Theo Chi cục Phát triển nông thôn Lai Châu, thực hiện Kế hoạch số 836/KH-UBND của UBND tỉnh Lai Châu về triển khai Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2020, đến nay Sở NN-PTNT Lai Châu đã phối hợp với các nhà tư vấn, các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của một số sản phẩm có tiềm năng để tham gia Chương trình OCOP năm 2020.
Theo đó, các cơ quan chức năng được phân công triển khai thực hiện nhiệm vụ đã xác định được 80 sản phẩm tiềm năng của 31 chủ thể là doanh nghiệp, HTX, chủ hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh thuộc diện có tiềm năng.
Cụ thể qua khảo sát sơ bộ đã có khoảng 30 sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có khả năng, dư địa phát triển, đa dạng hóa sản phẩm và đủ điều kiện để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện và cấp tỉnh. Trong đó, tập trung vào các sản phẩm chè, rau thủy canh ở thành phố, gạo séng cù của HTX Thanh Xuân (huyện Than Uyên), điểm du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ ở Phong Thổ…
Theo ông Nguyễn Văn Yên - Giám đốc HTX Thanh Xuân (huyện Than Uyên), kể từ khi triển khai chương trình OCOP, HTX nhận thấy đây là cơ hội lớn để khẳng định thương hiệu sản phẩm gạo séng cù Than Uyên trên thị trường. Do đó để đạt được các điều kiện, tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, HTX đã thuê thiết kế mẫu bao bì; đăng ký mã vạch với Sở Khoa học và Công nghệ; gửi mẫu kiểm nghiệm phân tích mẫu, chất lượng của gạo; đồng thời tiến hành ký kết hợp đồng thu mua thóc séng cù đối với 206 hộ dân ở 2 xã: Mường Cang, Hua Nà với sản lượng ước tính gần 300 tấn/năm. Bên cạnh đó, HTX còn đầu tư giàn sấy; hệ thống máy xay xát, sàng gạo; xe tải vận chuyển và thuê công nhân làm việc. Đến nay, theo đánh giá sơ bộ, gạo séng cù của HTX đã đủ tiêu chí đạt chất lượng 3 sao.