Ảnh minh họa
Nhóm chuyên gia ở ĐH Harvard và các đồng nghiệp tại một số bệnh viện của Mỹ vừa kết thúc một nghiên cứu dài kỳ, phát hiện thấy phụ nữ uống trên 5 cốc nước giải khát côca trước thời gian mang thai từ 1 tuần trở ra sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường khi mang thai (GDM).
Kết quả trên vừa được công bố trên tạp chí Diabetes Care tháng 12/2009, kéo dài 10 năm, được thực hiện ở 13.475 phụ nữ và phát hiện thấy có 860 trường hợp mắc bệnh GDM. Trong nghiên cứu này người ta có tính đến các yếu tố cấu thành như tiền sử gia đình, lối sống, thói quen ăn uống, tình trạng béo phì, hút thuốc, mức độ vận động thể chất... Kết quả, những người uống 1 suất côca/tháng (một suất tương đương một cốc) so với người uống 5 cốc/tuần thì người dùng 5 cốc tuần có mức rủi ro mắc bệnh GDM cao tới 22%.
Mặc dù nghiên cứu dài tới 10 năm nhưng cơ chế tăng bệnh của đồ uống côca vẫn còn chứa đựng nhiều bí ẩn, song có điều chắc chắn là tiêu thụ quá nhiều đồ uống ngọt sẽ làm tăng phụ tải glycemic load (GL) và làm tăng quá trình hấp thụ đường. Các loại thực phẩm có hàm lượng GL cao còn làm tăng quá trình hưởng ứng đường sau khi ăn và hậu quả gây ra hiện tượng kháng insulin, gây ảnh hưởng đến chức năng của tế bào beta (tế bào beta tuyến tụy làm nhiệm vụ tạo insulin).
Theo tiến sĩ Chen, người đứng đầu nhóm nghiên cứu thì so với các loại đồ uống ngọt khác, côca được xem là thứ đồ uống bất lợi và sự khác biệt giữa độ ngọt đường trong côca với các đồ uống khác, nhất là hoa quả cũng có sự khác biệt mà đến nay khoa học chưa có điều kiện nghiên cứu hết.
Trước nghiên cứu này khoa học đã phát hiện thấy, nếu uống nhiều nước ngọt sẽ là tăng lượng calo đầu vào, là thủ phạm tăng cân, béo phì, làm gia tăng bệnh tiểu đường Type 2 và các loại bệnh chuyển hóa khác như đã từng thấy tại Mỹ, nơi đồ uống ngọt, nhất là côca được xem là phổ biến. Theo một cuộc khảo sát dài kỳ do Bộ y tế Mỹ thực hiện từ năm 1977, tỷ lệ dùng nước giải khát ngọt ở nhóm người trong độ tuổi từ 19-39 tăng từ 4,1% lên 9,8% và nếu tính tỷ lệ thì đồ uống ngọt được xem là thực phẩm được tiêu thụ nhiều nhất ở nhóm người nói trên.
Bệnh tiểu đường khi mang thai hay còn gọi là tiểu đường thai kỳ GDM (Gestational diabetes mellitus) được xác định bằng quá trình không dung nạp đường (glucose) ngay từ khi bắt đầu mang thai và được xem là biến chứng nan y nhất trong khi mang thai ở phụ nữ. Với kết quả trên, giới chuyên môn khuyến cáo phụ nữ, nhất là nhóm người có tiền sử mắc GDM, sức khỏe yếu khi mang thai hoặc trẻ được sinh ra từ bà mẹ mắc bệnh GDM... thì nên hạn chế dùng các loại đồ ngọt, nước giải khát ngọt, nước tăng lực, côca... để hạn chế nguy cơ mắc bệnh khi mang thai, bệnh béo phì và tiểu đường khi trưởng thành ở trẻ em.