Trong khi đâu đâu người ta cũng tìm mọi cách để thâm canh tăng vụ, tăng năng suất, sử dụng các giống lúa thần nông ngắn ngày thì anh lại phá ruộng lúa 3 vụ/năm của gia đình để quay lại trồng lúa mùa theo kiểu thời chưa có cơ giới, chưa có phân, thuốc hóa học... cách đây mấy mươi năm. Người có cách làm “muôn năm cũ” này là kỹ sư nông nghiệp Lê Quốc Việt, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành (Kiên Giang).
Khơi lại văn hóa lúa mùa
Tôi biết gia đình anh Việt - chị Vân cách đây hơn chục năm. Khi đó, anh làm bí thư xã, còn chị làm trưởng phòng nông nghiệp huyện. Khi huyện luân chuyển cán bộ, anh - chị đổi chỗ cho nhau. Anh về phòng nông nghiệp ngồi “ghế nóng” còn chị chuyển về xã. Tình cờ hôm ghé phòng anh để liên hệ công việc, tôi được anh thông báo: “Năm nay anh bỏ lúa thần nông quay lại làm lúa mùa theo kiểu ngày xưa, lúa đã cấy lên xanh đồng rồi”.
Những cô thôn nữ Khmer đang dùng vòng gặt hay còn gọi là kần điêu để cắt lúa |
“Nông dân ĐBSCL đã từ bỏ lúa mùa chuyển sang làm lúa thần nông năng suất cao hàng chục năm nay, nhờ đó mới đưa Việt Nam thành cường quốc xuất khẩu gạo. Giờ lúa mùa chỉ còn lại ít diện tích canh tác trên nền đất nuôi tôm ven biển thôi. Ai đời lại đi làm ngược đời như vậy?” - Tôi thắc mắc và tò mò muốn ghé thăm mô hình. Nhưng anh bảo: “Thôi chú ráng chờ, khi nào thu hoạch anh alô xuống thăm luôn thể. Anh sẽ cho xem toàn bộ phim tư liệu (clip) ghi lại toàn cảnh làm lúa mùa từ đầu đến cuối, tất cả đều bằng thủ công, con trâu đi trước cái cày theo sau”.
Đúng hẹn, tôi có mặt tại khu ruộng rộng 2,5ha của gia đình anh Việt khi lúa đã chín vàng, nằm lọt thỏm giữa tứ bề lúa đông xuân đang thì con gái mơn mởn. Đập vào mắt tôi là lỉnh kỉnh những dụng cụ làm lúa thủ công: cày, bừa, trục, ván đập, cối xay lúa, cối giã gạo... Những thứ lạ mà quen. Trên đồng, nhấp nhô những cô thôn nữ Khmer đang dùng vòng gặt (kần điêu) để cắt lúa. Cắt xong đến đâu, lúa được gom lên cộ lết (không có bánh xe) cho trâu kéo về sân đập.
Sự việc thu hút khá đông người dân trong vùng đến xem, dù họ đang là nông dân cả đời gắn bó với cây lúa. Ai cũng thích thú. Người lớn tuổi thì đập vài bó lúa, đẩy vài vòng cối xay... để ôn lại những việc “tay vốn quen làm” nhưng đã lâu rồi không đụng tới. Người trẻ thì thử vài việc cho biết ông, bà mình ngày xưa làm ra hạt gạo cực nhọc thế nào.
Bà Nguyễn Thị Hường (69 tuổi, ở ấp Bình Đạt, xã Minh Hòa, Châu Thành), vượt quãng đường hơn 10km để đến xem thu hoạch lúa mùa. Rồi bà lại gần chiếc cối xay, cầm chiếc sàng ngồi sàng gạo trước sự trầm trồ khen ngợi của nhiều người. Bà bảo: “Gần 40 năm rồi nay mới làm lại những việc này. Hồi còn con gái mười chín, đôi mươi, tui cấy lúa, xay gạo giỏi lắm. Nhưng từ khi lấy chồng, chuyển qua sạ lúa thần nông, rồi máy móc cơ giới cứ thay thế dần nên không làm nữa”.
Lúa cắt xong được gom lên cộ lết cho trâu kéo về sân đập |
Tương tự, ông Nguyễn Văn Vui (70 tuổi, ở ấp Bình Lạc, xã Minh Hòa) cũng tìm đến ruộng lúa để ôn lại kỷ niệm xưa. “Hồi đó tui thanh niên trai tráng nên ruộng nương việc gì cũng làm thạo. Có điều chiến tranh loạn lạc nên phải chạy nhiều nơi, không làm thường xuyên. Sau này hòa bình lập lại thì chuyển qua làm thần nông, diện tích lúa mùa cứ hẹp dần. Rồi máy móc thay sức người, sức trâu nên cũng ít làm”, ông Vui nhớ lại.
Anh Việt vừa tự tay làm vừa hướng dẫn người khác làm theo, áo ướt đẫm mồ hôi nhưng miệng vẫn tươi cười: “Tôi sinh ra và lớn từ nền văn hóa lúa mùa nên nó đã ăn sâu vào máu thịt. Vì vậy, khi thấy văn hóa lúa mùa ngày càng mai một mình tiếc lắm. Trong thâm tâm cứ ấp ủ nguyện vọng một ngày nào đó sẽ đầu tư, xây dựng một trung tâm bảo tồn văn hóa lúa mùa. Thế nhưng cũng phải mất hơn mười năm nay mới có điều kiện để làm”.
Vì nằm lọt thỏm giữa chung quanh là mênh mông ruộng lúa thần nông, lại nghịch vụ nhau nên ruộng lúa của anh Việt bị rất nhiều dịch hại tấn công. Thế nhưng anh quyết không phun xịt bất cứ loại thuốc hóa học nào. “Để chống lại sâu, rầy và ốc bươu vàng, tôi nuôi vịt trời thả trong ruộng lúa để chúng ăn. Trên bờ ruộng trồng thêm các loại hoa sinh thái để dẫn dụ thiên địch. Riêng chuột phá hoại thì dùng rập bẫy và xây tường rào chung quanh để hạn chế chúng xâm nhập”, anh Việt chia sẻ.
Anh Lê Quốc Việt cười mãn nguyện bên con trâu kéo lúa |
Không chỉ có người dân, mà cả lãnh đạo chính quyền địa phương cũng đến thăm quan, tham gia vào “ngày hội lúa mùa” của gia đình anh Việt. Ở huyện thì có ông Trần Hải Đảo, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Châu Thành, tỉnh thì có ông Lâm Hoàng Sa, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Kiên Giang. Ông Lâm Hoàng Sa ngồi ngắm nghía khá lâu một số dụng cụ làm lúa như cối xay lúa, cối giã gạo (có cái sưu tầm, có cái phục dựng), rồi tự tay thao tác thử, góp ý chân thành, cái nào chưa đúng, cần phải sửa chữa lại.
Làm phi lợi nhuận
Nhắc đến lúa mùa là nhắc đến ký ức xa xăm. Bởi vậy, anh Việt say sưa kể: “Cứ mỗi khi gió bấc non bắt đầu thổi, trời se se lạnh là tôi lại nhớ về những thứ mà giờ không còn nữa, đó là ký ức lúa mùa. Ngày trước, ở vùng nông thôn quê tôi, một năm người ta chỉ trồng có một vụ lúa, với hai đợt thu hoạch gọi là lúa mùa sớm và lúa mùa chính vụ. Sau này được học chuyên ngành nông nghiệp tôi mới biết đó chính là do hiệu ứng quang kỳ. Những giống nhạy cảm cao, khi khí hậu mới bắt đầu bước sang chu kỳ ngày ngắn thì đã chuẩn bị trổ bông, đó chính là lúa mùa sớm; những giống ít nhạy cảm thì chờ đến khi ngày gần như ngắn nhất trong năm mới chịu trổ gọi là lúa mùa chính vụ”.
Theo anh Việt, những giống mùa sớm mà anh biết hồi đó là Sa Quay, Nếp Thơm, Nếp Hà Tiên thu hoạch vào khoảng tháng Chín âm lịch. Đây chính là cơ sở cho lễ hội Oc Om Bok của người Khmer Nam bộ diễn ra vào đầu tháng Mười, với ý nghĩa mừng lúa mới thông qua hình thức lễ cúng trăng và phần hội là làm cốm dẹp và đua ghe ngo.
Giống lúa được thu hoạch đầu tiên trong nhóm lúa mùa chính vụ là lúa Ba Bụi, tiếp theo là giống Một Bụi, rồi giống Chim rơi, có người gọi là Móng Chim rơi, Trắng tép... Các giống nếp có Than Tàu, thường dùng để nấu xôi, thỉnh thoảng gói bánh, đặt biệt nhất là làm lão tửu (rượu bách nhật), Nếp Máu Lươn, có lẽ do màu vỏ đỏ như máu lươn nên có tên gọi như vậy. Một giống nếp cuối cùng là Nếp Phật. Chất lượng nếp ruột thấp nhất trong các giống nếp, công dụng chính là nấu rượu. “Thật ra chỉ có Nếp Phật mới cho ra được loại rượu đế với chất lượng số 1 ở vùng đất Kiên Giang này mà thôi! Ai đã từng uống rượu đế nấu bằng Nếp Phật rồi thì bây giờ lúc nào cũng cảm thấy luyến tiếc vì không còn gặp lại nữa”, anh Việt nhớ lại.
Anh Việt cùng với người dân tham gia trải nghiệm đập lúa |
Anh Việt cho biết, cái khó hiện nay là nhiều giống lúa mùa đã bị mai một, rất khó tìm. ‘Tôi phải đích thân lên Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (thuộc Đại học Cần Thơ) mới chia được năm loại giống lúa mùa là Một bụi, Ba bụi, Chim rơi, Trắng tép và Nếp than, nhưng mỗi thứ cũng chỉ được ít hạt về nhân giống”, anh Việt tâm sự.
“Anh làm lúa mùa thì lấy đâu ra hiệu quả kinh tế?” - Tôi hỏi. Anh Việt cười và nói: “Mục tiêu của mình là làm ra lúa gạo hữu cơ và xa hơn là phục dựng lại nền văn hóa lúa mùa, chứ không làm vì lợi nhuận kinh tế”. Chị Nguyễn Thị Thanh Vân - vợ anh Việt cũng chia sẻ: “Với 2,5ha nếu làm lúa 3 vụ/năm thì cũng kiếm được lợi nhuận trên trăm triệu đồng nhưng làm lúa mùa là tâm nguyện của anh nên vợ chồng cũng đồng lòng làm, dù thu nhập có giảm đi”.
Anh Việt đang xây dựng lịch thời vụ cụ thể, từ khâu làm đất, đến gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch... để ai muốn tham gia vào công đoạn nào thì đến làm trải nghiệm, các trường học có thể đưa học sinh đến để các em tìm hiểu về văn hóa lúa mùa. Anh còn khẳng định: “Nếu có sinh viên làm nghiên cứu về lúa mùa, tôi sẵn sàng dành một phần diện tích đất đề trồng và thực hành, tạo điều kiện cho ăn ở tại chỗ”. Ngoài ra, từ nguồn lúa gạo sạch, anh còn dự định hàng tháng sẽ làm “ngày hội bánh xèo”, mọi người đến cùng làm, từ khâu xay bột, tráng bánh và bẻ rau rừng (các giống rau tự nhiên được anh sưu tầm trồng quanh bờ ruộng) để thưởng thức...