| Hotline: 0983.970.780

Làm giàu cùng chăn nuôi: [Bài 3] - Mô hình cây, con 'nương tựa lẫn nhau'

Thứ Năm 07/04/2022 , 11:59 (GMT+7)

Lấy lá keo từ hàng ngàn trụ tiêu làm thức ăn cho dê, ngược lại phân dê thải ra bón cho toàn bộ vườn tiêu, trái cây giúp anh Nam luôn thu lợi nhuận tốt.

Không chỉ vậy, nhờ dùng phân dê ủ vi sinh, tiêu, sầu riêng phát triển tốt hơn, dê thương phẩm cũng cho chất lượng cao hơn nhờ không dùng thức ăn công nghiệp.

Đó là mô hình “cây - con” giảm chi phí của gia đình anh Bùi Văn Nam, sinh năm 1966, Giám đốc HTX nuôi dê sinh sản Lộc Hoà, ở ấp 6, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, Bình Phước.

Anh Bùi Văn Nam bên chuồng dê sinh sản. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Anh Bùi Văn Nam bên chuồng dê sinh sản. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Mặc dù là điển hình nông dân sản xuất giỏi ở Lộc Hòa, nhưng khi tôi ngỏ ý gặp, anh Nam ngần ngại từ chối. Anh nói: “Ở đây nhiều người làm giỏi hơn nhiều, tôi có gì đâu mà gặp”. Tuy nhiên, sau khi được thuyết phục, anh miễn cưỡng đồng ý.

Cơ ngơi khá bề thế của gia đình anh Nam ở ấp 6, xã Lộc Hòa, ẩn mình trong những vườn tiêu, sầu riêng, bưởi… sum xuê. Phía sau nhà là những dãy chuồng sàn cách mặt đất hơn 1 mét. Bên trong hàng chục con dê các loại đang ngóng cổ ra ngoài khi thấy ông chủ đến. Anh Nam cho biết, đàn dê được phân từng khu chuồng khác nhau, dành cho dê thương phẩm, dê mẹ đang cho con bú và dê con vừa dứt sữa.

Với thâm niên gần 20 năm nuôi dê, anh Nam khá rành về đặc điểm các giống dê. Ban đầu, anh nuôi giống dê Bách Thảo thuần. Giống dê bách thảo có ưu điểm là dễ chăm, ít bệnh, nhanh đẻ, sau khi sinh 1 tháng là có thể mang bầu tiếp. Nhưng nhược điểm là nhỏ con, ít thịt, tỷ lệ hao hụt sau khi mổ tương đối nhiều. Sau khi giống dê Boer Úc du nhập vào Việt nam, anh cũng nuôi thử và nhận thấy giống này có nhiều ưu điểm hơn so với dê bách thảo, như tăng trưởng nhanh, trọng lượng lớn nên nhiều thịt, ít hao hụt hơn dê bách thảo, giá bán cao. Tuy nhiên, giống này cũng có nhược điểm là 2 tháng sau sinh mới mang bầu tiếp, nghĩa là 2 năm mới được 3 lứa, so với 1 năm 2 lứa như dê bách thảo thì sản lượng giảm 1 phần.

Giống dê anh Nam nuôi là Boer lai bách thảo với nhiều ưu điểm. Đặc biệt, giống dê không chỉ có khuôn mặt 'dễ thương', mà còn khá thân thiện. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Giống dê anh Nam nuôi là Boer lai bách thảo với nhiều ưu điểm. Đặc biệt, giống dê không chỉ có khuôn mặt "dễ thương", mà còn khá thân thiện. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Sau khi tìm hiểu từ nhiều nguồn tài liệu, anh Nam đầu tư thêm chuồng trại, nuôi giống dê lai giữa Boer và bách thảo sinh sản. Giống dê Boer lai bách thảo hội tụ được các ưu điểm của bách thảo và boer. “Khi lai 2 giống này với nhau, dê có trọng lượng tốt hơn dê bách thảo thuần, vẫn đảm bảo 1 năm 2 lứa. Dê lai thương phẩm cũng phát triển nhanh hơn, trọng lượng chênh lệch khoảng 2 kg/tháng”, anh Nam nói.

Theo anh Nam, dê boer có nguồn gốc từ Nam Phi, sau đó nhập vào Úc trước khi du nhập đi nhiều nước, nên được gọi là dê boer Úc. Nếu nuôi dê boer thuần cũng được, nhưng cầu lưu ý tránh mua dê giống boer có nguồn gốc Thái Lan vì hiệu quả kém hơn. “Đặc điểm ngoại hình giữa 2 giống dê boer Úc và Thái khá giống nhau, nên người chưa có kinh nghiệm chọn giống rất dễ nhầm. Dê boer Úc có cơ bắp chắc, dày mình, chân to, tai nhỏ, sừng cúp về sau và chỉ có 2 màu chủ đạo… Còn dê Thái có chân nhỏ, khớp gối to, dáng cao, mỏng mình nhẹ kí, màu lem luốc, tai mỏng và dài quá miệng, sừng ko quắp về sau. Dê Thái ăn kém, sức đề kháng thấp, tốc độ sinh trưởng chậm…”, anh Nam phân tích.

Anh Nam cho biết, chăm dê sinh sản vất vả hơn dê thương phẩm. Đặc biệt, đôi khi có dê mẹ sinh xong không biết cho con bú, nên phải 'hướng dẫn' dê mẹ một thời gian. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Anh Nam cho biết, chăm dê sinh sản vất vả hơn dê thương phẩm. Đặc biệt, đôi khi có dê mẹ sinh xong không biết cho con bú, nên phải "hướng dẫn" dê mẹ một thời gian. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Nói về quy trình chăn nuôi dê sinh sản, anh Nam cho biết, về kỹ thuật cũng không có gì đặc biệt, chỉ có điều chăm dê sinh sản vất vả hơn dê thương phẩm. “mấy ngày đầu mình phải thăm nom liên tục, xem dê mẹ có bị tắc sữa không, nếu tắc mình phải vắt cho thông. Ngoài ra, một số dê mẹ đẻ xong không cho con bú. Lúc này mình phải giữ mẹ lại, ép cho con bú, vài ngày sau dê mẹ mới quen. Mà không phải dê đẻ lần đầu mới vậy, có con đẻ mấy lần đầu nuôi con rất tốt, cho bú bình thường, nhưng đến lần kế tiếp lại không cho con bú. Ngoài ra, dê mới sinh cũng thường bị một số bệnh về phổi, đường ruột”, anh Nam nói.

Không chỉ sản xuất giỏi, từ lâu anh Bùi Văn Nam còn luôn nghĩ đến việc đa dạng cây con nuôi trồng, không “chạy theo phong trào”, thấy loại cây, con gì “hot” là đổ xô nuôi, trồng theo, rồi sau đó lại ngậm ngùi than thở vì bán không ai mua, hoặc giá rớt thê thảm. Chính vì thế, trên quy mô hơn 3ha đất của gia đình, anh chia từng phần để nuôi, trồng nhiều loại.

Lượng phân từ đàn dê hơn 200 con thải ra dư dùng cho vườn nhà, anh Nam còn bán bớt. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Lượng phân từ đàn dê hơn 200 con thải ra dư dùng cho vườn nhà, anh Nam còn bán bớt. Ảnh: Hồng Thuỷ.

“Cây tiêu nó là thương hiệu của Lộc Ninh rồi, từng giúp nhiều gia đình đổi đời, nhưng vẫn có lúc nó rớt giá thê thảm, đẩy nhiều gia đình đến cảnh trắng tay. Nên tôi cũng trồng, nhưng không trồng hết diện tích, mà dành ra trồng thêm nhiều loại cây khác như bưởi, sầu riêng, chăn nuôi gia cầm, dê. Ban đầu đàn dê ít, có vài chục con, nhưng khi trụ tiêu phát triển nhiều, dê ăn không hết, nên tôi tăng đàn dần. Cũng có lúc giá dê rớt xuống còn dưới 100 ngàn đồng/kg. Nhưng không đến mức lỗ, vì mình tận dụng nguồn thực phẩm có sẵn, nên đầu tư ít. Cây, con, mỗi thứ bù qua bù lại một ít, cuối cùng vẫn có lãi, dù giá mọi thứ đều rớt”, anh Nam phân tích.

Hiện nay, tổng đàn dê của gia đình anh Nam hơn 200 con, nhưng chi phí không đáng kể, vì phần lớn thức ăn có sẵn trong vườn. Đó là hơn 2000 trụ tiêu và 1,5ha cỏ voi. Ngược lại, chi phí cho vườn tiêu, sầu riêng cũng không nhiều, bởi anh Nam cho biết, bình quân mỗi tháng anh hốt tới 150 bao phân dê, mỗi bao hơn 30kg. Anh sử dụng không hết, còn bán ra ngoài kiếm thêm.

Anh Bùi Văn Nam: 'dê ăn lá trụ tiêu, còn tiêu 'ăn' phân dê. Nhờ vậy mà chi phí giảm khá nhiều'. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Anh Bùi Văn Nam: "dê ăn lá trụ tiêu, còn tiêu "ăn" phân dê. Nhờ vậy mà chi phí giảm khá nhiều". Ảnh: Hồng Thuỷ.

Năm 2020, với mong muốn hỗ trợ để có thêm nhiều hộ trong xã tăng thu nhập, anh Nam đã xin phép chính quyền xã Lộc Hòa thành lập HTX nuôi dê sinh sản với 9 thành viên, vốn điều lệ 900 triệu đồng. “Sau 2 năm thành lập, HTX đang trên đà phát triển. Đàn dê tăng lên 800 con, nhiều hơn gần gấp đôi so với lúc mới thành lập. Ngoài ra, các thành viên cũng hỗ trợ nhau nhiều thứ, ví dụ chia sẻ với nhau những kinh nghiệm chăm sóc dê sinh sản, nguồn đầu ra, giúp nhau vay vốn… "Hiện nay, nhiều hộ muốn tham gia HTX, nhưng chúng tôi nghĩ để thêm một thời gian nữa, khi HTX ổn định hơn sẽ mời các hộ vào”, anh Nam cho biết.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.