Ảnh mang tính minh họa. |
Sau vụ việc nhiều bé gái bị xâm hại tại Trung tâm bảo trợ xã hội TPHCM chưa bao lâu, cơ quan chức năng phải tiếp nhận thêm một trường hợp nghi ngờ bị tấn công tình dục tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bình Dương.
Là một bé gái vô gia cư, em H được đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bình Dương từ năm 2017. Từ đó đến giữa năm 2019, em H liên tục bị một nhân viên tên V xâm hại nhiều lần. Sau khi trốn thoát chốn đáng sợ, em H sống lang thang và lại được thu gom về Trung tâm bảo trợ xã hội TPHCM.
Mới đây, em H đã làm đơn tổ cáo gửi đến Công an phường 13, quận Bình Thạnh, TPHCM để kể lại những ngày tăm tối mà mình từng trải qua tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bình Dương.
Em H trình bày: "Khi bản thân tôi bị như vậy, tôi không biết nói với ai để cầu cứu giúp đỡ mình. Khi bị hãm hiếp, tinh thần tôi bị hoảng loạn, ám ảnh, đêm nào cũng gặp ác mộng giật mình khi ngủ. Tôi bị mất niềm tin vào con người, vào cuộc sống khi trải qua sự việc khủng khiếp. Nay tôi làm đơn tố cáo này để đưa sự việc ra ánh sáng, nhờ pháp luật lấy lại công bằng cho tôi".
Câu chuyện của em H làm nhiều người sửng sốt đến mức cay đắng. Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trực tiếp gọi điện cho lãnh đạo tỉnh Bình Dương đề nghị điều tra làm rõ hành vi của nhân viên V ở Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bình Dương.
Ngày 18/11, cơ quan công an TPHCM đã bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Tiến Dũng để điều tra về hành vi với các bé gái H.T.K.D. (13 tuổi), Đ.T.K.A. (14 tuổi) N.N.K.N. (14 tuổi) L.T.K.T. (15 tuổi) đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm bảo trợ xã hội TPHCM.
Phải chăng, xã hội chưa tìm được phương pháp hữu hiệu để ngăn chặn tội ác xâm hại bé gái ngây thơ? Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội pháp luật Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) phân tích: “Thủ tục tố tụng đối với các vụ án xâm hại trẻ em vẫn còn nhiều bất cập như thời hạn, thủ tục điều tra, khởi tố vụ án hình sự. Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành quy định thời hạn, thủ tục, trình tự khởi tố vụ án hình sự chung cho tất cả các loại tội phạm mà không có sự khác nhau giữa người bị hại là trẻ em và người lớn.
Vì vậy, có nhiều vụ án cơ quan điều tra để kéo dài, đến khi bắt đầu xác minh, điều tra thì khó thu thập chứng cứ. Lý do bởi đặc thù riêng biệt của những vụ án xâm hại trẻ em (cưỡng dâm, dâm ô, giao cấu…) là chứng cứ trực tiếp yếu (không có người chứng kiến, không bắt được quả tang…); sự việc được phát hiện khi hành vi vi phạm đã kết thúc; phát hiện qua lời kể lại của bị hại…
Bên cạnh đó, đa số bị hại vì còn nhỏ tuổi, nhận thức chưa đầy đủ nên không thể nhớ chính xác những vấn đề liên quan như thời gian, địa điểm, diễn biến của vụ việc. Bị hại không cung cấp được thông tin chính xác cho cơ quan điều tra nên không có căn cứ để khởi tố vụ án”.
Tiêu biểu nhất cho loại tội phạm tấn công tình dục trẻ em là bản án dành cho cựu Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Đà Nẵng - Nguyễn Hữu Linh. Với những chứng cứ tương đối rõ ràng ở Chung cư Galaxy - TPHCM, đối tượng Nguyễn Hữu Linh đã bị tuyên phạt 18 tháng tù giam.
Thế nhưng, sau phiên tòa phúc thẩm, đối tượng Nguyễn Hữu Linh đã có đơn gửi Chánh án Tòa án Cấp cao tại TP.HCM đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, đồng thời đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án sơ của TAND quận 4 và bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM và đình chỉ vụ án.
Không chỉ không ăn năn về sự tổn thương mà mình đã gây ra cho cộng đồng, đối tượng Nguyễn Hữu Linh còn cho rằng kết luận trong bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật. Bởi tại hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều chỉ nhận định Nguyễn Hữu Linh có hành vi ôm hôn vào má bị hại, không xác định được bàn tay phải của Nguyễn Hữu Linh đặt ở đâu nhưng lại "xác định hành vi của bị cáo có đặc điểm thỏa mãn nhu cầu về cảm xúc tính dục đã xâm phạm đến quyền được bảo vệ về thân thể, nhân phẩm, danh dự và sự phát triển bình thường về tâm sinh lý của trẻ em".
Trong đơn kháng cáo, đối tượng Nguyễn Hữu Linh viết: "Rõ ràng cáo trạng chỉ mô tả tôi có "hôn vào má" phải, tay. Cáo trạng cũng không xác định tôi có dùng tay sờ mó, hôn hít vào bộ phân sinh dục hoặc chà xát bộ phận sinh dục của mình với bộ phận sinh dục của bị hại. Cáo trạng chỉ xác định có "hôn vào má, tay" như thế thì liệu rằng có đủ cơ sở để khẳng định hành vi này là hành vi "dâm ô" với người dưới 16 tuổi hay chưa? Và nó có phù hợp với hành vi khách quan của tội "dâm ô với người dưới 16 tuổi" hay không?".
Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc UNICEF khuyến cáo: Xâm hại và bóc lột tình dục trẻ em là những vấn đề ngày càng đáng lo ngại ở Việt Nam. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt những bước tiến đáng kể trong việc tăng cường luật pháp quốc gia nhằm đối phó với tình trạng bạo lực đối với người chưa thành niên. Luật Trẻ em 2016, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) và Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã có nhiều quy định quan trọng mới nhằm bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục cũng như các hình thức bạo lực khác một cách hiệu quả hơn.