| Hotline: 0983.970.780

Lá, nụ vối - vị thuốc mùa hè

Thứ Bảy 16/04/2016 , 13:15 (GMT+7)

Vối có hai loại vối nếp và vối tẻ, vối tẻ còn có tên gọi vối trâu, lá to màu xanh đậm. Vối nếp lá nhỏ hơn, có màu ngà vàng, khi nấu nước có mùi thơm dễ chịu, khi uống nước thì vối nếp đậm đà, ngon hơn vối tẻ. 

Vối quanh năm xanh tốt, tháng 3-4 âm lịch ra hoa, tháng 8 quả chín, người ta hái quả đã già vào tháng 5-6 phơi khô làm thuốc - tên thuốc là mạn kinh tử.

Các kết quả nghiên cứu về vối cho thấy trong lá và nụ vối chứa tanin, khoáng chất và vitamin... khoảng 4% tinh dầu với mùi thơm dễ chịu.

Đặc biệt chứa một số chất kháng sinh có khả năng diệt được nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như Streptococcus, Staphylococcus, vi khuẩn bạch hầu, phế cầu, Salmonella, Bacillus subtilis, chính vậy mà lá vối tươi hay khô sắc đặc được coi như một loại thuốc sát khuẩn dùng trị liệu các bệnh ngoài da như ghẻ lở, mụn nhọt hoặc lấy lá vối tươi nấu lấy nước đặc để gội đầu chữa chốc lở rất hiệu nghiệm.

Gần đây người ta còn phát hiện trong nụ vối chứa một hàm lượng polyphenol cao (tương đương 128mg catechin/gam trọng lượng khô) và hoạt chất ức chế men alpha-glucosidase nên có thể hỗ trợ phòng và điều trị chứng tiểu đường.

Các kết quả được tiến hành trong phòng thí nghiệm cũng cho thấy nụ vối có khả năng triệt tiêu các gốc tự do, chống ô xy hóa mạnh. Khả năng chống ô xy hóa (antioxydants) của nụ vối đã làm giảm sự hình thành đục thủy tinh thể, bảo vệ sự tổn thương tế bào bê-ta tuyến tụy, phục hồi các men chống ô xy hóa trong cơ thể.

Tuỳ theo yêu cầu của bài thuốc mà việc bào chế (sao tẩm) sẽ khác nhau: nếu trị các chứng ở gan sao với giấm; nếu trị chứng đau đầu, phong thấp, co giật sao với rượu; nếu chỉ thanh nhiệt giải độc thì không sao (để khô).

Theo Đông y, mạn kinh tử (quả vối) có vị đắng cay, tính hơi hàn vào các kinh can, phế và bàng quang, có tác dụng làm mát huyết, tán phong nhiệt, điều trị các chứng: Cảm mạo do phong nhiệt, nhức đầu, chóng mặt, tê thấp, co giật, đau mắt do phong nhiệt, mắt mờ nhìn không rõ.

Chất đắng trong lá và nụ vối kích thích nhiều dịch vị tiêu hóa. Mặt khác, chất tannin (là những hợp chất tự nhiên thuộc nhóm polyphenol phổ biến trong thực vật) trong lá vối giúp bảo vệ niêm mạc ruột, chất tinh dầu có tính kháng khuẩn cao nhưng không gây hại cho những vi khuẩn có ích cư trú trong ống tiêu hóa. Vì vậy lá và nụ vối kiện tỳ giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt, chữa bệnh đại tràng mãn, chữa viêm gan, vàng da và bỏng

Lá vối: vị đắng cay, hơi chát, tính mát, có tác dụng điều hòa gan, phổi và bàng quang. Nước lá vối sắc đặc có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau, giảm huyết áp do gan nóng, tiêu đờm bình suyễn. Dùng lá nấu nước uống hằng ngày để tiêu thực, làm giảm mỡ trong máu, về mùa hè làm mát huyết, trị cảm nắng, khi làm việc ngoài trời nắng, uống nước lá vối có tác dụng điều hòa thân nhiệt.

Nụ vối: Người ta thu hoạch hoa vối khi chưa nở gọi là nụ vối, phơi khô dùng nấu nước uống thay chè có tác dụng như lá vối. Ngoài ra, nụ vối còn dùng làm thuốc điều trị một số bệnh.

(KTGĐ số 14)

Xem thêm
Tập thể dục vào sáng và tối giảm nguy cơ ung thư ruột kết hơn 10%

Hoạt động thể chất vào các thời điểm khác nhau trong ngày có thể dẫn đến những kết quả khác nhau cho sức khỏe về lâu dài.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.