Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham quan gian hàng chè tại hội nghị NTM toàn quốc tổ chức tại tỉnh Lai Châu ngày 6/12/2018 |
Từ năm 2011 trở lại đây, để vực lại thương hiệu, tỉnh Lai Châu đã liên tục xây dựng 2 đề án nối tiếp là “Phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao” tới năm 2021.
Cú hích cho chè Lai Châu
Theo ông Hà Văn Um, GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Lai Châu, nhiều năm nay, địa phương vẫn xác định chè là cây trồng chủ lực, là loại cây xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho người dân.
Người dân liên kết với các doanh nghiệp trồng chè chất lượng cao |
Năm 2018, tổng diện tích chè trên địa bàn tỉnh Lai Châu ước đạt 6.183 ha. Trong đó, diện tích chè kinh doanh là 3.377 ha. Sản lượng chè búp tươi ước đạt 28.000 tấn. Cũng trong năm 2018 này, Lai châu trồng mới được 1.154 ha chè, vượt gần 54% kế hoạch đề ra đầu năm. Trong đó, chè giâm cành 970,2 ha và 184,5 ha chè trồng hạt.
Cú hích lớn nhất cho kết quả này có lẽ xuất phát từ đề án “Phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao giai đoạn 2011 – 2015” và sau đó là giai đoạn 2015 – 2021 do tỉnh Lai Châu ban hành.
Nhờ có đề án, tất cả các vùng chè của Lai Châu đều được đẩy mạnh thâm canh, cải tạo năng suất. Nếu như năm 2010, sản lượng chè toàn tỉnh Lai Châu chỉ đạt 17.000 tấn thì tới nay đã đạt con số 28.000 tấn. Nhờ áp dụng nhiều công nghệ, dây chuyền chế biến, sản lượng chè khô của tỉnh này cũng tăng lên đáng kể.
Từ nay tới 2021, tỉnh Lai Châu tiếp tục đầu tư, thực hiện dự án tại nhiều huyện như Tam Đường, Than Uyên, Tân Uyên, Sìn Hồ và một ít ngay tại thành phố Lai Châu. Trong đó, vùng đầu tư trọng điểm được xác định ngay từ đầu là huyện Tam Đường.
Tại huyện Tam Đường, vùng nguyên liệu chủ yếu do Cty CP đầu tư phát triển chè Tam Đường (Cty chè Tam Đường) đầu tư và quản lý. Bà Nguyễn Thị Loan, GĐ doanh nghiệp này cho biết, đơn vị có lịch sử trồng chè từ rất nhiều năm trước khi đề án ra đời. Và đương nhiên, doanh nghiệp có trách nhiệm đồng hành cùng đề án, chung tay giúp người dân phát triển kinh tế.
Bên trong nhà máy chế biến chè tại Tam Đường |
Năm 2018, sản lượng chè Tam Đường đạt trên 2.000 tấn. Bà Loan cho biết, có tới 95% lượng chè kể trên được doanh nghiệp này xuất khẩu đi các nước Trung đông, Đài Loan, Trung Quốc. Lượng tiêu thụ trong nước chỉ đạt 5%. Thời gian tới, doanh nghiệp dự tính sẽ chú trọng hơn thị trường trong nước, quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn tới người dân. |
Cty chè Tam Đường đã tổ chức SX, liên kết với trên 3.000 hộ nông dân bản địa. Số nhân lực tham gia và hưởng lợi ích kinh tế trong chuỗi liên kết này lên tới cả vạn người. Riêng số cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp này là trên 200 người. Theo bà Loan, số cán bộ này chủ yếu là dân kỹ thuật, luôn được “tung” về các thôn, bản bám nắm địa bàn, ăn ngủ, cùng người dân trồng chè.
Theo đề án, tỉnh Lai Châu đứng ra hỗ trợ 100% giống và thuốc BVTV cho người dân trong 1 năm đầu. Từ năm thứ 2, các doanh nghiệp tự phối hợp cung cấp vật tư cho người dân trên vùng nguyên liệu của mình. Từ năm thứ 4 thì doanh nghiệp phải đứng ra bao tiêu sản phẩm cho người dân. “Ngoài ra, theo đề án tỉnh cũng có chế tài dành cho các doanh nghiệp. Đó là các doanh nghiệp không được xây dựng nhà máy chế biến chồng lên vùng nguyên liệu của nhau. Điều này giúp các doanh nghiệp tránh được sự mâu thuẫn, đồng thời kiểm soát được chất lượng sản phẩm đầu vào cũng như đầu ra cho cây chè”, bà Loan cho biết.
Coi mỗi người dân là một đối tác
Bên cạnh những thuận lợi, đại diện Cty chè Tam Đường cho biết, hiện tại và trước mắt cũng còn nhiều khó khăn cần phải giải quyết. Về mặt tài chính, do phải cung ứng vật tư cho người dân không tính lãi trong nhiều năm, các doanh nghiệp đang phải tìm đủ mọi cách cân đối tài chính. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến cũng phải được tính toán kỹ lưỡng, hiệu quả.
Sản phẩm trà ướp hoa nhài của Cty chè Tam Đường |
Bàn về câu chuyện thương hiệu cho chè Lai Châu nói chung, Tam Đường nói riêng, theo bà Loan, có 3 yếu tố quyết định đó là: Sạch + Đa dạng sản phẩm + Giá cả hợp lý. Để làm được điều này, theo bà Loan, doanh nghiệp phải coi mỗi người dân là một đối tác kinh doanh. Từ đó, ngay trong việc SX, mỗi người đã phải có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, hướng tới nền nông nghiệp bền vững.
Hiện nay, chè Tam Đường đang hướng tới các phương thức SXNN sạch hữu cơ (Organic) với diện tích 28 ha. Tới đây sẽ được chứng nhận phần mềm hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Doanh nghiệp này cũng đã và đang tự SX các loại phân bón vi sinh, đưa vào vùng nguyên liệu sạch của mình. Chè Tam Đường cũng bắt nhịp thị trường, đưa ra hàng chục loại sản phẩm khác nhau như chè Kim Tuyên, Sencha, Matcha, Đông phương mỹ nhân, Ô long xanh, đen….
Từ năm 2014, Cty chè Tam Đường đã đầu tư một số nhà máy, cơ sở chế biến để phục vụ khâu sau thu hoạch của vùng chè Tam Đường. Tới nay, vùng nguyên liệu của Cty chè Tam Đường đạt 2.800 ha, chiếm 48% tổng diện tích chè của tỉnh Lai Châu. Theo bà Loan, khi kết thúc đề án vào năm 2021, diện tích này sẽ tăng lên thành hơn 3.000 ha. |