Bàn về công tác nhân sự cấp cao, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã cảnh tỉnh “đừng thấy đỏ ngỡ chín”, “đừng lấy cái bề ngoài để che đậy cái sơ sài bên trong”. Vai trò và trách nhiệm của lãnh đạo trong thời đại hội nhập vẫn là câu chuyện nóng bỏng, mang yếu tố quyết định cho sự vận động đi lên của dân tộc.
Chiến dịch trấn áp tham nhũng đã và đang diễn ra quyết liệt. Nhiều đại án được đưa ra xét xử, góp phần lấy lại tài sản cho Nhà nước và lấy lại đạo đức cho xã hội.
Thế nhưng, cũng qua những phiên tòa, công chúng đã thấy một hiện tượng đáng buồn là các quan chức tha hóa luôn tìm đủ mọi cách để thoái thác trách nhiệm, phủ nhận vai trò cá nhân lãnh đạo để xảy ra sai phạm nghiêm trọng.
Có thể lấy ví dụ phiên tòa xét xử “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí vi phạm các quy định về quản lý đất đai” mà bị cáo Phan Văn Anh Vũ đã bắt tay với những nhân vật quyền lực ở Đà Nẵng để mua bán 22 nhà, đất và 7 dự án, gây thiệt hại ngân sách 22 nghìn tỷ đồng.
Cả hai cựu Chủ tịch UBND Đà Nẵng là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến đều lần lượt kêu oan. Họ bảo rằng họ chỉ làm theo chủ trương chung và chữ ký của họ chỉ mang tính hình thức. Nghe mà ngao ngán, nghe mà ngậm ngùi.
Thử hỏi, nếu vụ án không bị phanh phui thì họ có tự hào vỗ ngực khoe khoang về “dấu ấn nhiệm kỳ” của họ với Đà Nẵng không? Thấy công trạng thì vơ vào mình, có tội lỗi thì chối bay chối biến, liệu có đáng mặt quan chức được cộng đồng tin cậy không?
Vai trò của lãnh đạo luôn gắn bó quyền lợi và trách nhiệm. Thụ hưởng quyền lợi mà khước từ trách nhiệm, thì sẽ hủy hoại vai trò của lãnh đạo. Trong xu hướng đồng tiền lên ngôi, lãnh đạo cũng phải đối diện với rất nhiều cám dỗ. Do đó, trách nhiệm của lãnh đạo không chỉ phơi bày khi đứng trước tòa án, mà còn phải thể hiện trong từng hành vi hàng ngày.
Cái điệp khúc cứ ra tòa là kêu oan thống thiết của các quan chức suy đồi, khiến chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc hơn về vai trò lãnh đạo hôm nay.
Dường như ở nhiều nơi, địa phương cũng có và trung ương cũng có, quan chức có biểu hiện cố tình hạ thấp trách nhiệm bản thân trước nhân dân.
Để được bổ nhiệm và đề bạt vào những vị trí quan trọng, quan chức phải đáp ứng những tiêu chuẩn cụ thể về trình độ chuyên môn cũng như về ý thức chính trị.
Thế nhưng, khi xảy ra sự cố với địa bàn mình quản lý hoặc lĩnh vực mình phụ trách, thì họ lại nại ra 1001 lý do để chứng minh mình chỉ là người vô can.
Bình thường họ ban hành mệnh lệnh hoặc phê duyệt dự án một cách tự tin về học vấn và bản lĩnh, nhưng khi ra tòa thì họ bào chữa “năng lực hạn chế”. Bình thường họ thể hiện quyền uy một cách khoa trương, nhưng khi ra tòa thì họ chống chế “ngoài tầm kiểm soát”.
Nghịch lý ấy là gì, nếu không gọi là sự hèn kém lươn lẹo? Phải chăng, họ chỉ bám lấy chức vụ để chăm lo lợi ích cho họ và người thân của họ, mà không màng đến được mất của quê hương, của đất nước, của giống nòi?
Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội 13 của Đảng”, đã chỉ rõ: “Một bộ phận cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, thậm chí có người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".
Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…”.
Vai trò người đứng đầu mỗi đoàn thể, mỗi tổ chức, mỗi đơn vị… ngày càng được củng cố và phát huy. Người đứng đầu cũng giống như ngọn cờ, ngọn cờ uy nghiêm thì cả tướng lẫn quân đều tạo thành một khối đoàn kết vững mạnh, còn ngọn cờ chênh cao thì cung nỏ gây họa, giáo mác gây loạn.
Người đứng đầu luôn được trọng vọng, luôn được gửi gắm. Vì vậy, người đứng đầu phải có tinh thần “chịu sào” trước mọi thịnh vượng hoặc mọi sóng gió, chứ không thể quay lưng phủi tay khi có vướng mắc, có lầm lạc, có thất thoát.
Lãnh đạo không thể chọn việc nhẹ bỏ việc nặng. Lãnh đạo không thể ưa nịnh hót ghét trung thực. Lãnh đạo không thể gần gũi kẻ gian manh xa lánh người lương thiện. Lãnh đạo không thể kéo bè kết cánh, tham danh trục lợi. Và quan trọng hơn nữa, lãnh đạo có trách nhiệm trong xã hội văn minh, phải thiết lập một quan niệm đúng đắn rằng: Người tốt không phải là người không làm việc xấu, mà không làm được việc tốt đã là người xấu.
Từ khi có mạng xã hội, trách nhiệm của người lãnh đạo càng được giám sát chặt chẽ hơn.
Có không ít lãnh đạo đã thể hiện trách nhiệm bằng cách lắng nghe ý kiến của dư luận để chấn chỉnh công tác điều hành lẫn công tác tham mưu.
Trong cao điểm cách ly xã hội để khống chế đại dịch Covid-19, hành vi thiếu trách nhiệm của ông Lưu Văn Thanh - Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước khi to tiếng ở một chốt kiểm soát, đã bị lên án gay gắt. Kết quả, ông Lưu Văn Thanh đã bị cách mọi chức vụ trong Đảng.
Cần xác định, lãnh đạo là một nghề đặc biệt. Không chỉ đòi hỏi có tâm, có tầm, có tài mà nghề lãnh đạo còn đòi hỏi sự cống hiến, sự hy sinh.
Nếu chạy chọt để leo lên làm lãnh đạo nhằm mưu cầu vật chất thì sớm muộn cũng trả giá cay đắng trước ánh sáng của công lý, ánh sáng của sự thật, ánh sáng của lương tri. Trách nhiệm của lãnh đạo chính là sự tự trọng với chức vụ mà mình đang gánh vác.
Chức vụ dẫu lớn dẫu nhỏ cũng phải đồng hành với sự tự trọng: tự trọng trước chính mình, tự trọng trước đồng nghiệp, tự trọng trước quần chúng. Một khi sự tự trọng biến mất, thì tai ương sẽ kéo đến với nhiều bẽ bàng, nhiều ngậm ngùi, nhiều đớn đau.
Quy định số 08-QĐi/TW được ban hành từ ngày 25/10/2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, rất được hoan nghênh trên cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp vẫn vô trách nhiệm ngay trong sinh hoạt đời thường.
Mới đây, ông Nguyễn Văn Điều - Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình đã lái xe trong tình trạng say rượu gây tai nạn giao thông, khiến một người tử vong và hai người trọng thương.
Đáng chê trách hơn, sau khi ông Nguyễn Văn Điều không dừng xe để giải quyết hậu quả, mà nhấn ga bỏ chạy, buộc quần chúng phải truy đuổi gay gắt. Thái độ vô trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Điều không thể dùng bất kỳ mỹ từ ngụy biện nào để phân bua.
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở “Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Trách nhiệm của lãnh đạo được Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích cụ thể “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được.
Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được” và “Một đảng viên ở địa vị càng cao, thì càng phải giữ đúng kỷ luật của Đảng, càng phải làm gương dân chủ”
Không thể phủ nhận lãnh đạo là nhân tố vượt trội. Những đối đãi ưu tiên dành cho lãnh đạo cũng nhằm mục đích giúp lãnh đạo hoàn thành công vụ. Những tôn sùng nể nang dành cho lãnh đạo cũng nhằm mục đích giúp lãnh đạo phô diễn khả năng.
Nếu lãnh đạo lạm dụng những điều ấy không phụng sự cho quá trình phát triển chung, thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm nghiêm khắc nhất. Làm sao chấp nhận những lãnh đạo khi gặp để xảy ra sai phạm lại hồn nhiên bao biện “do anh em cấp dưới hiểu lầm chỉ đạo của cấp trên”.
Hiểu lầm dễ dàng như vậy ư? Chỉ đạo mà không đôn đốc, không giám sát, không thưởng phạt thì cần gì sự có mặt của lãnh đạo?