| Hotline: 0983.970.780

Làm rõ tội danh nhóm lợi ích ở PVN gồm những ai?

Thứ Bảy 13/01/2018 , 18:06 (GMT+7)

Ngày 13/1, phiên tòa xét xử 22 bị cáo trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) tiếp tục phần tranh luận.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn

Đáng chú, các luật sư bào chữa đã tập trung làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo từng là “bộ sậu” ở PVN như Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó Tổng giám đốc PVN), Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng PVN), Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN), Lê Đình Mậu (nguyên Phó Kế toán trưởng PVN)...

Sai phạm điển hình của PVN tạo tiền đề tham nhũng

Trước đó, trong phần luận tội, Viện KSND Tối cao cho rằng, vụ án này là sai phạm điển hình của PVN trong những năm vừa qua. Bằng việc đầu tư góp vốn tràn lan, dàn trải, thiếu kiểm soát, mang tính lợi ích nhóm đã gây thua lỗ, thất thoát vốn của nhà nước hàng ngàn tỷ đồng ở nhiều dự án khác, tạo tiền đề cho tham nhũng, lãng phí, thất thoát xảy ra tại tập đoàn PVN... 

Đối với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, người từng bị TAND TP.Hà Nội tuyên án tử hình trong đại án OceanBank về 3 tội: Tham ô tài sản, Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tiếp tục tại vụ án này, nguyên Phó Tổng PVN bị đề nghị mức án từ 10 - 11 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Viện KSND Tối cao cho rằng, trong quá trình thực hiện dự án NMNĐ Thái Bình 2, Nguyễn Xuân Sơn biết rõ hợp đồng EPC số 33 được ký trái quy định nhưng vẫn chỉ đạo Ban quản lý dự án tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.321 tỷ đồng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng sai mục đích gần 1.116 tỷ đồng, không đưa vào dự án NMNĐ Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, luật sư Lê Đình Ứng bào chữa cho ông Nguyễn Xuân Sơn cho rằng dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 lập trước khi ông Sơn giữ chức vụ phó tổng giám đốc PVN, vì thế ông Sơn không biết hợp đồng 33 ký trái luật. Ngoài ra, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 được giao cho một phó tổng giám đốc chuyên trách là ông Nguyễn Quốc Khánh phụ trách. Ngoài các tài liệu trong hồ sơ vụ án thì bị cáo Đinh La Thăng và bị cáo Phùng Đình Thực cũng đã khai nhận rõ.

Luật sư nhìn nhận Hợp đồng số 33, bị cáo Sơn không biết về nó không đủ điều kiện. Về việc PVN chuyển tiền tạm ứng cho PVC, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho rằng Ban QLDA Thái Bình 2 có quy chế quản lý tài chính riêng. Căn cứ vào cuộc họp tại công trường ngày 3-6-2011 và theo thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch HĐTV PVN là ứng vốn 10% nhưng hiệu lực Hợp đồng số 33 vẫn giữ như cũ.

Từ đó, luật sư cho rằng với việc nhắc nhở ứng vốn cho PVC thì bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công. “Việc chuyển tiền từ PVN sang Thái Bình 2 thực chất là chuyển từ túi này sang túi kia” – luật sư Bùi Đình Ứng nhận định. Và theo vị luật sư này, khi tiền đã chuyển xuống PVC thì việc thất thoát thuộc trách nhiệm của đơn vị này.

Cuối cùng, luật sư Ứng đề nghị HĐXX xem xét cho ông Sơn: "Việc truy tố ông Sơn về cố ý làm trái là không đúng. Đề nghị tòa áp dụng hết các tình tiết có lợi để áp dụng cho bị cáo Sơn".

Ai đã dọa “không làm thì đứng sang một bên”?

Về vấn đề “lợi ích nhóm”, luật sư Đỗ Ngọc Quang, người bào chữa cho bị cáo Ninh Văn Quỳnh và Lê Đình Mậu nói rằng “cảm thấy đau lòng khi lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đứng trước công đường sau nhiều năm đóng góp”. Chính vì vậy, "nếu thực sự có lợi ích nhóm trong vụ án này thì phần luận tội của Viện KSND cũng kính đề nghị đại diện Viện KSND chỉ ra nhóm lợi ích này có những ai và lợi ích của nhóm này thể hiện như thế nào để kết luận chắc chắn vì lợi ích nhóm nên các lãnh đạo PVN đã có hành vi nêu trong cáo trạng”, luật sư Quang nói.

Cũng theo luật sư Đỗ Ngọc Quang, nhiều lời khai của các bị cáo tại phiên tòa đều thể hiện bị cáo Đinh La Thăng ở thời điểm đó rất quyết liệt, làm cho bằng được nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Dưới áp lực đó, bị cáo Sơn đã chỉ đạo bị cáo Quỳnh. Bị cáo Quỳnh biết rõ hợp đồng 33 không đúng về pháp lý nhưng bị cấp trên dọa "không làm thì đứng sang một bên" nên vẫn phải tuân thủ.

 Bị cáo Ninh Văn Quỳnh

Luật sư Quang cho rằng số tiền 1.115 tỉ đồng mà PVC đã chi sai mục đích sau khi nhận được tạm ứng trên hiện đã thu được tới hơn 1.200 tỉ đồng từ nhiều nguồn. "Vậy tại sao nhà chức trách sử dụng bản giám định tài chính để xác định kết quả thiệt hại?", ông Quang nói. Do vậy, ông Quang đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo Ninh Văn Quỳnh, Lê Đình Mậu.

Trước đó, cả 2 bị cáo Lê Đình Mậu và Ninh Văn Quỳnh bị VKSND xác định phạm tội "Cố ý làm trái…", đề nghị tòa tuyên phạt ông Quỳnh 10 - 11 năm tù; ông Mậu từ 7 - 8 năm tù.

Luật sư Nguyễn Chiến, người bào chữa cho Nguyễn Quốc Khánh cho rằng, thân chủ không thể giữ vai trò đồng phạm với bị cáo Đinh La Thăng như Viện KSND quy kết và bản luận tội sau đó của đại diện cơ quan công tố cũng không chỉ rõ các chứng cứ, lý lẽ buộc tội dẫn đến việc đề nghị bị cáo Khánh mức án từ 10 đến 11 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh

Cơ quan tố tụng xác định Nguyễn Quốc Khánh có hành vi đồng phạm với Đinh La Thăng trong việc chỉ đạo Công ty TNHH Một thành viên - Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định. Ngoài ra, bị cáo Khánh còn bị cáo buộc tham gia chỉ đạo cấp dưới căn cứ hợp đồng trên tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ để Trịnh Xuân Thanh sử dụng hơn 1.100 tỷ trái mục đích gây thiệt hại gần 120 tỷ đồng.

Tại tòa, luật sư Nguyễn Chiến cho rằng bị cáo Khánh không có hành vi Cố ý làm trái quy định Nhà nước. Với vai trò Phó tổng giám đốc phụ trách điện và kỹ thuật, ông Khánh không liên quan việc chỉ đạo ký hợp đồng hay ứng tiền trái quy định. Bị cáo cũng không tư lợi cá nhân nên theo quan điểm người bào chữa, thân chủ của ông có dấu hiệu thỏa mãn tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Vị luật sư cũng dành thời gian phân tích để chứng minh rằng bị cáo Nguyễn Quốc Khánh không giữ vai trò đồng phạm với bị cáo Đinh La Thăng.

"Với quyền uy của chủ tịch, ông Thăng không cần thân chủ của tôi giúp đỡ mới chỉ đạo được cấp dưới”, ông Chiến nói và cho biết PVPower đã được HĐQT tập đoàn ủy quyền nên có thể tự thực hiện các phần việc với tư cách chủ đầu tư dự án nhiệt điện Thái Bình 2.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm