| Hotline: 0983.970.780

Rừng gỗ quý trồng dưới chân dãy Trường Sơn

Thứ Ba 15/11/2022 , 19:25 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Rừng gỗ quý được gia đình ông Hồ Râng trồng đã khép tán, vươn lên dưới chân dãy núi Trường Sơn hùng vĩ.

Khi về xã miền núi Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) ai cũng nghe kể về gia đình ông Hồ Râng (dân tộc Vân Kiều) đã trồng được hàng chục ha rừng gỗ huỵnh quý.

Ông Hồ Râng (65 tuổi, dân tộc Vân Kiều ở bản Nước Đắng, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh - Quảng Bình) có rừng trồng gỗ quý có tuổi hơn 20 năm. Khi lên với rừng, mới cảm nhận được công sức mà ông đã đổ ra.

Rừng trồng của gia đình ông Hồ Râng ở mấy con đồi thoai thoải bên thượng nguồn dòng sông Long Đại. Từ bờ sông nhìn lên đã thấy một màu xanh ngút ngàn, trãi dài đến hết tầm mắt.

Ông cũng là người kiệm lời, nhưng khi nói chuyền về rừng thì như bắt được mạch. Ông kể, hồi trai trẻ, rừng gỗ quý nằm sát ngay sau nhà. Rồi người ta khai thác hết, phần làm nhà làm cửa, phần bán cho người dưới xuôi lên đặt.

11

Rừng gỗ huỵnh quý được gia đình ông Hồ Râng trồng dưới chân dãy núi Trường Sơn. Ảnh: T.P

Dần dần, gỗ quý trong rừng như lim, gõ, huỵnh…dần  cũng hết đi. “Người ta chặt hết cây lớn đến chặt cây nhỏ. Vào tận rừng sâu để hạ cây”- ông Hồ Râng nhớ lại.

Khi thấy rừng còn ít cây gỗ quý, ông Hồ Râng mới suy tính đến việc trồng rừng. ‘Nếu mình không trồng thì đời con, đời cháu lấy đâu ra cây gỗ mà làm nhà. Cũng không còn cây giống để sinh ra cây con cho rừng”- ông nói như vậy.

Chọn mấy quả đồi cây dại mọc sau lưng nhà, ông cùng vợ ngày ngày phát quang, đào hố để đợi mùa mưa là trồng rừng. Không có cây giống, ông mang cơm nắm vào rừng tìm cây con của lim, huỵnh…mang về trồng.

Những gốc cây gỗ quý còn sót lại cũng được ông chăm sóc cho lên chồi và bảo vệ không cho ai chặt phá. Những cây lim, huỵnh thân nhỏ bằng cái đũa ăn cơm được ông nâng niu mang về trồng thành hàng thành lối.

Ông cũng kể có những chuyến đi xa vài ba ngày đường. Khi đào phải bưng bầu đất lớn, phải dùng lá cọ quấn thật chặt gốc lại mới cho vào gùi mang về. Đi đường, lúc nghỉ chân phải cho nước vào gốc để cho rễ cây khỏi bị khô. Những chuyến đi ấy gian khổ. Nhưng nghĩ đến mấy quả đồi hoang ông lại thấy cái chân như mạnh dần thêm.

22

Vợ chồng ông Hồ Râng bên gốc cây huỵnh quý. Ảnh: T.P

Khi cây bén rễ là ông mừng lắm. Những năm hạn hán, nhìn cây héo lá là ông lại động viên vợ đi tưới nước  cho…cây rừng.

Hai vợ chồng cứ sáng tối cặm cụi xuống nguồn Long Đại mang từng gùi nước lên tưới cho từng gốc cây. Mồ hôi đổ xuống cùng hạt nước mang từ dưới sông lên. Nhờ vậy mà những cây gỗ quý đã bén rễ, đâm chồi.

Cần mẫn như con ong đi hút mật, hết tưới nước chống hạn, ông lại lên rừng cắm cành buộc giữ cho những cây non mới lên chưa đủ sức đứng trước gió rừng thổi. Hơn chục năm, khi cây rừng đã khép tán, khi đó ông mới nhè nhẹ thở phào đặt một niềm tin…

Tôi theo vợ chồng ông Hồ Râng lên rừng. Những cây gỗ huỵnh thân  dù chưa sít một vòng tay ôm của người lớn nhưng thế đứng đã vững chãi lắm rồi. Hàng thẳng hàng, rừng cây cứ vắt ngược lên ngọn đồi, tán lá rì rào trong gió thổi.

Đi hết một ngọn đồi, ông Hồ Râng lại dẫn đường xuôi xuống để sang ngọn đồi bên cạnh. Ở đây có những cây gỗ lim chắc chắn vươn mình trong nắng. Ông Hồ Râng bảo: ‘Ở đây, cây lim chưa được nhiều đâu. Nhưng là cây giống đấy. Sau này nó sẽ cho hạt và sinh ra những cây con cho rừng mà”.

33

Những cây gỗ lớn trong rừng trồng. Ảnh: T.P

Vùng rừng trồng của ông có diện tích trên 20 ha và chỉ trồng những cây gỗ bản địa quý hiếm. Có trên 500 cây gõ lim, huỵnh thắng tắp. Có nhiều cây gỗ huỵnh vượt lên, cao lớn sững sững. “Có người dưới xuôi lên trả tiền mua mấy cây lớn đó. Họ trả nhiều tiền lắm nhưng tui không bán mô. Rừng quý là để lại cho mai sau chớ”- ông Hồ Râng cười  rổn rảng giữa rừng.

Bây giờ, cây rừng đã lớn. Cứ lâu lâu ông lại vác rựa vào thăm rừng. Ông phát quang cây dại lấy lối đi. Nhiều lần phát nên dưới tán rừng thật rỗng thoáng. Ông Hồ Râng hồ hởi: “Bữa nay cây giống người ta cũng có bán. Tui dặn với con mua nhiều cây về để tiếp tục trồng vô mấy vạt đất ven mấy con suối nhỏ để cho rừng ngày càng dày thêm”.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.