Chỉ trong vòng 5 năm, từ 2012 đến 2016, cả nước đã có gần 6.700 vụ xâm hại trẻ em, với 8.100 gương mặt thơ ngây trở thành nạn nhân của lối sống biến thái (có vụ một đối tượng xâm hại nhiều nạn nhân). Làm sao ngăn chặn và chấm dứt tình trạng ghê tởm này, là câu hỏi day dứt không của riêng ai!
Ảnh mang tính minh họa |
Đã gọi là thống kê, nghĩa là con số được tổng hợp từ kết quả rõ ràng nhất, dựa trên văn bản của các ban ngành liên quan. Nằm trong thống kê, nghĩa là được ghi nhận và xử lý. Và điều ấy cũng cho chúng ta biết rằng, còn không ít vụ xâm hại tình dục nữa, vẫn chìm khuất trong bóng tối và gây ra nhiều di hoạ khủng khiếp cho đời sống xã hội.
Thật dư thừa, nhưng vẫn phải nhắc lại, vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em từ xưa đến nay luôn là nỗi bức xúc của mỗi gia đình, mỗi cộng đồng. Về mặt nhận diện luật phát, nhiều người có thể dễ dàng định nghĩa xâm hại tình dục trẻ em thể hiện qua các hành vi như hiếp dâm trẻ em, cưỡng dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em, dâm ô với trẻ em… Thế nhưng, làm cách nào để bảo vệ trẻ em vẫn là một âu lo từng ngày, từng giờ. Thậm chí, nhiều trường hợp xâm hại tình dục trẻ em lại được (hay bị?) chính những người thân của nạn nhân tìm cách che giấu.
Vì sao có sự ê chề kia? Có hai lý do cực kỳ cay đắng. Thứ nhất, họ nghĩ rằng, việc bị xâm hại càng ít người biết thì đứa trẻ càng ít mặc cảm. Thứ hai, họ cho rằng, đối tượng xâm hại là người quen biết nên vì chút tình nghĩa mà bỏ qua. Cả hai lý do trên, nặng hay nhẹ, đúng hay sai, từng vào từng vụ cụ thể, nhưng chắc chắn đó không phải cách giải quyết khôn khéo nhất, thấu đáo nhất. Bởi lẽ, trong bằng cái nhìn văn minh và nhân ái, thì tất cả chúng ta sẽ nhận ra xâm hại tình dục trẻ em là một hành vi bệnh hoạn, cần phải đẩy lùi bằng biện pháp cứng rắn nhất.
Theo số liệu ghi nhận của Tổng Cục Cảnh sát, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, trên cả nước ghi nhận có 805 vụ xâm hại trẻ em, trong đó xác định có 881 đối tượng là thủ phạm. Hãy lưu ý hai con số 805 vụ và 881 đối tượng. Rõ ràng, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang ngày càng phổ biến hơn và có tính chất manh động hơn. 881 đối tượng trong 805 vụ, nghĩa là yếu tố bộc phát nhất thời để phạm tội rất ít, mà có mưu tính và có đồng phạm hẳn hoi. Mặt khác, các vụ xâm hại tình dục trẻ em không hề khoanh vùng cụ thể trong một phạm vi hành chính nào, về mặt kinh tế cũng như về mặt văn hoá.
Đừng nghĩ đô thị sầm uất thì ít vụ xâm hại tình dục trẻ em, mà cũng đừng nghĩ nông thôn hẻo lánh thì sự yên bình có thể vắng bóng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Nếu trong 6 tháng đầu năm 2017, Hà Nội có 32 nạn nhân bị xâm hại thì TP.HCM có 28 nạn nhân bị xâm hại, Tây Ninh có 31 nạn nhân bị xâm hại thì Kiên Giang có 30 nạn nhân bị xâm hại. Chỉ ví dụ 4tỉnh thành mà chúng ta đã thấy ớn lạnh. Nếu chúng ta chưa có liên hệ thân thích gì với các nạn nhân, thì chúng ta thử dùng trí tưởng tượng sẽ thấy đau lòng ra sao.
Hà Nội và TP.HCM là hai trung tâm lớn, có bao nhiêu người có học hàm, học vị, có bao nhiêu người quyền uy và bao nhiêu người thuộc đẳng cấp tinh hoa, vậy mà tình trạng xâm hại tình dục trẻ em vẫn xảy ra. Còn vùng Kiên Giang và Tây Ninh có những xã nghèo giáp biên giới thì sao? Giữa kênh rạch miệt thứ của Kiên Giang và giữa những trảng cỏ cháy nắng của Tây Ninh, ai lau nước mắt dùm những đứa trẻ tội nghiệp?
Phải tấn công tiêu diệt những tên tội phạm xâm hại tình dục trẻ em! Đó không phải một thái độ độc ác hay tàn nhẫn, mà là một mệnh lệnh của sự lương thiện. Bởi lẽ, đặc điểm chung của tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em là trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển bình thường về sinh lý, thể chất, danh dự, phẩm giá của trẻ em. Đồng thời, những tên tội phạm biến thái kia đã xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về tình dục của trẻ em.
Nói vậy là ngoa ngôn ư, nói vậy là phô trương ư? Xin thưa, không hề. Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em đã để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng, khiến trẻ em bỏ ăn, bỏ học, gầy gò thu mình vào góc nhà và triền miên trong u uất bởi triệu chứng suy nhược thần kinh, hoảng sợ... Tương lai của những nạn nhân các vụ xâm hại tình dục trẻ em gần như bị đẩy vào ngõ cụt, nếu không có biện pháp trị liệu tâm lý thích hợp.
Nhiều người có thể cao giọng nhắc nhở: Không phải bây giờ mới có tệ nạn xâm hại tình dục trẻ em. Đúng, loại tội phạm này đã có từ thời phong kiến. Thế nhưng, khi nhân loại còn trong sạch và còn tử tế thì loại tội phạm này không đầy rẫy như hiện nay. Pháp luật cũng đã nhận diện được những tên biến thái và đã đưa vào khuôn khổ chế định. Trong từng trường hợp phạm tội, tùy thuộc vào hành vi phạm tội cụ thể, tương ứng với mỗi tội danh mà Bộ luật Hình sự nước ta quy định mức hình phạt khác nhau: thấp nhất từ 6 tháng đến 3 năm tù (Tội dâm ô với trẻ em - Điều 116), cao nhất có thể lên đến tù chung thân (Tội cưỡng dâm trẻ em - Điều 114) hoặc tử hình (Tội hiếp dâm trẻ em - Điều 112). Tuy nhiên, theo những chuyên gia thì một khó khăn khác trong xử lý vụ việc là nhận thức pháp luật có sự khác biệt giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, các khái niệm pháp lý về hành vi dâm ô trẻ em còn chưa rõ ràng...
Quả thật, không ít người vẫn hồn nhiên nguỵ biện rằng, ôm ấp, hôn hít hoặc sờ mó trẻ em là thể hiện tình yêu mến. Sai, đứa trẻ có quyền bất khả xâm phạm riêng tư. Hơn nữa, những động thái tiếp xúc với thân thể trẻ em có được sự đồng ý của cha mẹ các cháu không? Mặt khác, khi một sự tiếp xúc thân thể gây khó chịu và vượt quá giới hạn cho phép thì đó là hành vi xâm phạm nguy hiểm. Phải có tinh thần kiên quyết đẩy lùi những kẻ nhân danh tình yêu mến để xâm hại tình dục trẻ em. Tại Hội thảo Phòng chống tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em, những người tổ chức cũng không ngần ngại cảnh báo, tình trạng loạn luân trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em đang ngày càng gia tăng, cảnh báo về sự suy đồi đạo đức trong xã hội. Ê chề làm sao, bẽ bàng làm sao, khi những người lớn đáng kính lại giở trò bỉ ổi làm tổn thương con cháu của mình. Trong hành trình trăm năm của con người, phần “con” lấn át phần “người” thì còn gì nhục nhã hơn!
Cách đây không lâu, dư luận xôn xao về một cụ ông ở Vũng Tàu bị khởi tố vì hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Ví dụ ấy, cần biểu dương sự dũng cảm và sự can trường của người mẹ trẻ không chấp nhận con gái mình bị thiệt thòi bởi tên yêu râu xanh đáng tuổi ông nội, ông ngoại. Cuộc chiến chống lại vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em rất gian nan, mà bất kỳ sự chùng chân hoặc sự thoả hiệp nào cũng chuốc lấy thất bại!
Chính các lực lượng chức năng cũng thừa nhận đấu tranh với loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em vô cùng vất vả. Hầu hết các vụ trẻ bị xâm hại tình dục đều do thân nhân của trẻ hoặc người dân tố cáo, còn cơ quan công an chủ động phát hiện bằng các biện pháp nghiệp vụ chỉ chiếm 6% vụ việc. Vì sao có hệ luỵ ấy? Vì các vụ án xâm phạm tình dục trẻ em đều không bắt được quả tang. Khi hiện tượng xâm hại xảy ra, chỉ có hung thủ và nạn nhân. Còn khi người thân của nạn nhân phát hiện thì vụ việc đã qua khá lâu, hiện tượng đã thay đổi, thậm chí chứng cứ đã không còn, khiến công tác thu thập bằng chứng để xử lý gặp nhiều khó khăn. Tội phạm biến thái đến mức xâm hại trẻ em thì đâu phải loại ngu dốt, luôn biết cách tiêu huỷ những vật chứng có thể kết án họ như lông, tóc, máu, vết cào cấu...
Sở dĩ, xâm phạm tình dục trẻ em phức tạp hơn nhiều so với các vụ hiếp dâm vì nạn nhân còn nhỏ tuổi. Trước chấn động khủng khiếp về tâm lý và sinh lý, trẻ em có lời khai thiếu chính xác và không thống nhất. Có hai diễn biến trái ngược với nạn nhân là, một đằng trẻ em bất hợp tác với mọi sự hỏi han, một đằng trẻ em lại trình bày theo gợi ý của bố mẹ. Cả hai diễn biến trên đều không đưa đến kết quả trừng trị thích đáng kẻ gây ác!