| Hotline: 0983.970.780

Làm giàu cùng chăn nuôi: [Bài 2] - Kiên trì nuôi heo an toàn sinh học

Thứ Tư 06/04/2022 , 10:34 (GMT+7)

Đó là mô hình nuôi heo theo quy trình VietGAHP của ông Phùng Văn Bảo, 50 tuổi, ở phường An Lộc, thị xã Bình Long, Bình Phước, người có thâm niên 27 năm nuôi heo.

Trang trại của ông Bảo hiện đang nuôi hơn 500 con heo, gồm 60 heo nái, 5 heo nọc, còn lại là heo thương phẩm. Ngoài ra, ông Bảo còn có cửa hàng “Cung ứng thịt heo an toàn sinh học từ trang trại đến người tiêu dùng” tại chợ Bình Long.

Ông Bảo kể, ngày xưa khi mới nuôi heo ông vẫn nuôi theo lối truyền thống, nhiều rủi ro. Năm 2012, tổ hợp tác chăn nuôi heo An Phát (nay là HTX TMDV Nông nghiệp An Phát) thành lập, ông đăng ký tham gia để học hỏi thêm kinh nghiệm, nhờ vậy, ông bắt đầu thay đổi tư duy chăn nuôi heo theo phương thức mới và cách làm mới.

Đàn heo của ông Phùng Văn Bảo chủ yếu dùng cám sinh học tự trộn, heo mập tròn, thịt thơm ngon hơn heo nuôi cám bao. 

Đàn heo của ông Phùng Văn Bảo chủ yếu dùng cám sinh học tự trộn, heo mập tròn, thịt thơm ngon hơn heo nuôi cám bao. 

Đầu năm 2014, ông dành toàn bộ số vốn tích luỹ được, vay thêm người thân, ngân hàng để đầu tư, nâng quy mô đàn nái, đồng bộ từ chuồng trại, chia thành các khu: Chuồng lồng cho heo hậu bị, chuồng sàn cho heo nái, chuồng úm heo con, chuồng nền cho heo thịt. Hệ thống cho ăn cho uống tự động, kho chứa thức ăn, nhà ở của công nhân, tủ thuốc thú y, tủ bảo quản vắc xin, hệ thống Biogas xử lý chất thải, cổng, tường rào.

Đến năm 2017, qua tư vấn của ngành Khuyến nông và Chi cục thú y tỉnh, ông bắt đầu chăn nuôi theo quy trình VietGAHP, an toàn sinh học; đầu tư thêm hệ thống máy móc để xay, nghiền, tự phối trộn thức ăn theo công thức dành cho heo từ cai sữa đến xuất chuồng; bổ sung các loại men sinh học, chế phẩm Probiotic...

“Tôi sử dụng các nguyên liệu chế biến phối trộn thức ăn đảm bảo, từ cám gạo, bắp, đến thuốc thú y, vắc xin của các công ty có uy tín, đảm bảo chất lượng. Bổ sung chế phẩm, men sinh học giúp heo ít bị bệnh đường ruột. Cuối năm 2018 trang trại cùng với HTX chăn nuôi heo An Phát được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAHP. Nuôi theo cách này, thời gian lâu hơn, nhưng bù lại, giá bán cao hơn 1 chút, nên cuối cùng lợi nhuận cũng không giảm, lại có sản phẩm thịt đạt chất lượng cung cấp cho người dân địa phương”, ông Bảo nói.

Trang trại heo mới đầu tư thêm của anh Bảo, bài bản và hiện đại theo công nghệ mới của C.P. 

Trang trại heo mới đầu tư thêm của anh Bảo, bài bản và hiện đại theo công nghệ mới của C.P. 

Ngoài chăn nuôi theo quy trình, ông Bảo còn xây dựng “Cửa hàng cung ứng thịt heo an toàn sinh học từ trang trại đến người tiêu dùng” ngay tại chợ thị xã. Cửa hàng hiện là địa chỉ được người tiêu dùng địa phương tin tưởng, đánh giá khá cao. Nhờ bán sản phẩm thịt tại cửa hàng, mỗi con heo ông Bảo có thêm 500.000 đồng tiền lãi.

“Giá heo hơi của tôi vì nuôi cám trộn tự làm, thời gian nuôi lâu hơn, nhưng thịt ngon hơn. Anh cứ thấy gà ăn bắp thịt ngon thế nào thì thịt heo của tôi cũng ngọt như vậy. Trong khi giá heo hơi chỉ mắc hơn heo nuôi cám bao vài ngàn chứ không nhiều. Còn thịt thành phẩm bán ngoài cửa hàng cũng chỉ tương đương ngoài chợ, từ 80 – 140 ngàn đồng ký tùy loại.

Đến nay, thương hiệu thịt của cửa hàng đã được hầu hết người dân vùng này biết và chọn mua. Nếu so với sản phẩm thịt heo từ các công ty lớn, giá thịt heo của tôi vẫn thấp hơn tương đối. Vì mình tự nuôi, tự giết mổ, không qua trung gian thương lái nên giá mềm hơn”, ông nói.

Bà Hồ Thị Huệ, người từ mấy năm nay, mỗi khi ăn thịt heo, chỉ chọn của hàng ông Bảo. “Thịt thơm, giòn ngọt, khi luộc ít ra nước, nước luộc thịt rất trong, mà giá tôi thấy cũng tương đương ngoài chợ truyền thống và rẻ hơn mua mấy cửa hàng lớn”, bà Huệ nhận định.

Cửa hàng bán thịt heo an toàn sinh học của gia đình anh Bảo ở chợ Bình Long từ 5-6 năm nay là 'địa chỉ đỏ' của người dân địa phương. 

Cửa hàng bán thịt heo an toàn sinh học của gia đình anh Bảo ở chợ Bình Long từ 5-6 năm nay là "địa chỉ đỏ" của người dân địa phương. 

Chia sẻ kinh nghiệm để chăn nuôi heo ổn định, phát triển và có lãi, ông Bảo cho biết: Đầu tiên là nên đầu tư đồng bộ cơ cở vật chất đạt chuẩn, đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng từ chuồng trại, con giống, thức ăn, nước uống, vắc xin, thuốc phòng trị bệnh. Phải luôn chú ý công tác phòng bệnh, thực hiện tốt quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học (cách ly, vệ sinh, phun xịt khử trùng), chích ngừa đầy đủ vắc xin theo quy định. Ngoài ra phải xử lý tốt nguồn nước thải; thường xuyên nắm bắt, cập nhật thông tin về ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ mới; giá cả, chất lượng các nguyên liệu đầu vào; yêu cầu, nguyện vọng của người tiêu dùng, từ đó làm căn cứ lập kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường. Tuyệt đối không chăn nuôi chạy theo giá cả; hạch toán chi tiết, cụ thể các chi phí, tận dụng tốt, hiệu quả các nguồn lực để hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Để giữ được đàn heo an toàn cho đến nay, ngoài các biện pháp trên, ông Bảo còn đầu tư hệ thống lưới dày che kín hết xung quanh chuồng trại để ngăn côn trùng, vật trung gian truyền bệnh. Tăng cường khâu chăm sóc nuôi dưỡng, dùng loại men sinh học, VTM cao cấp nhập khẩu từ Mỹ với giá 1 triệu đồng/kg (trộn cho 1 tấn thức ăn) để tăng sức đề kháng cho heo. Sau đó kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, chất lượng nguồn thức ăn, nước uống, nguyên liệu đầu vào; cách ly tất cả dụng cụ, con người, phương tiện, thức ăn, kể cả tiền, điện thoại… ra vào trại.

“Năm 2019, khi dịch tả heo châu Phi bùng phát, vợ chồng tôi “cách ly” nhau cả tháng trời, vợ tôi vào hẳn trại heo sống, còn tôi lo chạy vòng ngoài, lo bán hàng và chăm sóc con cái; vợ chồng, con cái chỉ nói chuyện với nhau qua điện thoại (thực hiện theo phương thức trang trại tự cung, tự cấp). Hàng ngày phun xịt, sát trùng, rải vôi đúng kỹ thuật, liều lượng ở tất cả các lối đi, nhà kho, xe vận chuyển heo, thức ăn; vệ sinh làm sạch, khử trùng… nhờ vậy mà trại heo của tôi không bị dịch càn quét”, ông Phùng Văn Bảo.

 

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.