Việt Nam được xem là quốc gia có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển mô hình nuôi cá cảnh xuất khẩu, nhờ nguồn nước, khí hậu và nguồn thức ăn đa dạng. Trong đó, mô hình phát triển mạnh nhất tại TP Hồ Chí Minh với khoảng 70 loài phong phú, gồm nuôi sinh sản và khai thác tự nhiên rồi thuần dưỡng lại.
Tại khu vực ĐBSCL, vài năm gần đây, mô hình nuôi cá cảnh cũng bắt đầu nở rộ và phát triển mạnh tại nhiều địa phương như: TP Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang… Và mới đây nhất là mô hình của anh Nguyễn Thanh Hoàng (sinh năm 1995) ở ấp Tân Quới, xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.
Trang trại cá cảnh rộng 2.000m2 do anh Hoàng sở hữu được đầu tư khá bài bản và hoàn toàn tự động hóa khâu thay nước. Chỉ cần một thao tác đơn giản, mọi công việc bơm, xả nước cho các bể cá sẽ được điều khiển thông qua điện thoại di động. Để tối ưu hóa quy trình nuôi, anh Hoàng tiếp tục đầu tư thêm hệ thống tự động trong khâu cho cá ăn và kiểm soát nhiệt độ, chất lượng nước ở các bể nuôi.
Ban đầu, việc nuôi cá cảnh xuất phát từ sở thích cá nhân và tận dụng thời gian nhàn rỗi. Anh Hoàng mua 5 cặp cá bảy màu về thả nuôi trong thùng xốp.
Quá trình cá sinh sản số lượng ngày càng nhiều, anh đăng tải lên mạng xã hội và được nhiều người hỏi mua. Nhận thấy thị trường cá cảnh khá tiềm năng, cộng với sự ủng hộ của gia đình, anh Hoàng quyết định đầu tư khởi nghiệp với mô hình này.
Năm 2021, thời điểm bắt đầu khởi nghiệp, trên quy mô khoảng 100m2, anh Hoàng thả nuôi các dòng cá cảnh phổ thông trong 30 thùng xốp.
Sau khi đúc rút kinh nghiệm và học hỏi thêm kiến thức từ các trại cá giống trên địa bàn, anh tự tin mở rộng diện tích, xây dựng 160 bể xi măng, tương đương gần 2.000m2 nuôi các dòng cá thủy sinh.
Đến nay, trang trại cá cảnh này đã có trên 100 dòng cá phổ thông, cả nước mặn và nước ngọt như: Guppy, Betta, cá buồm, cá chép koi, cá Nemo… Ngoài ra còn một số loại cá săn mồi như: cá lóc kiểng, cá rồng, tai tượng da beo.
Đặc biệt, anh Hoàng đã nuôi thành công san hô và xuất bán với giá 100.000 - 250.000 đồng/cây cho khách hàng ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước.
“Các dòng cá cảnh phổ thông, giá rẻ, tôi nuôi và cho sinh sản trên bể xi măng, nhu cầu thị trường rất cao. Riêng các dòng cá săn mồi, tôi chủ yếu nhập cá về ương nuôi, "bơm" size cá rồi bán lại. Hiện nay, thị trường đang khá ưa chuộng dòng cá lóc kiểng”, anh Hoàng chia sẻ.
Nói về bí quyết, anh Hoàng đánh giá, hầu hết các dòng cá cảnh phổ thông rất dễ nuôi. Sau khoảng 3 tháng, cá sẽ sinh sản liên tục. Nguồn nước trong các bể được anh dẫn trực tiếp từ sông Hậu vào ao lắng để sử dụng. Nhờ nguồn nước tự nhiên, cá phát triển khỏe mạnh, ít hao hụt và tiết kiệm được chi phí.
Vào thời điểm chuyển mùa giữa mùa nắng và mùa mưa, cá dễ bị bệnh nên người nuôi cần thường xuyên kiểm tra để tách riêng cá bệnh. Mỗi ngày cho cá ăn 2 cữ bằng thức ăn viên, riêng cá săn mồi được cho ăn thêm sâu dinh dưỡng và dế.
Riêng về cách nuôi san hô, anh Hoàng cho biết cần phải chọn loại đèn phù hợp, nhiệt độ trong hồ phải ổn định dưới 29 độ C và cung cấp dinh dưỡng đầy đủ để san hô phát triển.
Đánh giá về thị trường, anh Hoàng cho rằng, dư địa ngành cá cảnh còn khá lớn. Tuy nhiên, nguồn cung hiện đang vượt so với nhu cầu. Do đó, để có thể trụ vững với mô hình, các hộ nuôi như anh phải hoạch định được chiến lược rõ ràng. Đầu tư, cập nhật thêm các giống cá cảnh mới, nhất là ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để tiết giảm giá thành, xây dựng thương hiệu riêng cho trang trại.
Cộng với khai thác tối đa ưu thế của mạng xã hội, anh Hoàng chú trọng xây dựng các video clip với nhiều chủ đề khác nhau liên quan đến các dòng cá cảnh, san hô… để quảng bá sản phẩm.
Hiện trang trại của anh Hoàng cung cấp ra thị trường khoảng 300.000 con cá cảnh/năm. Với mức giá dao động từ vài ngàn đồng đến vài triệu đồng mỗi con (tùy giống và kích cỡ), giúp anh thu lãi hơn 30 triệu đồng/tháng.