| Hotline: 0983.970.780

Làm gì để không phải 'giải cứu' nông sản khi tình huống bất ngờ?

Thứ Ba 02/03/2021 , 10:21 (GMT+7)

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều mặt hàng nông sản tiêu thụ chậm, giá giảm. Cá biệt, có một số địa phương cần 'giải cứu'. Làm gì để giảm thiểu tình trạng này?

Vựa rau lớn nhất Hà Nội "không cần giải cứu"

Vừa nhặt những bó rau cải đã già và có phần ngả màu vàng úa đặt vào túi nilon rồi đem đi cân, chị Đỗ Thị D. (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội) vừa than thở: Tất cả là tại cái "con Covid" nên bây giờ người nông dân chúng tôi mới phải khổ như này. Rau rẻ như cho, để thối ngoài đồng cũng chả ai đến mua giúp.

Nhà chị D. có 1,5 mẫu ruộng trồng súp lơ, mướp đắng và cải bẹ Đông Dư. Mọi năm cứ sau Tết Nguyên đán, nhu cầu rau sạch của người dân Thủ đô tăng cao, cánh đồng rau nhà chị lúc nào cũng tấp nập thương lái đến thu mua. Giá rau trung bình rơi vào khoảng 4.000 - 5.000đ/kg.

Thế nhưng năm nay lại khác. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nhà hàng phải tạm nghỉ, học sinh phải nghỉ học nên các bếp ăn tập thể cũng theo đó mà đóng cửa. Giá rau rơi rớt thảm hại xuống mức 1.000 - 2.000đ/kg.

Năm nay, người dân trồng rau ở xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, Hà Nội) gặp khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: Phạm Hiếu.

Năm nay, người dân trồng rau ở xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, Hà Nội) gặp khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cho đến thời điểm hiện tại, gia đình chị Đỗ Thị D. đã phải vứt bỏ 3 sào rau vì nhiều lí do. Lý do sâu bệnh thì ít mà do giá rẻ, không bán được thì nhiều. Mất đi nguồn tiêu thụ chính, người nông dân tại vựa rau lớn nhất nhì Thủ đô Hà Nội rơi vào cảnh rau màu thì được mùa mà vẫn phải đứt ruột đổ đi.

Cũng rơi vào hoàn cảnh éo le như chị D., gia đình bà Phạm Thị L. có 6 sào ruộng trồng su hào, cà chua, các loại rau sống và cải bẹ Đông Dư. Dù đa dạng các loại rau như thế, nhưng bà L. cho biết loại nào cũng ế ẩm, không ai mua cả.

“So với năm ngoái thì năm nay sức tiêu thụ rau tại Tráng Việt kém hơn nhiều. Nhất là vào khoảng thời gian thành phố Hà Nội bùng phát dịch bệnh Covid-19, các thương lái họ ngại, không dám đi lại, mua bán gì. Chưa kể các nhà hàng, trường học đóng cửa nên nhu cầu ít đi”, người nông dân chia sẻ.

Theo báo cáo của UBND xã Tráng Việt, tổng diện tích trồng rau an toàn trên địa bàn xã là 140 ha. Trong đó 65 ha trồng củ cải trắng, 60 ha trồng rau ăn lá, 10 ha trồng cà chua và 10 ha trồng các loại rau khác. Năm 2021, tổng sản lượng rau củ dự kiến là 1.800 tấn.

Trong 5 ngày vừa qua, tổng lượng rau củ quả tiêu thụ là 564 tấn. Trong đó có 523 tấn rau củ và 41 tấn cà chua. Dự báo số lượng rau củ quả còn lại là 1.477 tấn.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Đàm Văn Thìn, Phó Chủ tịch UBND xã Tráng Việt, cho biết đến thời điểm hiện tại, nông sản của địa phương vẫn được tiêu thụ tốt. Chỉ có điều giá cả bị giảm so với những năm trước vì 3 lí do. Thứ nhất là vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thứ hai là vì năm nay thời tiết thuận lợi, rau màu phát triển nhanh. Thứ ba là giao thương chưa được thuận lợi.

“Giá nông sản có thấp nhưng cũng không đến nỗi là bị vứt đi, không phải như vùng dịch Hải Dương phải bỏ trắng cả cánh đồng. Người nông dân trừ hết chi phí đầu tư thì vẫn có lãi, chỉ là lãi không cao thôi”, ông Đàm Văn Thìn thông tin.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Tráng Việt, nếu nói nông sản bị bỏ đi và người nông dân kêu gọi "giải cứu" là không đúng. Người nông dân sản xuất ra nông sản sẽ có xác suất xuất hiện những sản phẩm không đủ chất lượng để đưa ra thị trường thì sẽ phải loại bỏ. Trong một ruộng rau màu, cho dù có sản xuất tốt đến đâu cũng sẽ có những phần bị hỏng, phải bỏ đi. Thế nên việc nông sản bị loại bỏ không phải là do giá rẻ, loại bỏ là do chất lượng không đạt yêu cầu.

“Trong thời điểm hiện tại, nông sản tại xã Tráng Việt tiêu thụ chậm, các địa phương chung tay giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm chứ không phải là giải cứu nông sản”, ông Đàm Văn Thìn nói.

Phải liên kết lại để sản xuất theo chuỗi

Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội cho biết, trước và sau Tết Nguyên đán, Sở NN-PTNT Hà Nội đã phối hợp cùng các địa phương và cơ quan chuyên môn chủ động tiến hành rà soát, kiểm tra nhiều vùng trồng rau chuyên canh, trọng điểm của Thủ đô và nhận thấy bà con vẫn tiêu thụ được, tất nhiên là có bị chậm và giá giảm mạnh.

"Đúng là có một số vùng rau của Mê Linh, Hoài Đức bị ảnh hưởng khi tình trạng chung của thị trường gặp khó khăn và giá quá rẻ. Tuy nhiên, bình thường hàng năm dịp tết nhiều mặt hàng rau liên quan tới thời vụ giá cũng vẫn giảm, nhưng năm nay do ảnh hưởng của Covid-19 nên giá giảm sâu hơn, thời gian giảm dài hơn khiến vài hộ dân bị thiệt hại, gặp khó khăn trong tiêu thụ, nhưng so với tổng diện tích số lượng bị thiệt hại chiếm diện tích rất nhỏ", ông Tường nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường. Ảnh: Ánh Ngọc.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường. Ảnh: Ánh Ngọc.

Ngay sau đó, Sở NN-PTNT Hà Nội đã phối hợp với một số doanh nghiệp và Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phổ Hà Nội tổ chức hỗ trợ bao tiêu cho những hộ dân thực sự gặp khó khăn sản lượng hàng chục tấn.

Nhưng đâu đó vẫn còn sót một vài ruộng rau do quá lứa, chất lượng không đảm bảo, trong khi chi phí bán không đủ bù đắp thuê nhân công thu hoạch nên người dân chọn giải pháp hủy bỏ để giải phóng đất trồng lứa mới.

Ông Tạ Văn Tường cho biết, Hà Nội hiện quy hoạch tới gần 5.000ha rau an toàn, qua rà soát ngành nông nghiệp nhận thấy những vùng rau gặp khó khăn trong tiêu thụ, đa phần do sản xuất chưa theo chuỗi, không có mối liên kết, bán chủ yếu thông qua thương lái nên khi việc lưu thông, vận chuyển chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 không kịp trở tay, do không có phương án thay thế, dự phòng.

Để giải quyết căn cơ câu chuyện này, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tạ Văn Tường cho rằng, không còn cách nào khác nông dân buộc phải liên kết lại với nhau thành hợp tác xã để sản xuất theo chuỗi, sản xuất theo đơn đặt hàng và một phần phải có phương án chế biến sâu.

Thời gian qua, Sở NN-PTNT Hà Nội đã tham mưu với thành phố ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia lĩnh vực chế biến sâu, song thực tế trên địa bàn Hà Nội, việc thu hút các doanh nghiệp vẫn khó khăn hơn các tỉnh, thành khác.

Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT Hà Nội phối hợp với các huyện, thị xã tích cực triển khai thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn và Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND của HĐND TP. Hà Nội về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn.

Cần tiếp tục chuyên canh sâu hơn nữa

Theo Cục trồng trọt (Bộ NN-PTNT), tổng diện tích vụ đông tại miền Bắc năm nay đạt xấp xỉ 400.000ha, trong đó riêng diện tích rau 200.000ha, không có biến động so cùng kỳ những năm trước.

Cục trưởng Cục trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết, với diện tích như trên, sản lượng năm nay vào khoảng 3,5 - 3,7 triệu tấn. Nhìn chung, ngay từ thời điểm Tết Dương lịch bà con nông dân ở miền Bắc đã kết thúc vụ đông và đa phần các địa phương đều đánh giá vụ đông năm nay thắng lợi cả về năng suất và về giá trị.

Cục trưởng Cục trồng trọt Nguyễn Như Cường. Ảnh: Tùng Đinh.

Cục trưởng Cục trồng trọt Nguyễn Như Cường. Ảnh: Tùng Đinh.

Tuy nhiên, đúng là còn một số diện tích rau vụ đông muộn và rau vụ xuân tại những vùng chuyên canh rau xảy ra hiện tượng ế cục bộ, nhất là từ khi xuất hiện thông tin dịch Covid-19 tái bùng phát tại Hải Dương và Quảng Ninh.

Nguyên nhân ế thừa cục bộ, ông Nguyễn Như Cường khẳng định không phải do sản xuất quá nhiều, sản xuất dư thừa mà chủ yếu do ách tắc giao thông, vận chuyển, giãn cách, do các nhà hàng, quán ăn, trường học đóng cửa đột ngột do dịch bệnh khiến cung, cầu tại một số vùng rau bị xáo trộn dẫn tới việc phải “giải cứu”.

Về tổng thể, trong một vụ bà con nông dân trồng 2 - 3 lứa rau thì chỉ có lứa cuối cùng là thiệt hại do giá rẻ và bán chậm, còn lại đa phần lứa đầu tiên và lứa thứ hai bà con vẫn tiêu thụ được giá rất tốt, bởi các mặt hàng rau ăn lá, rau vụ đông chỉ 35 - 40 ngày đã cho thu hoạch.

Theo ông Cường, đa phần các vùng rau chuyên canh bà con nông dân đã có những mối tiêu thụ quen và khá chuyên nghiệp nhưng gặp dịch bệnh là nguyên nhân khách quan nên đúng là một số nơi có bị thiệt hại.

Do đó, ông Cường cho rằng, để tương lai không còn phải giải cứu nông sản khi gặp những tình huống bất ngờ như vừa qua cần phải tiếp tục chuyên canh sâu hơn nữa.

Đặc biệt, cần liên kết hình thành các hợp tác xã thu mua, chế biến, tiêu thụ cũng như hình thành các vùng hàng hóa tập trung với diện tích đủ lớn mới có thể thu hút được doanh nghiệp, thương lái tới ký hợp đồng bao tiêu, thu mua, chứ một vài hộ sản xuất đơn lẻ không thể trở thành vùng hàng hóa được.

“Bà con nông dân cố gắng mỗi năm tăng phần diện tích sản xuất có hợp đồng lên và giảm diện tích sản xuất tự phát bán cho thương lái xuống. Giờ lĩnh vực nào của Việt Nam cũng cơ bản vận hành theo cơ chế thị trường rồi nên chúng ta phải có mối liên kết, có hợp đồng với nhau mới sản xuất bền vững, hiệu quả được”, ông Nguyễn Như Cường cho hay.

Xem thêm
Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Yến Sào Khánh Hòa lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia

Công ty Yến Sào Khánh Hòa vinh dự lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia và là doanh nghiệp duy nhất của Khánh Hòa đạt được kết quả này trong năm 2024.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...

Thu ngân sách Nhà nước gần 1,45 triệu tỷ đồng, tăng 17,9%

Sau 9 tháng, lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.448,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,1% dự toán năm và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái...