| Hotline: 0983.970.780

Làm thủy lợi, đừng để dân chờ nhà nước

Thứ Hai 15/10/2018 , 13:50 (GMT+7)

Khi nguồn vốn đầu tư công ngày càng thắt chặt, việc huy động toàn dân ra quân làm thủy lợi trở thành nhiệm vụ quan trọng.

Rất mừng là trong những năm qua, cả nước xuất hiện rất nhiều mô hình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng sáng tạo, hiệu quả do doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân thực hiện.

Báo NNVN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tỉnh – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) về vấn đề này.

22-57-41_2
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi


Cần 100.000 tỷ đồng đầu tư thủy lợi nội đồng

Thưa ông, thủy lợi nội đồng là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của mạng lưới thủy lợi. Nhưng ở nhiều địa phương, các công trình này đã “già nua” và xuống cấp. Việc dẫn nước vào đồng ruộng trở nên khó khăn, gây lãng phí tài nguyên nước?

Điều đó không sai. Ở nước ta, các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng phần lớn là do địa phương và người dân tự đầu tư xây dựng. Nhiều công trình đã xây dựng từ nhiều năm, không có thiết kế, không có kinh phí tu sửa thường xuyên, vì vậy đa phần đã xuống cấp nghiêm trọng.

Trong điều kiện tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung ruộng đất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn đòi hỏi cơ sở hạ tầng thủy lợi nội đồng bắt buộc phải chuyển đổi, nâng cấp phù hợp để đáp ứng yêu cầu của ngành nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng thủy lợi nội đồng hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp theo quy trình tiên tiến hoặc thay đổi cơ cấu cây trồng

Vậy để hoàn thiện thủy lợi nội đồng trên cả nước, cần bao nhiêu tiền để đầu tư công trình, thưa ông?

Theo tổng hợp nhu cầu kinh phí của các địa phương, tổng kinh phí đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng cần rất nhiều, khoảng trên 100.000 tỷ đồng.

Đây chắc chắn là số tiền quá lớn và ngân khố quốc gia không thể gánh vác được. Vậy ngành thủy lợi sẽ giải bàn toán đầu tư hóc búa này thế nào?

Thực tế, bài toán này đã được thực tiễn giải đáp thông qua những mô hình cụ thể. Vấn đề là chúng ta làm sao để tạo nên làn sóng xã hội hóa công tác phát triển thủy lợi nội đồng rộng khắp trong dân.

Tôi lấy ví dụ, thời gian qua, sự tham gia của doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước ngày càng nhiều, đạt được những thành công rõ rệt. Điển hình có thể kể đến như các tập đoàn TH True Milk (tưới cho cỏ, ngô phục vụ sản xuất thức ăn thô xanh trên diện tích hàng ngàn héc ta để nuôi bò sữa ), Hoàng Anh Gia Lai (tưới cho nhiều loại cây trồng khác nhau như cao su, cỏ, xoài, thanh long, ớt, chuối…).

Bên cạnh các doanh nghiệp lớn, ngày càng nhiều doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ, HTX nông nghiệp ở nhiều tỉnh, thành phố, đã tự bỏ tiền cải tạo, đầu tư mới hệ thống kênh mương, trạm bơm để phục vụ sản xuất nông nghiệp tốt hơn.

Cần phải tuyên truyền sâu rộng các nội dung của Luật Thủy lợi và các văn bản hướng dẫn Luật Thủy lợi tới các cấp chính quyền, cơ quan quản lý chuyên ngành thủy lợi, đơn vị khai thác công trình thủy lợi và đặc biệt xuống tận các tổ chức thủy lợi cơ sở và người dân.

Vấn đề mấu chốt ở đây là phải lan tỏa được phong trào toàn dân tham gia làm thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng từ các điển hình này. Không để người dân có tâm lý chông chờ vào “miếng bánh ngân sách của nhà nước”.

22-57-41_1
Kiên cố hóa kênh mương nội đồng

Hầu hết các mô hình mà ông nói ở trên đều do doanh nghiệp, HTX và các cá nhân thực hiện. Còn các địa phương, sự đầu tư cho các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng ra sao?

Rất nhiều địa phương đã có cách làm hay và sáng tạo trong công tác phát triển thủy lợi nội đồng. Ví dụ, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành chính sách hỗ trợ nhóm hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại thực hiện xây dựng ao hồ nhỏ để cung cấp nước tưới cho cây trồng cạn. Người dân đã tự thực hiện đào ao hồ nhỏ tạo nguồn nước và trang bị máy bơm, đường ống tưới để tự bơm tưới cho khoảng 100.000ha gồm rau hoa, cây công nghiệp… trong đó khoảng 30.000ha diện tích rau hoa được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước.

Một số tỉnh cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước như Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Sơn La, Tuyên Quang, Đăk Nông…

Một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Đồng Tháp…) thực hiện triển khai tốt đề án phát triển trạm bơm điện vừa và nhỏ. Giai đoạn 2009 - 2015, khu vực ĐBSCL đã xây dựng thêm 1.474 trạm, nâng tổng số các trạm bơm điện là 3.534 trạm, phục vụ tưới tiêu được 431.312ha;

Để khuyến khích phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 77/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 quy định hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội động và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn…

Vì vậy, để hoàn thiện thủy lợi nội đồng có thể áp dụng phương thức canh tác tiên tiến, tiết kiệm nước, đáp ứng phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nâng cao hiệu quả công trình thủy lợi.

Xin cảm ơn ông!

Nghệ An đi đầu

Nghệ An là tỉnh đi đầu trong cả nước thực hiện phát động phong trào “Toàn dân ra quân làm thủy lợi” vào ngày 16/10 liên tục 17 năm (2001 - 2017).

Thông qua các đợt phát động đã khơi dậy được ý thức tự lực, tự cường trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đảng viên và nhân dân về công tác thuỷ lợi, đã đạt được các kết quả như: Huy động được toàn bộ các lực lượng, tầng lớp, cơ quan, đoàn thể trong tỉnh tham gia; khắc phục kịp thời những hư hỏng công trình, nạo vét và kiên cố hóa kênh mương, đắp bờ vùng, bờ thửa, tiêu úng cho cây vụ đông, chuẩn bị cơ sở vật chất thủy lợi phục vụ sản xuất đông xuân, khắc phục kịp thời hạn hán, úng ngập... Kinh phí mỗi năm ước tính đạt được trung bình trên 100 tỷ đồng, riêng năm 2017 đạt được gần 200 tỷ đồng.

 

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Bình luận mới nhất