| Hotline: 0983.970.780

Để có khu rừng Hàm Rồng, công lao lớn của người dân đấy thưa chính quyền

Thứ Sáu 18/11/2022 , 07:43 (GMT+7)

Rừng đặc dụng Hàm Rồng (thành phố Thanh Hóa) tồn tại song song hai “chủ rừng” là người dân và nhà nước.

Thu hồi đất rừng nhưng chưa đền bù cho dân

Rừng Hàm Rồng có diện tích hơn 200 ha, nằm trên địa giới hành chính của 3 phường gồm: Hàm Rồng, Đông Cương, Thiệu Dương (thành phốThanh Hóa).

Ngày 16/6/1999, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ra quyết định số 1105/QĐ-UB về việc giao đất lâm nghiệp cho Ban quản lý dự án Vườn thực vật Hàm Rồng quản lý (nay là Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, trực thuộc UBND thành phố Thanh Hóa).

Căn cứ quyết định này, tất cả các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đã cấp trước đây cho các hộ gia đình, cá nhân hoặc các tổ chức nếu nằm trong phạm vi giao đất cho Ban quản lý dự án Vườn thực vật Hàm Rồng tại quyết định này đều không còn hiệu lực. Tổng diện tích đất rừng được giao cho đơn vị này là 219,5 ha (trong đó đất lâm nghiệp là 206,5 ha; Đất chưa sử dụng là 13 ha)

Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa có trách nhiệm ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đã cấp cho các hộ, các tổ chức có liên quan.

Khu rừng đặc dụng Hàm Rồng hiện có 2 chủ sở hữu.

Khu rừng đặc dụng Hàm Rồng hiện có 2 chủ sở hữu.

Đáng nói là, trong tổng diện tích đất rừng nói trên, có cả diện tích đất của người dân khai hoang, nhận khoán, canh tác trồng rừng. Tuy nhiên, do không có kinh phí bồi thường nên UBND thành phố Thanh Hóa đã không ban hành quyết định thu hồi đất và bồi thường cho các hộ dân.

Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt rừng Hàm Rồng là rừng đặc dụng. Thời điểm này, cơ quan có thẩm quyền cũng không tiến hành thu hồi, bồi thường cho người dân theo quy định.

Như vậy, chỉ bằng một quyết định hành chính số 1105, người dân bỗng dưng mất đất, mất rừng, mất luôn cả kế sinh nhai sau nhiều năm lao tâm, khổ tứ cải tạo, trồng rừng.

Ông ông L.H. (trú tại phố 7, phường Đông Cương, thành phố Thanh Hóa), một hộ dân từng tham gia canh tác, trồng rừng chia sẻ: “Hơn 20 năm, trồng cây, cải tạo rừng xanh tốt, chúng tôi phấn khởi và chờ đợi thành quả lao động để ổn định đời sống và tăng thu nhập thì nghe tin chính quyền lấy rừng không thông báo cũng không đền bù. Điều này xét về lý về tình đều không phù hợp. Nếu chính quyền không thực hiện bồi thường thì trả lại rừng để các hộ gia đình tiếp tục đầu tư, bảo vệ khai thác giá trị của rừng”.

Khó khăn cho việc quản lý

Việc chính quyền ban hành quyết định thu hồi đất lâm nghiệp không đền bù cho dân đồng thời giao cho đơn vị khác quản lý dẫn đến tình trạng, trên một diện tích rừng có hai chủ cùng tồn tại, quản lý song song. Cái khó nằm ở chỗ, khi đã chuyển đổi thành rừng đặc dụng, người dân muốn đầu tư phát triển cũng không được phép. Trong khi đó nhà nước muốn đầu tư các dự án phát triển rừng thì trước tiên phải bồi thường, hỗ trợ các hộ dân.

“Rừng đặc dụng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người dân không được khai thác những cây do họ tự bỏ vốn để trồng cũng như những sản phẩm hưởng lợi theo quy định. Điều này ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân cũng như chưa thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý rừng. Đã nhiều lần các hộ dân có đơn kiến nghị nhưng chưa được giải quyết”, văn bản của UBND thành phố Thanh Hóa gửi Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ.

Rừng Hàm Rồng bị xâm hại. Ảnh tư liệu của Võ Văn Dũng/NNVN.

Rừng Hàm Rồng bị xâm hại. Ảnh tư liệu của Võ Văn Dũng/NNVN.

Để giải quyết vụ việc trên, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân, UBND Thanh Hóa có tờ trình số 788/TTr-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thu hồi đất rừng đặc dụng Hàm Rồng. Theo đó, tổng kinh phí thực hiện dự án là 180 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong 4 năm, từ 2017-2020. Thế nhưng đến nay, người dân vẫn chưa nhận được quyền lợi hợp pháp theo quy định của pháp luật tại khu vực rừng đặc dụng Hàm Rồng.

Tình trạng một khu rừng nhưng có 2 chủ đặt ra vấn đề: Nếu không giải quyết quyền lợi thỏa đáng cho người dân sẽ gây ra áp lực, khó khăn trong việc quản lý rừng đặc dụng. Theo Chi Cục Kiểm lâm Thanh Hóa, chỉ trong 4 năm qua, đã xảy ra hàng chục vụ xâm hại rừng đặc dụng Hàm Rồng. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, niêm phong tang vật... nhưng tình trạng trên vẫn chưa được xử lý triệt để.

Ông Thiều Văn Lực – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa cho biết: “Theo quy định, người dân không được khai thác lâm sản trái phép trong rừng đặc dụng. Tuy nhiên, đến nay, do chưa xác định rõ quyền sở hữu rừng là của nhà nước hay hộ gia đình khiến tình trạng khai thác lâm sản người dân vẫn diễn ra. Sự bất cập này gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Sự việc chỉ có thể xử lý được khi nhà nước đảm bảo quyền lợi cho người dân có rừng bị thu hồi”, ông Lực cho hay.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.