Mới đây, Tổng cục Thủy sản đã đánh giá mô hình nuôi cá điêu hồng ứng dụng công nghệ cao của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (C.P Việt Nam) của ông Đỗ Văn Nghĩa ở xã Phước Hậu, huyện Long Hồ (Vĩnh Long).
Ông Đỗ Văn Nghĩa, chủ trang trại nuôi cá điêu hồng ứng dụng công nghệ cao cho biết: Gia đình làm nghề nuôi cá nước ngọt nhiều năm qua, đã từng nuôi nhiều loại cá khác nhau, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn.
Năm 2020, ông Nghĩa được C.P. Việt Nam đầu tư chuyển giao kỹ thuật từ con giống, đến thức ăn để thực hiện mô hình nuôi cá điêu hồng trên ao nổi lót bạt với tổng diện tích 5.000 m2, được chia ra 12 ao nuôi. Bình quân, mỗi ao nuôi rộng từ 150 - 200m2, mật độ thả từ 50 - 56 con/m3, được áp dụng kỹ thuật nuôi chia theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1, lúc thả con giống đến 30 ngày sau nuôi, chuyển sang giai đoạn 2 tiếp tục nuôi dưỡng thêm 30 ngày và kế tiếp nuôi giai đoạn 3, đây là giai đoạn nuôi lên cá thịt. Bình quân, một vụ nuôi cá điêu hồng công nghệ cao khoảng 5 tháng, cá đạt trọng lượng từ 500 - 600 gram/con, đạt năng suất khoảng 31 - 32 kg/m3/vụ.
Theo ông Nghĩa, kỹ thuật nuôi cá điêu hồng công nghệ cao giúp giảm chi phí từ 10-15% so với nuôi cá điêu hồng trong lòng bè trên sông, rạch. Đồng thời cho ra sản phẩm cá đạt chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Werapong Phuntongpet, Giám đốc Kỹ thuật cá nước ngọt Việt Nam (C.P. Việt Nam) cho biết: Mô hình nuôi cá điêu hồng công nghệ cao được C.P. Việt Nam chuyển giao kỹ thuật đầu tiên ở tỉnh Vĩnh Long.
Trước mắt, mô hình đã thành công vì chủ động nguồn thức ăn bằng công nghiệp và kiểm soát được nguồn nước nuôi trong hồ bằng hệ thống máy móc hiện đại. Từ đó giúp cá mau lớn, tỷ lệ sống cao và ít dịch bệnh hơn so với nuôi cá theo truyền thống khoảng 80-85%.
Từ cách làm này, một năm có thể sản xuất nhiều vụ nuôi, chủ động nguồn nguyên liệu lớn để đáp ứng nhu cầu chế biến theo yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết: Hiện nay, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn mặn xâm nhập sâu vào các vùng nước ngọt. Bên cạnh đó nuôi cá truyền thống trên sông rạch gặp khó khăn về kiểm soát dịch bệnh và nguồn nước.
Vì vậy, việc đầu tư áp dụng kỹ thuật nuôi cá điêu hồng công nghệ cao trong hồ nổi tròn lót bạt và không sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi là bước tiến mới. Đặc biệt, đây là mô hình tự động hóa khép kín, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và có điều khiển bằng máy. Trong đó, ứng dụng phần mềm điện thoại di động để kiểm soát trong quá trình nuôi cá.
Ông Luân cũng đề nghị người nuôi cá điêu hồng công nghệ cao cần tận dụng nguồn nước thải để trồng rau thủy canh, vừa làm sạch môi trường mà còn giúp tăng thêm thu nhập từ rau. Trong tương lai, mô hình này có thể mở rộng nuôi trong các nhà hàng, quán ăn ở đô thị vừa thu hút thực khách đến xem cá và thưởng thức cá, rau...