới tận nhà để thu mua, trung bình từ 40 -100 con.

Ông Đinh Văn Hiệp, Chủ tịch Hội Nông dân Vạn Phú cho biết, phương pháp cải tiến kỹ thuật nuôi kỳ tôm bằng thức ăn rau, quả nấu chín của ông Nguyễn Thanh Điền đạt giải Khuyến khích tại Cuộc thi Sáng tạo Khoa học - Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa lần thứ VIII. Mô hình nuôi kỳ tôm này đang được địa phương khuyến khích nhân rộng. Hiện địa phương đã có thêm 2 hộ nuôi kỳ tôm.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao

PHÚ THỌ Giống ngô TBM189 của ThaiBinh Seed với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh… đã giúp nông dân Lâm Thao gia tăng lợi nhuận trong vụ đông 2024.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.