Các sản phẩm được chấp thuận, gồm thịt gia cầm đã qua chế biến nhiệt (của Công ty CPV Food Co LTd và Công ty MeatDeli HN Company Ltd); trứng gia cầm và thịt (không bao gồm thịt bò) đóng hộp, tiệt trùng ở nhiệt độ cao và áp suất cao theo khuyến nghị của Cục Chăn nuôi và Thú y.
Cơ quan quản lý thực phẩm Singapore (SFA) đã có văn bản chính thức chấp thuận mở cửa thị trường nhập khẩu những mặt hàng này từ 11/3, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại nông nghiệp giữa hai quốc gia.

Trứng và thịt gia cầm Việt Nam sẽ được xuất khẩu sang Singapore.
Năm 2024, Singapore nhập khẩu khoảng 2,88 tỷ USD các mặt hàng thịt và trứng gia cầm. Trong đó, giá trị các mặt hàng thịt tươi sống, giữ mát hoặc đông lạnh là hơn 1,25 tỷ USD; giá trị các mặt hàng thịt đã qua chế biến là 160 triệu USD và giá trị các mặt hàng trứng gia cầm là hơn 194 triệu USD.
Singapore là quốc gia nhập khẩu tới hơn 90% thực phẩm tiêu thụ, cũng là một trong những thị trường có tiêu chuẩn vệ sinh và kiểm dịch động thực vật nghiêm ngặt.
Tất cả thực phẩm nhập khẩu phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA).
Ngoài ra, các nhà nhập khẩu thực phẩm phải được Singapore cấp phép. Tất cả lô hàng nhập khẩu phải được khai báo và kèm theo giấy phép nhập khẩu hợp lệ.
Để được chấp thuận xuất khẩu thịt gia cầm và trứng sang Singapore, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cùng các Bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan đã phối hợp chặt chẽ với SFA, nhằm tiến hành các cuộc khảo sát, kiểm định, đánh giá thực địa và trực tuyến theo đúng quy định.
Thành công này là minh chứng cho thấy các sản phẩm chăn nuôi nói riêng, sản phẩm nông sản nói chung của Việt Nam có khả năng và tiềm năng lớn trong việc chinh phục các thị trường khó tính.
Bộ Công Thương đánh giá, đây là một dấu mốc có ý nghĩa đối với ngành chăn nuôi, là tiền đề quan trọng không chỉ đối với các doanh nghiệp được cấp phép lần này mà còn là bước đệm để các doanh nghiệp khác có thể thâm nhập thị trường Singapore - một thị trường có các quy định, tiêu chuẩn hết sức nghiêm ngặt.
Bên cạnh đó, việc được xuất khẩu chính thức sang Singapore cũng đặt ra những thách thức với các doanh nghiệp trong việc kiểm soát, duy trì chất lượng, sản lượng ổn định để giữ vững chỗ đứng trên thị trường nhiều đối thủ cạnh tranh.
Năm 2024, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đạt hơn 533 triệu USD, tăng 6,5% so với năm 2023. Việc Singapore mở cửa thị trường đối với một số sản phẩm thịt và trứng được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam.
Singapore là trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn thứ hai trên thế giới, do đó, việc xuất khẩu sang thị trường Singapore cũng là bước đà để các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam tiếp cận thị trường, mở rộng chuỗi cung ứng tới các nước khác trong khu vực và trên thế giới.
Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào công nghệ, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, thường xuyên cập nhật các tiêu chuẩn của Singapore, đẩy mạnh xúc tiến ngành hàng và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý để duy trì uy tín trên thị trường quốc tế.