| Hotline: 0983.970.780

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần bảo vệ rừng hiệu quả

Thứ Hai 07/02/2022 , 13:39 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần nâng cao kiến thức về công tác quản lý bảo vệ rừng cho các chủ rừng và chính quyền địa phương.

Tập huấn chi trả môi trường rừng cho cộng đồng dân cư, nhóm hộ gia đình và hộ gia đình, cá nhân. Ảnh: CĐ.

Tập huấn chi trả môi trường rừng cho cộng đồng dân cư, nhóm hộ gia đình và hộ gia đình, cá nhân. Ảnh: CĐ.

Trên 1.240 chủ rừng được hưởng lợi

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 10 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động và 1 đơn vị sản xuất và cung ứng nước sạch tham gia chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hiện tất cả các đơn vị đều đã ký hợp đồng ủy thác chi trả tiền thông qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Trị.

Từ nguồn kinh phí trên, năm 2021, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Trị đã chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho 41.898,71 ha rừng của 1.240 chủ rừng trên địa bàn tỉnh (bao gồm: 5 chủ rừng là tổ chức, 14 UBND xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng, 44 cộng đồng dân cư, nhóm hộ gia đình và 1.177 hộ gia đình, cá nhân), tập trung ở địa bàn 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông.

Tổng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt hơn 17,3 tỷ đồng, trong đó lưu vực Rào Quán và Hạ Rào Quán là 800.000 đồng/ha, lưu vực Khe Nghi là 617.606 đồng/ha, các lưu vực còn lại có đơn giá 300.000.

Thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, các chủ rừng và chính quyền địa phương trong khu vực đã được tập huấn, nâng cao kiến thức về công tác quản lý bảo vệ rừng và một số chính sách phát triển lâm nghiệp của Nhà nước. Từ đó, số vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng, cháy rừng,... giảm đáng kể.

Theo ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, những năm qua, nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần tích cực trong công tác quản lý bảo vệ rừng và xóa đói giảm nghèo đối với hơn 15 xã vùng sâu vùng xa nằm trong lưu vực thủy điện, góp phần nâng cao đời sống cho hơn 1.354 hộ gia đình, cá nhân thuộc 12 cộng đồng dân cư thôn và 62 tổ nhóm nhận khoán bảo vệ rừng của các chủ rừng là tổ chức, UBND xã.

"Từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, các tổ chức, hộ gia đình và cộng đồng đã tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng, tình trạng cháy rừng, xâm lấn đất rừng,... dần được hạn chế tại các vùng sâu vùng xa" , ông Hòe cho biết.

Tỷ lệ chi trả dịch vụ môi trường rừng phi tiền mặt đạt 99%

Trong những năm qua, Ban điều hành Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Trị luôn chú trọng đến công tác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng bằng các hình thức thanh toán phi tiền mặt. Hằng năm, Ban điều hành Quỹ phối hợp với các ngân hàng thương mại triển khai tập huấn, mở tài khoản ngân hàng cho các chủ rừng.

Chính sách chi trả môi trường rừng góp phần tích cực vào công tác quản lý, bảo vệ rừng và xóa đói giảm nghèo ở miền núi. Ảnh: CĐ.

Chính sách chi trả môi trường rừng góp phần tích cực vào công tác quản lý, bảo vệ rừng và xóa đói giảm nghèo ở miền núi. Ảnh: CĐ.

Kết quả đến nay Quỹ đã chi tiền dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản ngân hàng cho các chủ rừng với số tiền 17.146.619.000 đồng/17.331.138.000 đồng (đạt tỉ lệ 99%).

Trong đó, chủ rừng là tổ chức, UBND xã đã được chi trả qua tài khoản ngân hàng số tiền 12.836.106.000 đồng/12.836.106.000 đồng (đạt tỉ lệ 100%).

Đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, nhóm hộ gia đình: chi trả qua tài khoản ngân hàng số tiền 4.310.513.000 đồng/4.495.032.000 đồng (đạt tỉ lệ 96%).

Đối với những hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng còn lại được chi trả bằng hình thức tiền mặt, đây là những hộ có diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng nhỏ, số tiền nhận được còn rất thấp (bình quân dưới 550.000 đồng/năm). Đa phần là người đồng bào dân tộc thiểu số, có trình độ dân trí còn chưa cao, chưa có nguyện vọng mở tài khoản ngân hàng do số tiền nhận được không nhiều.

Để hướng mục tiêu chi trả dịch vụ môi trường rừng phi tiền mặt đạt tỷ lệ 100%, trong thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Trị tiếp tục phối hợp với các ngân hàng thương mại tiến hành làm việc trực tiếp với chính quyền địa phương, chủ rừng tổ chức và tổ nhận khoán bảo vệ rừng tuyên truyền, hướng dẫn tiếp cận giao dịch qua hệ thống ngân hàng.

Đồng thời tìm ra giải pháp thích hợp để hỗ trợ người nhận tiền bảo vệ rừng từ nguồn dịch vụ môi trường rừng theo hình thức phi tiền mặt một cách thuận lợi và đơn giản nhất mà không mất nhiều thời gian, đồng thời đảm bảo tính công khai, minh bạch và giúp cho cơ quan nhà nước thuận tiện trong việc kiểm tra, giám sát.

  • Tags:
Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất