| Hotline: 0983.970.780

Làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm vào vụ Tết

Thứ Hai 17/01/2022 , 17:48 (GMT+7)

PHÚ THỌ Năm nay, lượng cá đỏ phục vụ Tết ông Công ông Táo của làng nghề nuôi cá đỏ Thủy Trầm (xã Tuy Lộc, Cẩm Khê, Phú Thọ) giảm gần nửa so với mọi năm.

Những ngày giáp Tết Nhâm Dần, người dân làng nghề nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đang hối hả cung cấp cá ra thị trường Tết ông Công ông Táo.

Gia đình bà Trần Thị Tài có thâm niên nuôi cá đỏ mấy chục năm. Năm nay, gia đình bà dự kiến thu được hơn 2 tạ cá chép đỏ, được thương lái đặt hàng hơn tháng trước, sau khi trừ chi phí, cho thu nhập trên 50 triệu đồng. Bà cho biết: Trước kia nuôi cá đỏ khó khăn, bây giờ được làm mương máng, nước sạch về tận ao nên nuôi cá thuận lợi. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên người dân trong làng nuôi cũng dè dặt.

Người dân đang hối hả vào vụ thu hoạch cá đỏ phục vụ thị trường Tết. Ảnh: Mạnh Thuần.

Người dân đang hối hả vào vụ thu hoạch cá đỏ phục vụ thị trường Tết. Ảnh: Mạnh Thuần.

Cũng như gia đình bà Tài, gia đình ông Nguyễn Công Vui ở khu 3 Thủy Trầm năm nay thu hoạch tốt hơn. Dự kiến nhà ông cung cấp ra thị trường khoảng trên 2 tạ cá. Cá nhà ông được thương lái đặt cách đây hơn 1 tháng, dự kiến cho thu nhập hơn 40 triệu đồng.

Nghề ươm nuôi cá chép đỏ ở làng Thủy Trầm bắt đầu từ những năm 1960 và phát triển cho đến bây giờ. Năm 2011, UBND tỉnh Phú Thọ đã công nhận làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm và đầu tư cơ sở vật chất phát triển làng nghề.

Hiện nay cả làng có trên 30 ha nuôi cá chép đỏ của 250 hộ dân, trong đó sử dụng trên 1.140 lao động tại chỗ. Thông thường, cá giống sẽ được tiến hành nuôi từ tháng 6, người nuôi cá chăm sóc sao cho đến khi cá thu hoạch có kích cỡ khoảng 3 ngón tay là vừa đẹp.

Những năm trở lại đây, nghề nuôi cá phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế cao nên các hộ gia đình trong làng đã tích cực dồn điền, đổi thửa, củng cố xây dựng bờ ao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng công nghiệp, nhờ vậy năng suất và sản lượng ngày một tăng.

Lượng cá đỏ của làng nghề Thủy Trầm năm nay giảm mạnh do người dân e ngại tiêu thụ khó khăn. Ảnh: Mạnh Thuần. 

Lượng cá đỏ của làng nghề Thủy Trầm năm nay giảm mạnh do người dân e ngại tiêu thụ khó khăn. Ảnh: Mạnh Thuần. 

Cuối năm 2017, UBND xã Tuy Lộc đã quyết định thành lập HTX Cá chép đỏ và Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thủy Trầm với mục đích hỗ trợ người dân sản xuất, kinh doanh cây, con giống nói chung và cá chép đỏ nói riêng. Tháng 12/2018, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ đã công bố và bàn giao văn bằng chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Cá chép đỏ Thuỷ Trầm” cho HTX Cá chép đỏ và Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thuỷ Trầm. Từ đây, người dân Tuy Lộc có thể đẩy mạnh sản xuất, kết nối tiêu thụ, mang cá chép đỏ tiếp tục vươn xa.

Năm nay, nhờ được đầu tư hệ thống thủy lợi, đường giao thông nên bà con nuôi cá thuận lợi, thương lái từ cá tỉnh như TP. Hà Nội, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai… đến tận nơi thu mua, vận chuyển dễ dàng. Tuy nhiên, năm nay tình hình dịch bệnh Covid – 19 nên người dân trong làng nghề lo lắng bởi các thương lái từ những tỉnh khác đến lấy hàng còn gặp nhiều khó khăn.

Tỷ lệ chăn nuôi cá chép đỏ để chuẩn bị cho dịp Tết Nhâm Dần giảm còn hơn một nửa so với mọi năm, sản lượng cá làng nghề dự kiến cung cấp ước tính khoảng trên 30 tấn cá ra thị trường. Trung bình, giá bán 1 kg cá chép đỏ tại bờ từ 120.000 - 150.000 đ/kg, khoảng từ 40 - 50 con/kg. Trừ chi phí, bình quân thu nhập 25 triệu đồng/sào/năm.

Thời gian tới, để đẩy mạnh phát triển sản xuất cá chép đỏ, xã đang hướng người dân đến việc hợp tác sản xuất ổn định để phát triển làng nghề theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, tích cực tổ chức chuyển giao các công nghệ nuôi mới, hiệu quả, đảm bảo môi trường...

Xem thêm
Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất