| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 26/05/2016 , 06:35 (GMT+7)

06:35 - 26/05/2016

Lại chuyện môi trường

Chỉ có 66% trong khoảng 300 khu công nghiệp hiện nay là có trạm xử lý nước thải tập trung. Riêng đồng bằng sông Cửu Long có tới 75% khu công nghiệp và 85% cụm công nghiệp không được xử lý nước thải tập trung.

Báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết: Chỉ có 66% trong khoảng 300 khu công nghiệp hiện nay là có trạm xử lý nước thải tập trung.

Riêng đồng bằng sông Cửu Long có tới 75% khu công nghiệp và 85% cụm công nghiệp không được xử lý nước thải tập trung. Con số trên thật đáng để suy gẫm. Thật là một bức tranh về môi trường không mấy sáng sủa của nền công nghiệp đất nước.

Vì sao như vậy?

Theo đánh giá của ông Claudio Dordi, tư vấn trưởng dự án hỗ trợ chính sách Thương mại và Đầu tư của Liên minh châu Âu (Mutrap), thì tuy pháp luật của Việt Nam về môi trường và bảo vệ môi trường đã khá hoàn chỉnh và phù hợp với luật pháp quốc tế, nhưng việc thực thi thì còn yếu.

Theo ông, để làm tốt khâu thực thi, đòi hỏi phải có những hoạt động nhất định từ phía Chính phủ, để nâng cao năng lực của các cơ quan chức năng, cũng như nâng cao sự hiểu biết của doanh nghiệp về tầm quan trọng việc tuân thủ pháp luật về môi trường, và giải thích rõ những tác động tiêu cực khi doanh nghiệp không tuân thủ.

Thật là một nhận xét rất chuẩn, rất chính xác. Luật Bảo vệ Môi trường đã được Quốc hội khóa XI thông qua, có hiệu lực từ năm 2005, và vừa được thay thế bằng Luật Bảo vệ Môi trường do Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7, ngày 23/6/2014, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, với những quy định chi tiết hơn, chặt chẽ hơn.

Bộ luật Hình sự năm 2009 (đang có hiệu lực pháp luật) và Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ 1/7/2016) đều có một chương quy định các hình phạt dành cho các tội phạm về môi trường (chương XVII và chương XIX).

Thế nhưng trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp vẫn ngang nhiên vi phạm, lẩn tránh việc đầu tư xây dựng các công trình xử lý nước thải hay chất thải công nghiệp, tìm cách xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, gần đây nhất là vụ cá chết trên sông Bưởi, là những ví dụ điển hình.

Mặt khác, không ít địa phương, do nóng lòng muốn thu hút đầu tư, nên đã buông lỏng hoặc nương nhẹ cho các nhà đầu tư trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Hiện tại, chúng ta mới chỉ có 5% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là có công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Có 80% là doanh nghiệp có công nghệ trung bình, còn lại là những doanh nghiệp sử dụng công nghệ thấp, lạc hậu, sử dụng nhiều năng lượng và khả năng phát thải cao, dù Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập Doanh nghiệp đều quy định chính sách ưu tiên cho các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Không thể chần chừ được nữa. Đã đến lúc phải thay đổi tư duy về môi trường, bằng cách kiên quyết nói “không” với những dự án có công nghệ lạc hậu, có khả năng phát thải cao, nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường. Bởi bảo vệ môi trường chính là bảo vệ không gian sinh tồn, không chỉ cho hiện tại, mà còn cho cả các thế hệ sau.