Năm 2024, các địa phương trong tỉnh có kế hoạch thực hiện trồng mới 700ha chuối, tập trung tại các huyện Bát Xát (300ha), Bảo Thắng (50ha), Bảo Yên (50ha) và Mường Khương (300ha), nâng diện tích vùng sản xuất chuối hàng hóa đạt 2.285ha.
Về thời vụ: Thực hiện trồng chuối vào 2 vụ chính là vụ xuân (từ tháng 2 - 4) và vụ thu (từ tháng 8 - 10). Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào độ ẩm và khả năng cung cấp nước tưới, có thể bố trí trồng quanh năm.
Cơ cấu giống: Tuỳ thuộc vào nhu cầu thị trường và khả năng thu mua của doanh nghiệp để bố trí cơ cấu giống cho phù hợp như chuối tiêu xanh, chuối tây, chuối ngự Đại Hoàng và giống mới như GL3-2, GL3-5 cùng một số giống khác. Thực hiện chuyển đổi khoảng 700ha đất kém hiệu quả sang phát triển sản xuất chuối.
Xây dựng vùng sản xuất tập trung theo hướng VietGAP, phấn đấu 100% diện tích chuối hàng hóa được cấp mã vùng trồng. Tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất chuối giống; tổ chức khảo nghiệm, lựa chọn một số giống có năng suất, chất lượng cao (chuối tiêu hồng, chuối già Nam Mỹ…), luân canh vùng trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như hệ thống tưới tiết kiệm, áp dụng cơ giới hóa trong các khâu, quản lý dịch hại tổng hợp, thu hoạch... đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, nâng cao giá trị trên đơn vị đất canh tác.
Đẩy mạnh thu hút, mở rộng các cơ sở chế biến chuối để chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm; từng bước nâng tỷ lệ chuối qua chế biến như sản phẩm chuối sấy dẻo, sấy giòn... nhằm tăng giá trị sản phẩm. Phấn đấu có trên 90% sản lượng chuối được xuất khẩu chính ngạch, giá trị sản xuất ước đạt 340 tỷ đồng.