Vẫn bám trụ dù vẫn "dính" 7 viên đạn trong người
Vườn quốc gia Chư Yang Sin (Đăk Lăk) có diện tích 59.491,2ha với địa hình chia cắt bởi núi cao, vực sâu nên việc di chuyển để tuần tra rừng gặp rất nhiều khó khăn.
Những ngày cuối tháng tư, phóng viên theo chân các cán bộ của Trạm quản lý bảo vệ rừng số 6, Vườn quốc gia Chư Yang Sin đi sâu vào những cánh rừng nguyên sinh nằm trên địa bàn thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông. Đây là trạm quản lý bảo vệ rừng gần khu dân cư nhất nhưng cũng là một trong những nơi có nguy cơ bị người dân lấn chiếm nếu không kịp thời phát hiện.
Vừa đi, kiểm lâm Phan Văn Đức, Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng số 6 cho biết, rừng ở đây gần khu dân cư. Những khu vực xung quanh trước đây chính quyền địa phương giao cho các nhóm hộ quản lý theo Quyết định 178 hiện đã bị lấn chiếm, cưa hạ gần hết cây rừng.
“Nhìn từ bên ngoài những khu vực do người dân quản lý vẫn còn xanh tốt nhưng thực chất bên trong đã hết rừng. Sau khi rừng phía dưới không còn, nhiều trường hợp lẻn vào vườn cưa hạ cây”, anh Đức cho biết.
Để ngăn chặn người dân xâm hại đến rừng, Trạm quản lý bảo vệ rừng số 6 dựng một lán trại cố định trên đỉnh đồi và cử cán bộ thường xuyên túc trực tại đây. Mặc dù từ căn nhà của trạm nhìn lên lán trại chỉ gần 10km nhưng những cán bộ phải đi nửa ngày mới đến nơi.
Do địa hình đặc trưng của Vườn quốc gia Chư Yang Sin là đồi núi dựng đứng nên mọi việc tuần tra gặp không ít khó khăn, nhất là mùa mưa. Dẫn phóng viên đi theo đường mòn lên đỉnh núi, anh Đức liên tục nhắc cẩn thận vì dốc đứng dễ trượt chân. Những cán bộ của trạm khi đi tuần tra bị trượt chân té ngã là bình thường vì đường dốc.
Đi thêm một đoạn, anh Đức mở bản đồ trên điện thoại di động, sử dụng thiết bị chuyên dụng, xác đinh vị trí chính xác nơi đang dừng chân. Trên định vị, những mảng xanh của rừng hiện rõ minh chứng cho việc rừng không bị người dân xâm hại.
"Công việc có khi đi rừng cả tuần, điện thoại mang theo chỉ để xem bản đồ chứ không nghe gọi được. Anh em thay nhau đi tuần tra, mắc võng ngủ lại luôn trong rừng. Hơn 10 năm nay, chúng tôi đã quen với cảnh ‘ăn suối, ngủ rừng’ này rồi!", anh Đức nói dí dỏm trong lúc ngồi nghỉ chân.
Giọng kiểm lâm này bỗng chậm lại khi nhắc về công việc của mình. Đối với anh Đức, việc giữ rừng đã mang đến cho anh nhiều kỷ niệm. Đã có lúc, nhiều cán bộ kiểm lâm phải đánh đổi bằng máu, sức khỏe để hoàn thành công việc.
Chuyện "giáp mặt" với lâm tặc xưa nay không phải là hiếm đối với những người giữ rừng. Vì trách nhiệm, vì công việc, buộc họ phải chấp nhận mạo hiểm để bảo vệ từng gốc cây, mảnh đất thuộc lâm phần của đơn vị. Chính điều đó đã khiến nhiều người không thể "trụ” được nghề.
Là một trong những người gắn bó với Vườn quốc gia Chư Yang Sin lâu nhất, ông Huỳnh Minh Giang, cán bộ pháp chế có hơn 20 năm cống hiến cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Ông Giang gắng bó với vườn, lấy võng làm nhà ở hầu hết các khu vực trong rừng. Nói về việc giữ rừng, ông Giang tự hào Vườn quốc gia Chư Yang Sin là một trong những đơn vị giữ rừng tốt nhất cả nước.
Tuy nhiên theo ông Giang, để làm được việc này, các cán bộ kiểm lâm phải bỏ lại gia đình phía sau, đối diện với nhiều nguy hiểm trong rừng. Đặc biệt lâm tặc, người dân càng ngày càng có nhiều cách đối phó với lực lượng chức năng.
Lâm tặc, người dân đi săn hiểu rõ lực lượng kiểm lâm không được nổ súng bắn họ nên những trường hợp này rất manh động. Tiêu biểu như năm 2018, hai cán bộ kiểm lâm bị nhóm đối tượng đi săn bắn bị thương. Thời điểm này 3 cán bộ kiểm lâm được trang bị 3 khẩu súng nhưng vẫn không dám nổ súng về phía lâm tặc vì sợ xảy ra án mạng. Sau vụ việc, 2 kiểm lâm bị thương một thì lo sợ nên nghỉ việc, trường hợp còn lại tiếp tục gắng bó với nghề nhưng trong người vẫn còn dính 7 viên đạn bi chưa thể lấy ra.
“Ngày xưa lâm tặc, người dân vi phạm khi thấy bóng dáng lực lượng kiểm lâm rất sợ. Nhưng bây giờ nếu thấy kiểm lâm yếu thế hơn thì họ sẵn sàng quay vũ khí chống lại mình”, ông Giang chia sẻ.
Đặc biệt, có nhiều trường hợp dào hố rồi vót tre nhọn cắm bên dưới, lấp lá lên trên để gài bẫy lực lượng chức năng. Vừa qua, một hộ dân nhận giao khoáng bảo vệ rừng của vườn dẫm phải chông tre trong lúc đi tuần tra với kiểm lâm. Khi phát hiện sự việc, nhóm cán bộ kiểm tra xung quanh thì phát hiện thêm hơn 5 hố cắm chông tre khác. Nếu không cẩn thận, cán bộ kiểm lâm có thể “dính” bẫy bất cứ lúc nào.
“Càng ngày, đối tượng vi phạm càng manh động vì được chỉ hướng dẫn cách đối phó với cơ quan chức năng. Vì áp lực công việc nhiều cán bộ trẻ hoặc có thâm niên đều chuyển công tác”, ông Giang bùi ngùi.
Lứa cán bộ đầu tiên hầu hết nghỉ việc vì áp lực
Kiểm lâm Kiều Thế Tình, cán bộ quản lý bảo vệ rừng gắng bó với Vườn quốc gia Chư Yang Sin gần 23 năm. Lúc ông Tình vào công tác thời điểm này vườn mới có 14 - 15 cán bộ kiểm lâm. Lứa cán bộ đầu tiên của vườn hầu hết đã nghỉ vì áp lực công việc và áp lực từ phía gia đình.
Theo ông tình khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng rất nhiều. Thời điểm mới thành lập vườn, rừng xung quanh còn rất là nhiều nên sự tác động đến rừng của vườn quốc gia chưa có.
Nhưng hiện nay sự bảo vệ của những đơn vị vòng ngoài không còn nên việc xâm phạm vào vườn quốc gia ngày càng lớn. Ngoài ra, hiện nay cán bộ kiểm lâm ít, phải phục trách công việc gấp 3 lần. Đặc biệt chế độ chính sách cho lực lượng bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế.
“Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng vẫn tự hào là một trong những đơn vị giữ rừng tốt nhất cả nước. Từ khi thành lập vườn đến nay chưa xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm làm nương rẫy. Việc lấn chiếm rừng để canh tác diễn ra trước thời điểm thành lập vườn và cũng nằm bên ngoài khu vực do vườn quản lý. Để được vấn đề này thì lực lượng kiểm lâm của vườn thường xuyên tuần tra, ngăn chặn các vụ xâm lấn. Vườn đã chuyển cơ quan điều tra nhiều trường hợp phá rừng nên người dân cũng có ý thức, những khu vực nào thuộc ranh giới của vườn là không đụng đến”, ông Tình tự hào nói.
Tuy nhiên, ông Tình lo lắng vấn đề nhức nhối hiện nay là việc người dân vào vườn săn bắn thú rừng. Những đối tượng săn bắn rất manh động. Đặc biệt năm 2018 xảy ra vụ đối tượng săn bắt bắn cán bộ kiểm lâm bị thương.
“Mặc dù có nhiều nguy hiểm, áp lực nhưng những cán bộ gắn bó với nghề cố gắng bảo vệ rừng vì 2 chữ "kiểm lâm". Đây là màu áo đã gắng bó với tôi hơn 20 năm qua”, ông Tình chia sẻ.
Ông Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc Vườn quốc gia Chư Yang Sin cho biết, mặt dù đơn vị gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều năm qua không xảy ra tình trạng phá rừng.
Để làm được việc này, Vườn quốc gia Chư Yang Sin thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho người dân, dạy ngoại khóa và tổ chức cuộc thi tìm hiểu bảo vệ rừng. Liên tục tổ chức tuần tra, truy quét tại những điểm nóng để kịp thời xử lý những trường hợp xâm hại đến rừng.
Đặc biệt, Vườn quốc gia Chư Yang Sin thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân vùng đệm. Đây là một trong những lực lượng góp phần giúp cho Vườn quốc gia Chư Yang Sin không bị xâm hại.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cho biết, đơn vị cũng gặp nhiều khó khăn như địa bàn công tác ở vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ đói nghèo còn cao. Dân di cư tự do đến địa phương ngày một tăng, thiếu đất ở và đất sản xuất. Do đó, nguy cơ người dân phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản, săn bắt động vật hoang dã luôn túc trực. Viên chức, người lao động làm việc trong điều kiện hết sức khó khăn (trên 50% thời gian làm việc trực tiếp trong rừng), môi trường làm việc phức tạp, sự đe dọa, tấn công của lâm tặc ngày càng hung hãn và manh động.
“Giữa muôn vàng khó khăn, kiểm lâm cho rằng, không phải họ muốn kêu khó và kể khổ. Chấp nhận công việc, tức là chấp nhận những rủi ro và khó khăn chờ đón phía trước. Tuy nhiên, điều họ mong muốn, là có một chính sách để giữ chân người giữ rừng, để cán bộ thực sự có thể sống được bằng nghề”, ông Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc Vườn quốc gia Chư Yang Sin.