| Hotline: 0983.970.780

Làm giàu từ mô hình đa canh

Thứ Sáu 31/05/2013 , 10:57 (GMT+7)

Hơn 20 năm mày mò canh tác và học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi, năm 2003 ông Bảy Sùng đã quyết định đào ao, lên liếp và đắp bờ bao để trồng cây ăn trái theo mô hình đa canh.

Ghé thăm Hội Nông dân huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ, hỏi tên ông Bảy Sùng (Nguyễn Văn Song) hầu như ai cũng biết ông là một nông dân SX giỏi do áp dụng mô hình đa canh để làm giàu cho bản thân. Bây giờ ông trở thành người khá nhất trong xã, mỗi năm doanh thu gần 1 tỷ đồng.

Hơn 20 năm mày mò canh tác và học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi, năm 2003 ông đã quyết định đào ao, lên liếp và đắp bờ bao để trồng cây ăn trái theo mô hình đa canh. Để lấy ngắn nuôi dài, lúc đầu ông thả cá, trên mặt ao trồng nhiều thứ hoa màu như bầu, bí, mướp, dưa, cà, ớt… Đồng thời ông đã chọn những loại cây đặc sản như mít, xoài, vú sữa, dừa để phủ xanh toàn bộ đất vườn.

Nhờ đất mới màu mỡ cộng thêm với kinh nghiệm nuôi trồng đúng kỹ thuật nên chỉ vài ba năm sau cây đã bắt đầu cho trái. Hiện nay, 100 cây mít nghệ cao sản, 50 cây mít Mã Lai, 400 cây sầu riêng và 200 gốc dừa xiêm lùn đã ra trái xum xuê, mùa nào trái nấy.

Ông tính sơ sơ cho biết, vào thời điểm này chỉ riêng cây mít mỗi vụ cũng thu vài chục triệu và năng suất ngày càng tăng lên. Ngoài việc thu nhập từ hoa màu và cây ăn trái, cuối năm 2012 ông còn xuất ao được 3 tấn cá thác lác cườm và tai tượng, sau khi trừ hết các chi phí còn lời trên 60 triệu đồng. Đó là chưa kể cá tra, cá lóc được thả chung trong hầm.

Ông Bảy Sùng phấn khởi cho biết, nguồn thu nhập ổn định nhất đối với gia đình hiện nay là phân dơi. Xuất phát từ nhu cầu lấy phân bón cho hoa màu nên ông đã gây dựng được một chuồng dơi bằng lá thốt nốt, ước độ trên 20.000 con, mỗi ngày thu hoạch trên 1 tấn phân. Số phân dư ra ông bán được 80.000 đ/tấn, bình quân mỗi tháng thu vô trên 3 triệu. Ông đang chuẩn bị mở rộng thêm diện tích nuôi vì đây là một loại phân hữu cơ đang khan hiếm trên thị trường. Tính ra, trên đà phát triển như hiện nay, thu nhập bình quân từ mô hình đa canh của ông Bảy là gần 1 tỷ đ/năm.

Ông chưa chịu dừng ở đây, mà đang tìm cách phấn đấu vươn lên những bước phát triển mới bằng cách tập trung đầu tư cho những cây có hiệu quả và nuôi ếch, nuôi bò mang lại kinh tế cao; đồng thời tận dụng các ao mương có sẵn để thả ốc bươu vì giá ốc hiện nay có lúc lên tới 16.000 - 20.000 đ/kg.

Bà Lâm Thị Cẩm Nhung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Xuân, một người rất sâu sát với đời sống SX của bà con nông dân tại địa phương, cho biết: Ông Bảy Sùng là một trong những nông dân SX giỏi, lại cần cù, chịu khó học hỏi và biết áp dụng TBKT vào SX, hiệu quả kinh tế ngày càng cao.

Theo cách tính toán của ông, phân bò thải ra với tổng cộng 6 mương dài (khoảng 3.000 m2), nuôi ốc mỗi tháng có thể vớt trên vài trăm kg ốc và tiêu thụ rất dễ dàng. Ngoài ra ông còn dự định sẽ trồng xen canh cây thiên lý để lấy bông. Để thực hiện ước mơ của mình, ông đang gia cố bờ đê và làm một hàng rào dài tổng cộng 400 m bằng lưới B40. Hiện nay ông đang có kế hoạch mở rộng diện tích lên 3 ha, sang đất của những hộ lân cận để thực hiện mô hình đa cây đa con.

Ông Bảy Sùng cho biết thêm: Mặc dù trong những ngày đầu khởi nghiệp, vốn liếng ít oi nhưng ông đã biết “liệu cơm gấp mắm”, lấy ngắn nuôi dài, không cần phải vay nợ ngân hàng nên cả nhà rất yên tâm SX. Ông không những cần cù lao động mà còn là một nông dân năng động, luôn chịu khó tìm tòi, khám phá: Trồng cái gì? Trồng như thế nào và vào mùa nào cho có hiệu quả?

Khi hỏi về bí quyết thành công, ông Bảy cười và thành thật chia sẻ: “Theo tôi, muốn thành công trước hết phải siêng năng và có quyết tâm cao. Khi bắt tay vào công việc phải làm đến nơi đến chốn, không đươc bỏ cuộc nửa chừng. Kế đến là phải biết khiêm tốn học hỏi, tích cực tham dự các lớp tập huấn do Hội Nông dân hoặc Trạm Khuyến nông tổ chức và sau cùng là phải mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi cây trồng sao cho phù hợp với đất đai thổ nhưỡng và môi trường; đặc biệt là luôn luôn chọn giống mới, năng suất cao. Có như thế mới tránh được thất bại”.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Xã viên sẽ hưởng lợi lớn khi canh tác lúa giảm phát thải

ĐBSCL Theo dự thảo chi trả kết quả giảm phát thải trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nông dân trong các HTX, tổ hợp tác là đối tượng hưởng lợi cao nhất.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.