| Hotline: 0983.970.780

Làm từ thiện bằng cách trao 'cần câu cơm'

Thứ Ba 19/12/2023 , 06:00 (GMT+7)

Không chỉ 'giúp ngặt', công tác làm từ thiện ở huyện Hoài Ân (Bình Định) còn tạo sinh kế để những hộ khó khăn làm ăn kiếm kế sinh nhai, tự tin trong cuộc sống.

Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn

Bình Định đang vào mùa mưa, những vùng đất trung du, miền núi như huyện Hoài Ân mưa càng bất chợt. Thế nhưng những người làm từ thiện ở vùng đất này vẫn không quên “mệnh lệnh của trái tim”, đi cấp phát gạo định kỳ mỗi tháng 1 lần cho những đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, người già, người đau bệnh, người neo đơn, người khuyết tật.

Con đường dẫn đến nhà của những đối tượng kể trên cũng không được hanh thông như cuộc đời của họ, rất trắc trở. Ví như mới đây, thành viên của câu lạc bộ Người tình nguyện huyện Hoài Ân phải vật vã với những chiếc xe máy trên đoạn đường đất “nhão như cháo” để đưa gạo đến cho chị Nguyễn Thị Mai (SN 1965) ở xã Ân Thạnh, 1 trong 23 người trong danh sách nhận gạo hỗ trợ hàng tháng.

Bà Ngô Thị Kim Anh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Hoài Ân, chia sẻ với PV. Ảnh: V.Đ.T.

Bà Ngô Thị Kim Anh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Hoài Ân, chia sẻ với PV. Ảnh: V.Đ.T.

“Nguồn gạo cấp phát định kỳ cho 23 đối tượng dễ bị tổn thương nói trên từ sự hỗ trợ của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Định với định mức 100.000 đồng/người/tháng. Trước đây, khi giá gạo cỏn rẻ thì khoản tiền ấy đủ mua 10kg gạo. Thời gian gần đây gạo tăng giá, nên Hội Chữ thập đỏ huyện Hoài Ân phải vận động thêm bù vào để ít nhất mỗi người được nhận 10kg gạo/tháng, nếu vận động được thêm thì chúng tôi mua thêm mì tôm, dầu ăn, nước mắm để hỗ trợ cho những cảnh đời bất hạnh”, bà Ngô Thị Kim Anh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Hoài Ân chia sẻ.

Cũng theo bà Anh, Hoài Ân là huyện trung du, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, lại là vùng đất thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai nên những người có hoàn cảnh bi đát cần giúp đỡ rất nhiều. Để bù đắp cho hết những hoàn cảnh khó khăn nói trên, khoản kinh phí cần có để làm từ thiện cũng phải nhiều. Đây là nhiệm vụ khá gian nan trong bối cảnh kinh tế suy thoái như hiện nay.

Cũng may, những nhà hảo tâm ở Hoài Ân không chỉ là người giàu có, mà cả những người không kinh doanh, mua bán gì, cả đời gắn với nghề nông cũng sẵn sàng mở lòng giúp đỡ những người có hoàn cảnh dễ bị tổn thương. Đó là chưa kể con em của huyện Hoài Ân làm ăn ở xa, người thành đạt thì hỗ trợ nhiều, người không thành đạt thì hỗ trợ ít, nhờ đó mà Hội Chữ thập đỏ huyện Hoài Ân có nguồn kinh phí khá dồi dào để làm công tác từ thiện.

Hội Chữ thập đỏ huyện Hoài Ân vận động được 25 triệu đồng sửa nhà kiên cố cho bà Nguyễn Thị Học, người có hoàn cảnh khó khăn ở xã Ân Đức. Ảnh: V.Đ.T.

Hội Chữ thập đỏ huyện Hoài Ân vận động được 25 triệu đồng sửa nhà kiên cố cho bà Nguyễn Thị Học, người có hoàn cảnh khó khăn ở xã Ân Đức. Ảnh: V.Đ.T.

Qua tâm sự của bà Ngô Thị Kim Anh, chúng tôi thấy chuyện làm từ thiện ở vùng đất trung du này đã làm được những việc tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn. Ví như trong năm 2023, ngay từ đầu năm, Hội Chữ thập đỏ huyện Hoài Ân đã vận động được 3.339 suất quà với tổng trị giá gần 1,5 tỷ đồng. Những suất quà nói trên được gửi đến người dân có hoàn cảnh khó khăn để họ đón Tết Nguyên đán Ất Mão 2023. 

Hoặc như cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” tiếp tục được mở rộng, giúp đỡ thường xuyên được trên 150 đối tượng. Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ huyện Hoài Ân còn vô số cuộc vận động như: Ủng hộ mua  50 thẻ bảo hiểm y tế và trao hàng trăm chiếc xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; vận động hỗ trợ người bị bệnh hiểm nghèo, gặp hoạn nạn có hoàn cảnh gia đình khó khăn và còn nhiều, nhiều hoạt động ý nghĩa khác.

Không phải tự nhiên mà Hội Chữ thập đỏ huyện Hoài Ân vận động được nhiều nguồn hỗ trợ đến vậy, nguyên nhân được bà Ngô Thị Kim Anh giải thích: “Trước khi vận động quyên góp, chúng tôi kiểm tra thực tế rất kỹ lưỡng, khi đưa trường hợp ấy ra là có đủ minh chứng trường hợp ấy cần được giúp đỡ, nhờ đó đánh động được trái tim những nhà hảo tâm. Đó là chưa kể Hội Chữ thập đỏ huyện luôn được sự ủng hộ hết mình của Huyện ủy, UBND huyện Hoài Ân trong công tác từ thiện”.

Chị Võ Thị Liên, cán bộ hưu trí, thành viên của CLB Người tình nguyện vật vã với chiếc xe máy trên con đường đất 'nhão như cháo' đi trao gạo định kỳ chị Nguyễn Thị Mai ở xã Ân Thạnh. Ảnh: V.Đ.T.

Chị Võ Thị Liên, cán bộ hưu trí, thành viên của CLB Người tình nguyện vật vã với chiếc xe máy trên con đường đất “nhão như cháo” đi trao gạo định kỳ chị Nguyễn Thị Mai ở xã Ân Thạnh. Ảnh: V.Đ.T.

Trao “cần câu cơm” cho người nghèo 

Cách đây 13 năm, từ nguồn của Hội Hữu nghị Việt - Pháp, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định mua bò giống cấp cho một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng cao, vùng khó khăn, trong đó có huyện Hoài Ân. Những hộ được nhận bò giống có cuộc sống đỡ vất vả hơn sau khi “bò mẹ đẻ bò con, bò con đẻ bò cháu”. Thậm chí những con bò còn cho những hộ được nhận bò giống sửa chữa được nhà ở khang trang, cho con cái cơ hội đi học nghề, tạo lâp cuộc sống. Nhận thấy việc hỗ trợ bò giống tựa như trao cho họ “cần câu cơm”, hiệu quả mang lại rất cao, nên những năm gần đây Hội Chữ thập đỏ huyện Hoài Ân triển khai cho các Hội Chữ thập đỏ cơ sở vận động, quyên góp, mua bò tặng cho hộ khó khăn là người dân trong xã.

“Trước khi đi quyên góp, chúng tôi tổ chức khảo sát thực tế và đưa ra nhân vật cụ thể cần giúp đỡ khi đi vận động. Những người quyên góp theo chương trình này sẵn lòng “mở hầu bao”, bởi họ thấy đồng tiền mình đóng góp hữu ích khi giúp được cho người có gia cảnh khó khăn ở địa phương cơ hội thoát nghèo”, bà Ngô Thị Kim Anh chia sẻ.

1 hộ dân ở xã Ân Hảo Tây nhận tiền hỗ trợ của của Hội Chữ Thập Đỏ huyện Hoài Ân mua tằm nuôi thành công. Ảnh: V.Đ.T.

1 hộ dân ở xã Ân Hảo Tây nhận tiền hỗ trợ của của Hội Chữ Thập Đỏ huyện Hoài Ân mua tằm nuôi thành công. Ảnh: V.Đ.T.

Những người làm từ thiện ở huyện Hoài Ân còn linh động trao “cần câu cơm”  tùy đặc thù người nghèo ấy ở địa phương nào. Ví như bò giống, chỉ trao cho những hộ ở miền núi hoặc ở những có điều kiện chăn nuôi. Hoặc như trong năm 2023, khi thấy nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Ân Hảo Tây hồi sinh, Hội Chữ thập đỏ xã vận động, trao tiền hỗ trợ cho những đối tượng dễ bị tổn thương mua tằm về nuôi. Nhận được 500.000đ không phải là số tiền lớn, nhưng họ mua được 2 hộp tằm, sau khi nuôi bán được 6-7 triệu đồng và cứ thế càng ngày họ càng nhân rộng quy mô nuôi. Ông bà có nói “Ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay”, nghề trồng dâu nuôi tằm đã vực dậy cuộc sống của những người trước đây phải sống nhờ vào gạo cứu trợ.

Gần cả đời với nghề chuyên đi xin tiền để làm từ thiện, trong ký ức của bà Ngô Thị Kim Anh đầy ắp những kỷ niệm khó quên. “Còn nhớ vào 1 dịp Tết Trung thu, lòng tôi đang đau đáu không biết kiếm đâu ra 10 triệu đồng để mua bánh kẹo làm quà trung thu cho các cháu đồng bào thiểu số ở các xã vùng cao. Tôi chia sẻ tâm nguyện muốn làm chương trình “Trung thu cho em” với khoản tiền cần có lên Facebook kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ. 10 giờ đêm hôm ấy, tôi nghe điện thoại ting ting, kiểm tra thì thấy tài khoản của mình vừa được cộng 10 triệu đồng, người chuyển tiền là 1 con em người Hoài Ân đang làm việc tại Sài Gòn, tôi mừng đến nỗi giữa khuya mà gọi điện khoe với chị em và hoạch định chương trình mừng trung cho các cháu ở những vùng cao”, bà Kim Anh xúc động kể lại.

Bếp ăn tình thương tại Trung tâm Y tế huyện Hoài Ân của Hội Chữ thập đỏ huyện Hoài Ân. Ảnh: V.Đ.T.

Bếp ăn tình thương tại Trung tâm Y tế huyện Hoài Ân của Hội Chữ thập đỏ huyện Hoài Ân. Ảnh: V.Đ.T.

Huyện Hoài Ân là địa bàn bị chia cắt, vào những mùa mưa lũ, học sinh phải đi đò qua sông hoặc phải lội qua suối để đi học nên thường xảy ra tình trạng đuối nước. Xuất phát từ thực tế trên, từ năm 2010 đến nay, năm nào Hội Chữ thập đỏ huyện Hoài Ân cũng mở 2 lớp dạy bơi miễn phí vào dịp học sinh nghỉ hè để phổ biến kiến thức phòng tránh đuối nước cho học sinh.

“Kinh phí mở lớp dạy bơi chúng tôi cũng… đi xin. Thầy dạy bơi là những cán bộ Phòng Giáo dục huyện và 1 thanh niên ở địa phương được đào tạo chuyên môn bài bản và được cấp chứng chỉ dạy bơi. Họ đứng lớp cũng với tinh thần từ thiện, mỗi lớp như thế có 30 em được dạy bơi và nắm bắt kiến thức phòng tránh đuối nước. Nhờ đó, tình trạng học sinh bị đuối nước trong những mùa mưa lũ trên địa bàn được giảm thiểu rõ rệt”, bà Ngô Thị Kim Anh chia sẻ.

Xem thêm
Bãi nhiệm chức vụ loạt nhân sự cấp cao ở tỉnh Vĩnh Phúc

Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã bãi nhiệm nhiều chức vụ của các cán bộ đã bị bắt tạm giam hoặc đã bị kỷ luật.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm