| Hotline: 0983.970.780

Lặn bắt sò láng 'quậy' đục nước vịnh Xuân Đài, gây hại tôm hùm nuôi

Thứ Hai 13/08/2018 , 06:01 (GMT+7)

Hiện nhiều người dân TX Ninh Hòa, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) đến vịnh Xuân Đài, TX Sông Cầu (Phú Yên) dùng ghe ra giữa vịnh lặn bắt sò láng (sò lụa). Trong quá trình lặn moi bùn tìm bắt sò gây đục nước, ảnh hưởng đến hô hấp của tôm. 

09-16-35_xun_di
Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên lấy mẫu nước vùng nuôi tôm trên vịnh Xuân Đài

Nhiều lồng nuôi tôm con yếu sức chết, còn tôm lớn thì đỏ mắt, bỏ ăn.
 

Ban đêm đi moi bùn

Ông Nguyễn Văn Tiến nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Đài khu vực phường Xuân Thành cho hay: Gần tháng nay, nhiều người từ Cam Ranh ra đi ghe lặn moi bùn tìm bắt sò láng. Họ lặn bắt từ 5h tối đến mờ sáng. Sò láng sống vùi sâu dưới bùn, nên muốn bắt được, phải lặn sâu 5 - 7m moi bùn lên. Họ dàn hàng ngang moi bùn nên nước vùng này đục ngầu. Nước bùn tràn vào lồng tôm, lứa tôm nhỏ ngộp thở chết, còn tôm lớn cay mắt, bỏ ăn.

Ông Đinh Văn Tấn ở Vũng Dông (xã Xuân Phương), phàn nàn: "Những người bắt sò láng từ Khánh Hòa ra lặn ngụp quanh năm suốt tháng, trừ khi quá lạnh. Bắt sò láng, phải moi bùn rồi mằn trong bùn để tìm con sò, vì vậy nước bùn tan ra đen thui. Sáng tôi lặn xuống lồng kiểm tra tôm ăn thức ăn còn nhiều hay ít nhưng nước đen quá, không thấy".

Theo nhiều người sống quanh vịnh Xuân Đài, sò láng sống trong môi trường tự nhiên, thịt dai, ăn ngon nên được nhiều người ưa chuộng. Các hải sản khác như vẹm đá, cua ghẹ có thời điểm hạ giá, ế hàng, nhưng sò láng bắt được bao nhiêu bán hết bấy nhiêu.

Hiện sò láng được thương lái mua với giá 100.000 - 120.000 đồng/kg; mỗi ngày, lặn bắt được 10 - 12kg, thu nhập khoảng 1 triệu đồng nên không chỉ người dân tỉnh ngoài mà người địa phương thi nhau lặn bắt. Họ lặn bắt phía ngoài lồng tôm nên người nuôi tôm khó nói được họ. Khuya, có lúc họ lén moi bùn sát lồng nuôi tôm để bắt sò.

“Tôi có 10 lồng nuôi tôm hùm con, trung bình mỗi lồng ương 200 con, giá tôm con 17.000 đồng/con, nhưng do người lặn bắt sò quậy đục nước, tôm con yếu sức chết hao hụt nay chỉ còn 50 con/lồng. Tôi tìm mua con giống rất khó vì tôm giống nhập từ nước ngoài. Vì vậy đề nghị ngành chức năng tuần tra ngăn chặn, nếu không thì vùng này nước ô nhiễm, tôm chết hết”, ông Bùi Tấn, một người nuôi tôm than vãn.
 

Nguồn nước ô nhiễm

Vùng nuôi tôm hùm đang có trên ngàn người dân khắp nơi đến làm nghề nuôi tôm hùm, với trên 50.000 lồng. Hàng ngày có hàng tấn thức ăn tươi sống cho tôm hùm ăn là cá giã (đủ loại cá trộn chung lại) trút xuống đầm, tôm ăn không hết, thức ăn thừa mứa chìm xuống đáy đầm, để tránh ô nhiễm tầng đáy nên nuôi tôm phải nuôi “ganh” (dùng can nhựa lận vào để lồng nổi lưng chừng, chứ không nuôi chìm).

Thế nhưng người bắt sò moi bùn lên chẳng khác nào họ trộn nước ô nhiễm tầng đáy lên tầng giữa, tầng trên nên có nuôi ganh cũng bị dính ô nhiễm. Do nguồn nước ô nhiễm, nhiều tháng qua tôm nuôi bị dịch bệnh chết, khoảng 10 - 15%.

Theo kết quả quan trắc môi trường nước trung tuần tháng 7 tại vùng nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Đài của Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên, thì chỉ tiêu NH3 vượt giới hạn cho phép tại vùng nuôi Dân Phước (phường Xuân Thành); mẫu nước tầng đáy dao động 0,01 - 0,04mg/l, so với đợt quan trắc đầu tháng 7/2018 thì chỉ tiêu NH3 tăng 2 điểm vượt ngưỡng. Hàm lượng oxy hòa tan trong nước cũng thấp hơn giới hạn cho phép.

Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên khuyến cáo, qua kết quả quan trắc, người nuôi tôm hùm cần tăng cường vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ, không để hàu, hà… bám vào lồng làm giảm sự lưu thông dòng nước giữa bên ngoài và bên trong lồng nuôi.

Quản lý lượng thức ăn, không để thức ăn dư thừa, thường xuyên kiểm tra nước phân tầng để kịp thời điều chỉnh lồng nuôi, cần thiết treo các bao tải vôi trong các gốc lồng nhằm hạn chế tảo tàn do mưa dông.

Ông Đỗ Văn Chính, Trưởng Phòng Kinh tế TX Sông Cầu cho biết, từ nay đến cuối năm, Phòng Kinh tế phối hợp với các Đồn Biên phòng và UBND các xã, phường của TX Sông Cầu kiểm tra, xử lý theo quy định đối với tàu cá hoạt động trong đầm vịnh và tuyến bờ làm nghề cào sò, lưới kéo, bóng Thái Lan, giã điện…, qua đó ngăn chặn hoạt động khai thác thủy sản bằng nghề cấm trên địa bàn TX.

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản vừa có chuyến kiểm tra vùng nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Đài, cho biết: Để nguồn nước không bị ô nhiễm thì địa phương kiểm soát tốt số lượng lồng nuôi phù hợp với sức tải của vùng nước, kiên quyết giảm mật độ lồng nuôi.

Ngăn chặn tình trạng đánh bắt hải sản trái phép dưới vịnh, theo dõi sát diễn biến môi trường để có khuyến cáo cho người dân. Mùa mưa bão đến, có phương án chống bão cho lồng tôm, sắp xếp lại lồng bè để không ảnh hưởng đến đường di chuyển vào khu neo đậu tránh trú bão của tàu cá.

 

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.