| Hotline: 0983.970.780

Thị trường tôm đang ấm lên, xuất khẩu sẽ đạt khoảng 4 tỷ USD

Thứ Sáu 21/07/2023 , 18:39 (GMT+7)

Thị trường tôm thế giới đang có những dấu hiệu tích cực hơn so với nửa đầu năm. Vì vậy, xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ phục hồi trở lại trong những tháng tới.

Thu hoạch tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Thanh Sơn.

Thu hoạch tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Thanh Sơn.

Tại “Diễn đàn trực tuyến kết nối sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam”, do Bộ NN-PTNT tổ chức chiều 21/7, đã ghi nhận nhiều thông tin hữu ích về thị trường tôm từ đại diện các tham tán, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, và các cơ quan, tổ chức liên quan.

Theo ông Phạm Quang Huy, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, Mỹ là thị trường tiêu thụ tôm lớn trên thế giới, nhưng sản xuất tôm ở Mỹ hiện chỉ đáp ứng 10% nhu cầu nội địa và phải nhập khẩu tới 90%, trong đó 50 - 60% là tôm nuôi, nước ấm/nước lợ và đông lạnh. Nguồn cung cấp tôm chính cho Mỹ là các nước Mỹ Latinh như Ecuador, Mexico, Argentina và các nước châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam …

Nửa đầu năm nay, nhập khẩu tôm vào Mỹ giảm do các nguyên nhân như lạm phát cao kiến cho người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, lượng tôm tồn kho còn lớn, lãi suất tăng làm giảm động lực nhập khẩu. Tuy nhiên, do lãi suất không tăng và kỳ vọng lạm phát dần được kiểm soát đang giúp cho sức mua ở Mỹ dần phục hồi trở lại. Kỳ vọng thị trường tôm ở Mỹ sẽ sớm khởi sắc trong năm 2024.

Bà Nguyễn Hoàng Thúy, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Âu, cho hay, người tiêu dùng Bắc Âu đang có xu hướng tiêu thụ thủy sản bền vững. Xu hướng này đang được đưa dần vào các văn bản pháp lý của EU. Thỏa thuận xanh châu Âu - phản ứng của châu Âu đối với tình trạng khẩn cấp của các vấn đề môi trường mà cụ thể là khí hậu toàn cầu, được cho là sẽ thúc đẩy tiêu thụ thủy sản, nhất là thủy sản hữu cơ, bởi sản xuất thủy sản, trong đó có sản xuất tôm, ít gây phát thải khí nhà kính.

Đại dịch Covid cũng làm tăng ý thức tiêu dùng các sản phẩm bền vững, tốt cho sức khỏe ở khu vực Bắc Âu. Do đó, thực phẩm hữu cơ, ba gồm tôm hữu cơ, tôm sinh thái có cơ hội trong thời gian tới.

Một xu thế lớn khác liên quan tới thị trường tôm Bắc Âu là tiêu thụ các đồ ăn sẵn, sản phẩm tiện lợi đang phát triển mạnh. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp tôm nguyên liệu cho các nhà chế biến ở Bắc Âu hay đẩy mạnh chế biến sâu các sản phẩm từ tôm để xuất khẩu vào khu vực này.

Theo ông Trần Văn Công, Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại Bỉ và EU, châu Âu là thị trường cao cấp, mỗi năm nhập khẩu 1 - 1,2 triệu tấn tôm. Trong khi các nước Tây Bắc Âu có xu hướng tiêu thụ hàng giá trị gia tăng nhiều hơn, với nguồn cung chủ yếu đến từ châu Á (Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan), thì khu vực Nam Âu nhu cầu có nhu cầu đa dạng hơn và thiên về nhập khẩu tôm nguyên con.

Tôm sú Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh ở châu Âu. Ảnh: Thanh Sơn.

Tôm sú Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh ở châu Âu. Ảnh: Thanh Sơn.

Tôm Việt Nam nhập khẩu vào châu Âu gồm tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Tại châu Âu, tôm thẻ chân trắng Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm của Ecuador (có lợi thế là các trang trại quy mô lớn, mối quan hệ thương mại lâu đời với khu vực Nam Âu) và Ấn Độ (có lợi thế giá thành rẻ). Nhờ có công nghệ chế biến cao, tôm thẻ chân trắng Việt Nam đã thâm nhập vào phân khúc thị trường tôm cao cấp ở châu Âu.

Với tôm sú, Việt Nam chỉ phải cạnh tranh với Bangladesh tại thị trường châu Âu. Tôm sú Bangladesh chủ yếu đi vào phân khúc thấp do thiếu sản phẩm có chứng nhận. Còn tôm sú Việt Nam nhờ sản lượng có chứng nhận nhiều hơn nên đi vào phân khúc thị trường cao cấp.

Ngoài những lợi thế nói trên, tôm Việt Nam còn có ưu thế hơn các đối thủ là đã có hiệp định thương mại tự do với châu Âu. Ông Công nhận định, trong thời gian tới, thị trường tôm ở châu Âu sẽ phục hồi khi tồn kho giảm, nhà nhập khẩu tăng mua cho các lễ hội cuối năm. Điều này sẽ giúp cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang châu Âu phục hồi trở lại.

Về các thị trường lớn ở châu Á, ông Nguyễn Duy Kiên, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), cho rằng, nhu cầu tiêu thụ thủy sản đang gia tăng ở Trung Quốc trong khi sản xuất tôm giảm vì chi phí tăng cao, sẽ khiến nước này tiếp tục tăng nhập khẩu tôm trong thời gian tới. Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có nhiều cơ hội phục hồi trở lại trong nửa cuối năm.

Còn theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong nửa đầu năm nay, giá tôm xuống thấp trên toàn thế giới. Nhưng vào thời điểm này, các quốc gia ở nam bán cầu đã qua vụ thu hoạch tôm, các nước bắc bán cầu như Việt Nam, Ấn Độ bắt đầu vào vụ thu hoạch, nguồn tôm trên thị trường không còn dồi dào, nên giá tôm có thể tăng lên.

Mặt khác, trong nửa đầu năm, do sợ giá xuống thấp thêm nữa, Ecuador đã bán rất nhiều tôm, nhất là sang Trung Quốc. Vì vậy, trong nửa cuối năm, khi mà Ecuador không còn thu hoạch tôm, lượng tôm tồn kho của nước này không còn nhiều, sẽ thúc đẩy sự tăng giá tôm trên toàn cầu. Với sự ấm dần lên của thị trường tôm thế giới, ông Hòe dự báo xuất khẩu tôm sẽ khả quan hơn trong nửa cuối năm nay và tính chung cả năm có thể đạt xấp xỉ 4 tỷ USD.

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Hoàng Anh Gia Lai sẽ trồng thêm 2.000ha chuối trong năm 2024

TP.HCM Bầu Đức cho biết, năm 2024 không thoái vốn, cố gắng xóa nợ và rất thận trọng trong đầu tư, tiếp tục kiên trì với 'hai cây, một con' gồm chuối, sầu riêng và heo.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.

Bình luận mới nhất