Lấy lại đà tăng trưởng các tháng cuối năm
Ngày 21/7 tại TP.HCM, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) tổ chức “Diễn đàn kết nối sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam”. Diễn đàn được tổ chức kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Diễn đàn tập trung báo cáo tình hình sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023; giải pháp thúc đẩy xuất khẩu đến cuối năm; phổ biến quy định, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng từ nay đến cuối năm 2023 và 2024 tại các thị trường truyền thống cũng như các thị trường tiềm năng.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh chính trị bất ổn và tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu, kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam đã giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2022.
“Tuy nhiên, trong các tháng cuối năm 2023, yếu tố lạm phát, lượng hàng tồn kho sẽ có xu hướng giảm và nhu cầu cho các kỳ nghỉ cuối năm dự báo tăng, kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam nói chung, mặt hàng tôm nói riêng sẽ tăng trở lại tại các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn như Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc”, ông Tiệp nói thêm.
Ông Ngô Thế Anh, Trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản (Cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT) cho biết, năm 2023, ngành tôm Việt Nam đặt mục tiêu diện tích nuôi khoảng 750.000ha, trong đó tôm sú 610.000ha, tôm thẻ 120.000ha, còn lại là tôm càng xanh và tôm khác. Sản lượng tôm các loại khoảng 1 triệu tấn, trong đó tôm sú 280.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 750.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt trên 4,3 tỉ USD.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin, 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 1,5 tỉ USD, giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu thị trường, giá tôm nguyên liệu và giá xuất khẩu đều đi xuống, lạm phát tăng, cạnh tranh mạnh với các nguồn cung đối thủ khiến xuất khẩu tôm của nước ta gặp nhiều khó khăn trong nửa đầu năm nay.
“Doanh nghiệp và bà con nuôi tôm vẫn đang kỳ vọng vào những tín hiệu tích cực hơn cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu tôm trong nửa cuối năm nay”, ông Hòe cho hay.
Tôm Việt Nam có nhiều lợi thế
Đại diện một nhà nhập khẩu thủy sản tại thị trường Bỉ và Anh cho biết: “Các thương nhân Tây Ban Nha nhận định, trong tương lai, nhu cầu tiêu thụ thủy sản sẽ ngày càng tăng. Điều này rất quan trọng đối với các nhà sản xuất tôm Việt Nam để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu. Các nhà nhập khẩu EU sẽ yêu cầu minh bạch 100% chuỗi cung ứng thực phẩm, từ đánh bắt đến đóng gói. Một điểm rất quan trọng nữa là thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và EU, thuế nhập khẩu có thể là yếu tố quan trọng để giúp tôm Việt Nam có giá cạnh tranh”.
Ông Alexandre Bonneau, đại diện Hội Nhập khẩu thủy sản Pháp chia sẻ, Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất tôm hàng đầu thế giới. Thế mạnh lớn nhất của ngành tôm Việt Nam là trình độ chế biến với cơ sở vật chất tốt và đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản, có thể biến nguyên liệu thô thành nhiều sản phẩm cuối cùng có giá trị cao. Tuy nhiên, ngành tôm Việt Nam cũng cần có một số cải thiện, chẳng hạn như thả giống với mật độ thưa hơn để nâng cao tỉ lệ sống, tìm hiểu cụ thể hơn về thông tin thị trường...
Phát biểu kết luận tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam khẳng định: "Con tôm Việt Nam có nhiều lợi thế, thứ nhất là quy trình công nghệ nuôi tiên tiến. Thứ hai, công nghệ chế biến thủy sản nói chung, tôm nói riêng cũng đứng hàng đầu thế giới. Thứ ba, việc đa dạng hóa các sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam cũng rất nhanh nhẹn. Thêm một yếu tố nữa là thế mạnh, sức cạnh tranh của tôm sú Việt Nam, tôm sú hữu cơ Việt Nam là số 1”.
“Tôi nói như vậy có quá tự hào không nhưng tôi là người Việt Nam, tôi cũng đã từng ở vùng nuôi, cũng đã chỉ đạo sát sao với con tôm sú Việt Nam, chưa có nước nào qua được Việt Nam. Tôi khẳng định như vậy”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng mong muốn các tham tán ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, các nước khác cùng với các đơn vị trong nước thúc đẩy để đưa hình ảnh con tôm Việt Nam đi khắp thế giới, xem đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới.
Thứ trưởng Nam cho biết hiện nay, Bộ NN-PTNT đang tập trung chỉ đạo xây dựng vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng nuôi để đảm bảo các yêu cầu của thị trường quốc tế. Đồng thời, tập trung xây dựng vùng nguyên liệu gắn với liên kết sản xuất. Ngoài ra, đang xây dựng đề án, kế hoạch, chiến lược phát triển logistics gắn với vùng sản xuất, kinh doanh thủy sản nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí và thời gian vận chuyển, phân phối sản phẩm
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Bộ NN-PTNT đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường các giải pháp để tăng sản lượng tôm, đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng, đáp ứng cho nhu cầu chế biến, xuất khẩu. Mặc dù còn một số hạn chế, chưa đáp ứng được các nhu cầu của thị trường xuất khẩu, vấn đề về tồn dư hóa chất, kháng sinh..., tuy nhiên những vấn đề này đang ngày càng được kiểm soát tốt và chỉ còn một tỷ lệ rất thấp”.