| Hotline: 0983.970.780

Lần đầu tiên GDP nông, lâm, thủy sản của nước ta tăng trưởng âm

Thứ Tư 29/06/2016 , 19:52 (GMT+7)

Trước ảnh hưởng nặng nề của thiên tai bất thường, SX nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2016 bị chững lại. Tuy nhiên, XK nông lâm thủy sản vẫn giữ được đà tăng trưởng khả quan.

16-32-38_ntk_1879
Ảnh: Lê Bền

 

Trồng trọt thất bát

Ngành nông nghiệp bước vào năm 2016 với vô vàn khó khăn thách thức, đặc biệt là tình hình hạn hán kéo dài kỷ lục tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên; hạn – mặn lịch sử tại ĐBSCL vốn là vựa SX nông nghiệp của cả nước.

Bên cạnh đó, thị trường XK một số mặt hàng nông sản chủ lực như cao su, cà phê, lúa gạo… tiếp tục khó khăn, một số mặt hàng thủy sản đối mặt nhiều thách thức về tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng, bị các thị trường lớn như EU, Mỹ cảnh báo… Những tác động tiêu cực này đã khiến SX nông nghiệp nửa đầu năm 2016 của nước ta bị chững lại.

Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2016, lần đầu tiên GDP nông, lâm, thủy sản của nước ta tăng trưởng âm, giảm 0,18% so với cùng kỳ năm 2015; giá trị SX toàn ngành ước đạt 397,4 nghìn tỉ đồng, giảm 0,1%. Trong đó, trồng trọt là lĩnh vực có mức tụt giảm nặng nề nhất với mức giảm 3% về giá trị SX.

Tính đến trung tuần tháng 6/2016, sản lượng lúa ĐX cả nước ước đạt 19,37 triệu tấn, giảm 1,32 triệu tấn (-6,4%) so với vụ ĐX 2015. 

Do ảnh hưởng nặng nề của hạn hán và xâm nhập mặn, một số vùng không thể SX đã khiến năng suất và sản lượng lúa các tỉnh phía Nam giảm mạnh (năng suất tụt 6,1 tạ/ha, sản lượng tụt 1,3 triệu tấn), trong đó vùng ĐBSCL ước tụt sản lượng khoảng trên 1,1 triệu tấn.


Năng suất và sản lượng lúa các tỉnh phía Nam giảm mạnh

 

So với vụ ĐX 2015, một số cây ngắn ngày khác cũng giảm mạnh như ngô giảm 8,5 nghìn ha, đậu tương giảm 13 nghìn ha, mía giảm 1,5 triệu tấn…

Việc chiếm tỉ trọng giá trị SX lớn trong ngành nông nghiệp, nhưng lại tụt mạnh về giá trị SX của ngành trồng trọt được xem là “đầu kéo” khiến giá trị SX toàn ngành tăng trưởng ở mức âm trong nửa đầu năm 2016. Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo trong 6 tháng tới, toàn ngành nông nghiệp sẽ phải nỗ lực, tận dụng tối đa mọi khả năng có thể để phục hồi và duy trì tăng trưởng của ngành. 

Cụ thể đối với SX lúa, Bộ trưởng chỉ đạo từ nay tới cuối năm cả nước sẽ còn 3 vụ lúa là vụ mùa ở phía Bắc, vụ hè thu và vụ thu đông ở ĐBSCL.

Nhờ thị trường ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt, chăn nuôi là một trong những điểm sáng trong ngành nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2016 khi hầu như tất cả các sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm đều được giá, người chăn nuôi có lãi cao. Bên cạnh đó, vấn nạn chất cấm trong chăn nuôi đã cơ bản được ngăn chặn, và bước đầu đang triển khai có hiệu quả việc quản lí kháng sinh… 
Theo Tổng cục Thống kê, giá trị SX ngành chăn nuôi 6 tháng đầu năm đạt trên 88 nghìn tỉ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định, khả năng ngành chăn nuôi đạt mức tăng trưởng 5,5% trong năm 2016 là hoàn toàn có thể.

Theo đó để bù cho sản lượng đã bị tụt giảm trong vụ ĐX, phải giữ bằng được thắng lợi SX vụ mùa ở phía Bắc. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng: Mặc dù lúa hè thu ở ĐBSCL phải xuống giống muộn hơn mọi năm do hạn – mặn, tuy nhiên vẫn sẽ có cơ hội lớn cho lúa vụ 3 (vụ thu đông).

Theo đó, khả năng sẽ tăng thêm được ít nhất 25 nghìn ha lúa vụ 3 ở ĐBSCL, tương đương tăng thêm sản lượng từ 130 - 150 nghìn tấn để bù đắp cho vụ ĐX là hoàn toàn có thể.

“Do thị trường XK gạo đang tốt nên các tỉnh cần lưu ý tăng mạnh về lúa thơm chất lượng cao trong vụ thu đông tới, cố gắng đưa tỉ lệ lúa thơm lên khoảng 30%”, ông Doanh lưu ý. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cũng lạc quan cho rằng từ nay tới cuối năm, cơ hội cho XK gạo của nước ta sẽ rất tốt, đặc biệt là thị trường Trung Quốc sau khi hai nước mới ký nghị định thư về kiểm dịch thực vật.

Lấy tôm bù lúa

Mặc dù giảm về giá trị SX, tuy nhiên XK nông sản nửa đầu năm 2016 đang đem lại nhiều tín hiệu khả quan khi vẫn giữ được đà tăng trưởng khá. Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch XK toàn ngành 6 tháng đầu năm ước đạt 15,04 tỉ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong đó, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 7,32 tỉ USD, tăng 5,1%. Một số mặt hàng có mức tăng kim ngạch khá như cà phê tăng 17,6%; hạt điều tăng 11%; hồ tiêu 6,6% và đặc biệt là mặt hàng rau quả tiếp tục bứt phá mạnh mẽ về XK khi tăng tới 37,5% so với cùng kỳ năm trước.

Thủy sản cũng là ngành mặc dù gặp rất nhiều biến cố nhưng vẫn giữ được kim ngạch XK 3,8 tỉ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2015.

Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Năm 2016 là năm mà ngành thủy sản phải đối với nhiều khó khăn đặc biệt khi vùng nuôi trọng điểm ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn – mặn, khiến trên 81 nghìn ha nuôi tôm ở 8 tỉnh ĐBSCL bị thiệt hại.

16-32-38_t9
Thủy sản, nhất là tôm nước lợ đang là hi vọng cứu cánh cho ngành nông nghiệp từ nay tới cuối năm 2016

 

Trong khi đó, đánh bắt hải sản chịu ảnh hưởng nặng nề do sự cố môi trường ở các tỉnh miền Trung (sản lượng đánh bắt 6 tháng đầu năm của Hà Tĩnh giảm 6%, Quảng Bình giảm 23,6%, Quảng Trị 14,3% và Thừa Thiên- Huế 30%). Mặc dù vậy, tổng sản lượng hải sản khai thác nửa đầu năm 2016 vẫn tăng gần 3%, sản lượng thủy sản nuôi trồng vẫn cơ bản giữ được so với cùng kỳ năm 2015 với mức 1,58 triệu tấn (tăng nhẹ 0,7%)…

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, hạn – mặn hiện đã chấm dứt, vụ thả nuôi tôm mới ở ĐBSCL đang bắt đầu, thị trường XK thủy sản, nhất là tôm đang rất tốt nên có thể nói đây là mảng còn có dư địa, đem lại hi vọng có thể cứu cánh cho ngành nông nghiệp trong năm nay.

“Một kg tôm có giá trị bằng 20kg lúa. Vụ ĐX cả nước bị tụt khoảng 1 triệu tấn lúa, tương đương khoảng 6.000 tỉ đồng. Sáu tháng đầu năm, nuôi tôm cũng bị tụt đi khoảng 8 nghìn tấn do hạn – mặn, tương đương với 160 nghìn tấn lúa. Nếu từ nay đến cuối năm, chúng ta tăng được 60 nghìn tấn tôm so với năm ngoái, thì có thể nói sẽ đủ bù cho giá trị SX toàn ngành bị tụt giảm”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, muốn “lấy tôm cứu lúa”, toàn ngành thủy sản phải giữ và duy trì liên tục bằng được thị trường XK từ nay đến cuối năm, đồng thời giám sát mạnh mẽ về vấn đề tồn dư kháng sinh trên thủy sản, không để tái diễn việc bị các thị trường XK cảnh báo như thời gian qua.

Với ảnh hưởng của thiên tai bất thường so với trung bình nhiều năm, 6 tháng đầu năm 2016, việc duy trì được giá trị SX ở mức tương đương so với cùng kỳ năm 2015 là một cố gắng lớn của Bộ NN-PTNT và toàn ngành nông nghiệp, đặc biệt đã hạn chế được ở mức tối đa thiệt hại do thiên tai trong trồng trọt, đồng thời nỗ lực phát huy được khả năng phát triển về chăn nuôi, lâm nghiệp và XK.

Cùng với việc xử lí các vấn đề có tính chất tình huống, toàn ngành đã đồng thời nỗ lực triển khai các giải pháp tái cơ cấu ngành, bắt đầu có sự chuyển biến rõ nét…

Từ nay tới cuối năm, để phục hồi và duy trì tăng trưởng của ngành, sẽ cần các giải pháp không chỉ cho tình huống mà còn cho lâu dài, đặc biệt là triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách, nhất là cơ chế chính sách có tính chất động lực cho phát triển ngành.

(Bộ trưởng Cao Đức Phát)

 

Xem thêm
Tiêu thụ điện lập kỷ lục mới trong những ngày đầu nghỉ lễ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng tiêu thụ điện ngày cả nước và công suất cực đại hệ thống điện đã đạt kỷ lục mới.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.

Bình luận mới nhất