| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu tôm sẽ khả quan hơn trong nửa cuối năm

Thứ Sáu 21/07/2023 , 15:13 (GMT+7)

Xuất khẩu tôm đã giảm mạnh trong nửa đầu năm nay, nhưng với tín hiệu ấm lên của thị trường, đang có những hy vọng cho xuất khẩu nửa cuối năm.

Thị trường tôm đang ấm dần lên

Phát biểu tại “Diễn đàn trực tuyến kết nối sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam” diễn ra chiều 21/7, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT), cho biết, hiện cả nước đã có hơn 370 cơ sở chuyên và có kết hợp chế biến tôm đủ điều kiện xuất khẩu tôm với công suất trên 1,7 triệu tấn nguyên liệu/năm.

Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, cả nước đã có hơn 370 cơ sở chuyên và có kết hợp chế biến tôm đủ điều kiện xuất khẩu. Ảnh: Minh Sáng.

Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, cả nước đã có hơn 370 cơ sở chuyên và có kết hợp chế biến tôm đủ điều kiện xuất khẩu. Ảnh: Minh Sáng.

Các doanh nghiệp chế biến tôm tập trung chủ yếu tại các tỉnh Nam Trung Bộ (Khánh Hoà, Phú Yên, Ninh Thuận), các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang) và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ở Đông Nam Bộ.

Tất cả các cơ sở chế biến tôm xuất khẩu đều đáp ứng các quy định khắt khe của thị trường nhập khẩu về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Mặt hàng tôm đã được chế biến đa dạng về mẫu mã và hình thức đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ, nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao (tôm tẩm bột, tôm Nobashi, Sushi, Tempura…), qua đó, áp ứng được cả thị trường khó tính nhất là Nhật Bản.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã tận dụng một số phụ phẩm tôm để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao cấp như chitin, chitosan, glucosamine, astaxanthin... Do vậy, tôm vẫn tiếp tục được coi là sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao, và là một trong những mặt hàng xuất khẩu chiến lược của nước ta.

Năm 2022 xuất khẩu tôm đạt kỷ lục 4,3 tỷ USD, nhưng 6 tháng đầu năm nay giảm mạnh tới gần 32% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu tôm sang 5 thị trường chính (Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc - Hồng Kông và Hàn Quốc) đồng loạt giảm 2 con số, trong đó giảm mạnh nhất thị trường EU với 48,9%, Mỹ giảm 38,1%, Hàn Quốc 28%, Nhật Bản giảm 29% và Trung Quốc và Hồng Kông giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2022. Nhìn chung bức tranh thị trường tôm nửa đầu năm nay rất ảm đạm.

Tuy nhiên, thị trường tôm đang có xu hướng ấm dần lên trong những tháng qua. Dự báo trong các tháng cuối năm 2023, yếu tố lạm phát, lượng hàng tồn kho ở các thị trường có xu hướng giảm và nhu cầu tăng cho các lễ hội cuối năm tăng, sẽ giúp cho xuất khẩu mặt hàng tôm tăng trở lại.

Đẩy mạnh phát triển ngành tôm theo hướng bền vững

Về tiềm năng phát triển ngành tôm, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về diện tích, khí hậu thuận lợi và nguồn nước dồi dào cho phát triển nuôi tôm nước lợ, có thể sản xuất được những sản phẩm tôm chất lượng cao với nhiều kích cỡ khác nhau.

Trong thời gian qua, ngành tôm nước lợ được ứng dụng khoa học công nghệ mới, gồm kỹ thuật sản xuất giống, nuôi thương phẩm và bảo quản chế biến với nhiều mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ ở nhiều mức độ khác nhau. Các doanh nghiệp chế biến tôm hiện có nguồn nhân lực có kỹ thuật khéo léo trong nuôi tôm và chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng.

Dự báo trong các tháng cuối năm 2023, yếu tố lạm phát, lượng hàng tồn kho ở các thị trường có xu hướng giảm và nhu cầu tăng cho các lễ hội cuối năm tăng sẽ giúp cho xuất khẩu mặt hàng tôm tăng trở lại. Ảnh: Minh Sáng.

Dự báo trong các tháng cuối năm 2023, yếu tố lạm phát, lượng hàng tồn kho ở các thị trường có xu hướng giảm và nhu cầu tăng cho các lễ hội cuối năm tăng sẽ giúp cho xuất khẩu mặt hàng tôm tăng trở lại. Ảnh: Minh Sáng.

Thị trường cho tôm Việt Nam đang mở do nhu cầu gia tăng, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký với các nền kinh tế lớn là cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu. Quỹ đất nuôi tôm lợ một số vùng ven biển cũng tạo cơ hội cho quy hoạch vùng nuôi tập trung. Bên cạnh đó, năng lực về khoa học công nghệ, nhân lực và các điều kiện tự nhiên khác khiến Việt Nam có đầy đủ các nhân tố để có thể tiếp tục phát triển ngành tôm theo hướng quy mô hiện đại, bền vững.

Tuy nhiên, ngành tôm Việt Nam đang tồn tại nhiều điểm yếu và đối mặt với nhiều thác thức. Trước hết là hạ tầng vùng nuôi hạn chế, quy mô nông hộ nhỏ bé khiến hạ tầng nguồn nước cấp, nước thoát nước chưa đồng bộ, gây khó khăn trong công tác sản xuất và nguy cơ ô nhiễm và dịch bệnh. Chi phí sản xuất tôm còn cao so với các nước đối thủ trên cùng phân khúc thị trường.

Biến đổi về khí hậu, nước biển dâng đang gây nguy cơ mất diện tích nuôi tôm ven biển. Biến đổi khí hậu, nắng nóng, bão lũ gây ra thay đổi đột ngột của nhiệt độ, lượng mưa làm độ mặn ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển tôm nuôi, góp phần gây ra dịch bệnh cho tôm nuôi.

Theo ông Lê Thanh Hòa, để ngành tôm phát triển bền vững, đạt được các mục tiêu đã đề ra, Bộ NN-PTNT cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao; tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, sản xuất có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC) để nâng cao chất lượng, giảm giá thành tăng sức cạnh tranh sản phẩm tôm trên thị trường thế giới.

Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Trần Văn Cao tham gia điều hành 'Diễn đàn trực tuyến kết nối sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam' diễn ra chiều 21/7. Ảnh: Minh Sáng.

Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Trần Văn Cao tham gia điều hành “Diễn đàn trực tuyến kết nối sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam” diễn ra chiều 21/7. Ảnh: Minh Sáng.

Tập trung ứng dụng khoa học công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường; phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuối sản xuất theo hướng công nghệ cao để giảm lao động trực tiếp, hạn chế lây lan dịch bệnh.

Cập nhật và thông tin kịp thời các quy định thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại thúc đẩy xuất khẩu; nắm bắt, tận dụng tối đa các cơ hội thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do.

Bộ Công thương cần đẩy mạnh đàm phán ký kết hiệp định thương mại để đa dạng hoá thị trường sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết, khai thác các cơ hội từ các hiệp định; ưu tiên nguồn lực xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, kết nối giao thương thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm tôm

Đặc biệt, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cần nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu, quy định thị trường để Bộ, ngành định hướng phát triển thị trường sản phẩm tôm; tăng cường kết nối giao thương doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu.

Xem thêm
Cà Mau: Cua chết bất thường trên diện rộng

Tình trạng cua chết xảy ra ở nhiều địa phương khiến chất lượng và sản lượng cua thương phẩm sụt giảm, nông dân lao đao.

Hải Phòng phát hiện hơn 100 tàu cá mất kết nối VMS trong 4 tháng

Những trường hợp tàu cá bị phát hiện mất kết nối, nếu không khắc phục kịp thời, cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng đều xử lý nghiêm.

Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị

Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.

Ruốc biển xuất hiện dày đặc, ngư dân thu tiền triệu mỗi ngày

QUẢNG NGÃI Sau vài giờ ra khơi đánh bắt, các tàu thuyền trở về với hàng tạ ruốc, mang lại thu nhập tiền triệu mỗi ngày cho ngư dân ở vùng biển Quảng Ngãi.