BS Trương Dương Tiển, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Khu D (Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM) cho hay, thời gian gần đây bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân đái tháo đường bị toan chuyển hóa lactic (nồng độ acid lactic trong máu vượt mức bình thường) dẫn đến nguy kịch do sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc.
Như trường hợp ông Đ.H.L (65 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) bị bệnh đái tháo đường type 2 gần 20 năm. Bốn năm gần đây, ông được người hàng xóm mách đi bốc thuốc nam "gia truyền" của một thầy lang tại An Giang để điều trị. Tuy nhiên, khi mới vui mừng vì đường huyết ổn định mà không cần phải kiêng khem như trước đây chưa được lâu, thì ông L. rơi vào tình trạng chán ăn, mệt mỏi, ngất xỉu.
Ông được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp điều trị. Tuy nhiên, sau vài ngày điều trị bệnh viện trả về vì diễn tiến bệnh nặng. Lúc này, gia đình quyết định chuyển ông L. lên Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ông L. được xác định nhiễm toan lactic nặng, tổn thương đa cơ quan, suy thận, suy hô hấp, hoại tử da. Sau gần 1 tuần lọc máu liên tục, hỗ trợ thở máy, ông L. đã qua cơn nguy kịch và tiếp tục được điều trị tích cực.
Tương tự, chị C.T.H (41 tuổi, ngụ tỉnh Long An) đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu sau 6 năm uống thuốc đông y gia truyền để điều trị đái tháo đường.
6 tháng trước, chị H. đi kiểm tra sức khỏe và được bác sỹ khuyên ngưng dùng thuốc đông y không rõ nguồn gốc vì dùng lâu sẽ hư thận. Tuy nhiên, chị H. vẫn tiếp tục uống. Hai tháng trở lại đây, chị H. sụt cân, mệt mỏi và được gia đình đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, các bác sỹ nhận định chị bị ngộ độc hoạt chất phenphormin có trong thuốc trị tiểu đường.
Theo BS Trương Dương Tiển, đây không phải là những trường hợp cá biệt bệnh nhân tiểu đường phải nhập viện cấp cứu vì sử dụng thuốc nam. Trong những năm gần đây, việc sử dụng thuốc nam trị tiểu đường ngày càng phổ biến tại Việt Nam vì nó hiệu quả trong việc kiểm soát đường huyết, bên cạnh đó loại thuốc này dễ mua ở các tiệm thuốc đông y, các chùa có bán thuốc đông y gia truyền và đặc biệt rất rẻ tiền.
Dẫn chứng, BS Tiển cho biết, chỉ tính từ năm 2018 đến nay, BV Chợ Rẫy tiếp nhận hàng chục trường hợp bệnh nhân tương tự. Các bệnh nhân đều từ tuyến dưới chuyển lên và trong tình trạng nguy kịch, phải liên tục lọc máu mới có thể giữ được tính mạng.
“Thuốc nam mà bệnh nhân đái tháo đường thường sử dụng được bào chế dưới dạng viên nhiều màu khác nhau như hồng, vàng, nâu, xanh lá tùy theo mức độ đường huyết trong máu của người bệnh. Các loại thuốc này do các thầy lang vườn tự pha chế hoặc nhập từ Trung Quốc và chủ yếu có pha chế thêm các hoạt chất như phenformi, metformin, biguanides - đây là những hoạt chất kiểm soát đường huyết tốt nhưng đã bị cấm sử dụng vì tỷ lệ biến chứng nhiễm acid lactic quá cao. Vì vậy, khi sử dụng trong thời gian dài, người bệnh có triệu chứng buồn nôn, ói, chán ăn… khiến rơi vào tình trạng ngộ độc phenphormin hoặc metformin, biguanides gây toan máu và tăng lactate máu”, BS Tiển cho hay.
Theo BS Tiển, người bị bệnh đái tháo đường cần thăm khám định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sỹ và không nên tin vào các loại thuốc truyền miệng không rõ nguồn gốc hoặc các loại thực phẩm chức năng… gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng.