| Hotline: 0983.970.780

Lần đầu tiên, Việt Nam chủ động được tôm bố mẹ

Thứ Sáu 10/11/2017 , 08:17 (GMT+7)

Trong hội nghị ngành tôm toàn quốc tổ chức ngay sau tết âm lịch, vào giữa tháng 2/2017 tại vùng đất mũi Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra mục tiêu Việt Nam phải đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm 10 tỷ USD vào năm 2025.

Con số này cao gấp 3 lần so với kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2016 là 3,25 tỷ USD.
 

Thủ tướng "đặt hàng"

Có thể nói, chưa bao giờ ngành tôm Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, và để đạt được mục tiêu mà Thủ tướng "đặt hàng" ngay trong những ngày đầu năm mới như lúc này. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ NN- PTNT Nguyễn Xuân Cường đều quan tâm và đặt ra quyết tâm cao nhất để con tôm thực sự là con thủy sản mũi nhọn, đi đầu, chiếm kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong ngành thủy sản.

12-05-08_dontongbithuphutrong
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Bộ NN- PTNT Nguyễn Xuân Cường thăm khu nhà kính nuôi tôm công nghệ cao của Tập đoàn Việt- Úc tại tỉnh Bạc Liêu


Tuy nhiên, ngành tôm cũng đối diện với nhiều thách thức nếu muốn triển khai thành công mục tiêu trên. Một trong số những thách thức đó là việc chủ động nguồn tôm bố mẹ. Bởi từ trước đến nay, Việt Nam phải nhập khẩu hoàn toàn nguồn tôm bố mẹ này từ 3 quốc gia là Mỹ, Singapore và Thái Lan. "Nhất cử nhất động" của 3 quốc gia này đều ảnh hưởng đến nguồn cung tôm giống của Việt Nam.

Điều này đặt ngành tôm của cả một quốc gia có kim ngạch XK tôm lớn như Việt Nam lệ thuộc vào nguồn tôm bố mẹ bên ngoài. Dân gian có câu: “Nhất giống, nhì môi, tam mồi, tứ kỹ”. Trong đó, con giống đóng vai trò then chốt. Để sản xuất được con giống chất lượng, nguồn tôm bố mẹ đóng vai trò quyết định, nếu không nói là duy nhất.

Để giải quyết bài toán này, cả ngành tôm Việt Nam từ các Viện, Trường đến các doanh nghiệp đều đã vào cuộc. Tuy nhiên, việc tự chủ được con giống tôm không phải quốc gia nào cũng làm được, kể cả các nước có ngành nuôi tôm phát triển.

Hiện nay, tôm bố mẹ được cung cấp từ nguồn khai thác tự nhiên kết hợp với nhập khẩu từ nước ngoài. Chất lượng tôm bố mẹ vẫn chưa ổn định, mặc dù đã được Chính phủ quan tâm đầu tư, song vẫn chưa mang lại kết quả như mong muốn. Bên cạnh đó, ngành tôm giống còn phải đối mặt với khó khăn như chưa làm chủ công nghệ chọn tạo, cung ứng giống, giá thành sản xuất tôm còn cao, phần lớn hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo.

Mặc dù đã có những cơ sở cung cấp tôm giống được đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ kỹ thuật có trình độ, cung cấp sản phẩm tôm giống có chất lượng và thương hiệu, được người dân tin dung, nhưng Việt Nam vẫn chưa chủ động được tôm giống bố mẹ.

Cả nước hiện có khoảng 2.422 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, trong đó có 1.861 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 561 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, cung cấp hơn 100 tỷ tôm giống mỗi năm, nhưng lượng tôm giống này chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu nội địa, đặc biệt là tôm chân trắng.

Ngoài ra, việc quản lý kinh doanh tôm giống tại nhiều địa phương cũng còn nhiều bất cập. Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều chợ mua bán tôm giống đã hình thành tại các thủ phủ nuôi tôm như Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang. Tôm giống bày bán tại đây nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, không đủ giấy tờ chứng minh kiểm dịch, chất lượng không đảm bảo, vận chuyển và bảo quản trong điều kiện kém. Đây cũng là lý do khiến người nuôi tôm có nguy cơ gặp rủi ro cao trong quá trình thả nuôi.
 

Việt - Úc đi đầu

Chính phủ và các Bộ, Ban, ngành liên quan đã ban hành nhiều thông tư, nghị định về quản lý giống thủy sản, góp phần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát con giống ngày càng tốt hơn.

dm142907704
Ngành công nghiệp tôm Việt Nam đã được hiện đại hóa từ khâu sản xuất giống, thức ăn đến nuôi trồng và chế biến
Diện tích và sản lượng tôm của nước ta ngày càng tăng, đến năm 2016, diện tích thả nuôi tôm 649.645ha với sản lượng 657.282 tấn, giá trị xuất khẩu đạt trên 3,15 tỷ USD. Tuy nhiên, ngành tôm của Việt Nam vẫn đang phải đương đầu với bài toán căn cơ có tính nền tảng cho sự phát triển của ngành, đó là tôm giống. Câu hỏi đó giờ đây đã được Việt - Úc giải đáp!

Cùng với đó, trong khuôn khổ chương trình phát triển sản xuất tôm thẻ chân trắng bố mẹ trong nước, Tổng cục Thủy sản đã chủ trì, giao các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản (NTTS) I, II, III lai tạo được một số dòng tôm thẻ chân trắng chất lượng cao và đã tiến hành sản xuất giống, thả nuôi thương phẩm để đánh giá, khảo nghiệm. Có thể kể đến như tôm sú MOANA do Viện Nghiên cứu NTTS I hợp tác cùng Công ty MOANA của Mỹ nghiên cứu và phát triển.

Bộ NN-PTNT cũng ban hành Kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất tôm bảo đảm an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu, xây dựng các cơ sở nuôi tôm có chuỗi sản xuất được chứng nhận an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và theo yêu cầu của nước nhập khẩu, góp phần xây dựng thương hiệu cho con tôm Việt Nam.

Bộ đặt ra kế hoạch đến hết năm 2017 có ít nhất 10% số cơ sở sản xuất tôm giống có quy mô sản xuất mỗi năm trên 1 tỷ tôm giống được đăng ký chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định của Thông tư 14 của Bộ NN- PTNT và ít nhất 1 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn của OIE để có thể xuất khẩu tôm nguyên con và các sản phẩm tôm đi các nước.

Để có thể phát triển ngành sản xuất tôm giống, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với các Viện nghiên cứu. Ngoài ra, cần có quy hoạch vùng nuôi cụ thể, nhất là vùng ĐBSCL, xác định rõ nhu cầu để tránh dư thừa cung – cầu.

Mục tiêu đề ra đến năm 2020, nước ta sẽ chủ động cung cấp 100% nhu cầu giống phục vụ nuôi trồng. Con giống được ví như nền móng giúp xây dựng ngành tôm phát triển bền vững và hiệu quả. Do đó, càng cần phải sớm tập trung đầu tư, phát triển hệ thống cung ứng tôm giống sạch bệnh, chất lượng cao giúp xây dựng ngành tôm Việt Nam hiện đại, bền vững và giá trị cao.

Với quyết tâm đó, Tập đoàn Việt – Úc đã thành công trong chương trình chọn giống tôm bố mẹ. Việt – Úc là Tập đoàn dẫn đầu trong ngành tôm giống Việt Nam với thị phần hơn 25%. Chương trình chọn giống tôm bố mẹ được Tập đoàn Việt – Úc hợp tác với Viện CSIRO - Viện nghiên cứu nông nghiệp lớn nhất của Úc, triển khai trong hơn 5 năm.

Với sự tham gia của 13 tiến sĩ và đội ngũ hơn 50 người, chương trình đã ứng dụng nhiều công nghệ vượt trội như công nghệ di truyền phân tử, di truyền số lượng … để sản xuất ra những con giống chất lượng tốt nhất. Đến hôm nay, Tập đoàn Việt – Úc đã chọn được đến thế hệ G7 với tỷ lệ tăng trưởng tốt hơn thế hệ đầu tiên là 48%. Đây là những tín hiệu hết sức tốt đẹp với ngành tôm nước nhà.

Đáp lại lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp đầu ngành đã phát huy vai trò của mình để thúc đẩy sự phát triển của ngành tôm. Chúng ta hoàn toàn hy vọng rằng, mong đợi của Thủ tướng sẽ trở thành hiện thực khi vào năm 2025 kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ đạt 10 tỷ USD.

Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục phó Tổng cục Thủy sản:

Sự kiện này có ý nghĩa rất lớn, đánh dấu việc lần đầu tiên một công ty SX được tôm giống ngay tại Việt Nam, thay vì chúng ta phải đi mua con giống ở nước ngoài về. Với số lượng trên dưới chục ngàn tôm bố mẹ, nguồn tôm giống SX tại chỗ chưa nhiều, mới cung cấp một phần con giống cho người nuôi tôm nhưng chắc chắc chắn thời gian tới, khi Tập đoàn Việt- Úc tăng quy mô lên sẽ giúp chủ động nguồn tôm giống trong nước.

SX tôm giống không hề đơn giản, chỉ những công ty lớn, có tiềm lực nhất là tiềm lực, sức mạnh khoa học- công nghệ, lòng yêu nghề mới làm được. Hy vọng sẽ có nhiều công ty khác nối bước, làm theo Việt- Úc.

 

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.