Tại sao là Thanh Hóa?
Trong căn phòng trưng bày sản phẩm, anh Bùi Khánh Dũng - Chủ tịch Công ty Cổ phần Musa Pacta Thanh Hóa đưa cho tôi sờ thử mấy tấm vải. Nó mềm mại, mát lạnh và nhẹ bẫng tựa tơ trời. Có ai ngờ đó chính là tơ chuối.
Giữa năm 2023, một cặp vợ chồng hoàng thân ở Dubai được bạn bè giới thiệu đã bay sang đây xem vải sợi chuối. Quấn thử lên người và họ tỏ ra rất thích thú, hỏi 1kg vải được bao nhiêu mét, anh Dũng trả lời khoảng 7m. Họ sung sướng bảo: “Thế coi như là không mặc gì bởi các loại vải chúng tôi đang quấn lên người nặng tới 3 - 4kg”.
Anh Dũng lại dẫn cặp vợ chồng hoàng thân ấy xuống thăm xưởng làm sợi chuối, rồi khu bãi sông Hồng trồng chuối bạt ngàn ở xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội. Thực sự bị thuyết phục nên họ tha thiết xin làm đại lý độc quyền vải sợi chuối ở Ả Rập và Dubai. Hỏi ông bà lấy được số lượng bao nhiêu mỗi năm thì họ đáp 6.000 tấn/năm khiến anh Dũng cũng phải giật mình vì tiềm năng của thị trường vải chuối trên thế giới là rất lớn.
Trở lại chuyện xây dựng nhà máy bông vải chuối ở tỉnh Thanh Hóa, ông Phạm Tiến Dũng - Chủ tịch UBND huyện Yên Định khi biết thông tin về dự án này đã mời anh Dũng tới thuyết trình, đồng thời cho tiến hành ngay các bước lập dự án. Dự án gồm 2 hợp phần: Nhà máy sản xuất bột chuối quả và nhà máy sản xuất sợi chuối, tổng diện tích 98.800m2, dự tính quý III/2024 sẽ chính thức khởi công. Một vùng chuối nguyên liệu hơn 5.000ha cũng đã được quy hoạch tại huyện Yên Định, sẽ đảm bảo hơn ½ lượng nguyên liệu cho nhà máy hoạt động.
Tại sao là Thanh Hóa? Tôi hỏi. Anh Dũng trả lời: Thứ nhất là vị trí địa lý. Nếu quay compa khoảng 100 - 150km từ nhà máy, tương đương 2 giờ xe ô tô chạy sẽ gom được nguyên liệu từ 6 tỉnh lân cận, có thể vươn lên tới vựa chuối ở Đồng bằng sông Hồng và dọc dải miền Trung. Từ nhà máy đi sân bay Sao Vàng mất 15 phút, đi cảng Nghi Sơn mất 40 phút, rất thuận lợi cho mục tiêu tiếp khách quốc tế và xuất khẩu hàng.
Thứ hai, Yên Định là huyện thuần nông và người dân thì chăm chỉ. Sản xuất bột chuối quả và bông vải sợi từ chuối tuy là một nền công nghiệp mới nhưng lại bền vững, muôn đời bởi gắn với các nhu cầu ăn (bột quả chuối), mặc (sợi chuối, vải chuối) của con người.
"Nông dân hi sinh mảnh ruộng của mình cho nhà máy thì nhà máy sẽ mang lại công ăn việc làm cho họ và con cháu họ. Tôi tự tin giá trị mà nghề này mang lại sẽ cao hơn những nghề mà bà con đang làm.
Có những cây đối với dân ta thấy tầm thường như chuối nhưng đối với người nước ngoài họ lại rất quý. Những nước tiêu thụ chuối lớn nhất thì lại không trồng được chuối như các quốc gia ở châu Âu. Trước Nhà thờ Trắng tại Milan - nơi thiêng liêng nhất của nước Ý tôi đến thăm họ đã cố trồng được một hàng giống chuối basho chịu lạnh của Nhật và rất trân trọng chúng", anh Dũng kể.
Công ty Musa Pacta đưa ra một mức giá sàn thu mua từ 3.000 - 5.000đ/kg quả chuối để đảm bảo thu nhập cho người dân, nếu thị trường có giá trên mức đó, họ có thể bán ra ngoài và chia lợi nhuận vì Công ty đầu tư giống, phân và hướng dẫn kỹ thuật. Tính ra, mỗi ha chuối bán quả sẽ thu trung bình 200 triệu đồng/năm. Đây chính là bệ đỡ cho bà con, giúp giải quyết được cơ bản áp lực bán quả tươi khi vào vụ.
Bán cái nghèo để làm giàu
Anh Dũng kể tiếp, có câu chuyện vui trở thành một giai thoại nổi tiếng ở Nhật về việc bán cái nghèo để làm giàu rằng: Chàng trai nọ ở một ngôi làng rất nghèo nằm sâu trong thung lũng, không biết làm sao để thay đổi cuộc sống, anh mới lên thành phố hỏi thì được một người khuyên hãy bán cái nghèo của làng mình đi. Cuối cùng anh nghĩ ra cách làm homestay để người thành phố đến làng du lịch.
Hiếm có nơi nào ở Nhật còn dùng chổi để quét nhà, dùng tay để giặt quần áo, dùng tay để dệt vải… như làng anh. Khi anh cùng người dân bán cái nghèo đó đi thì làng trở thành một khu du lịch tầm cỡ quốc gia. Mọi thứ ở đó được bảo tồn 100%, nhà nước giữ gìn từ cái mái tranh trở đi với số tiền đầu tư cho hệ thống phòng cháy chữa cháy còn đắt hơn cả ngôi làng nếu tính về mặt giá trị sử dụng.
Anh Dũng bộc bạch: “Nước sát ta là Trung Quốc mà bảo sản xuất sợi chuối là điều khó có thể bởi thu nhập bình quân đầu người của họ quy ra tiền Việt đã là 20 - 30 triệu đồng/tháng. Còn ở Việt Nam, Lào, Campuchia thu nhập bình quân vẫn thấp, trong khi vải từ sợi chuối làm ra lại bán ngang bằng giá thế giới (40 - 60 USD/m2) thì giá trị cho quốc gia để lại là rất lớn.
Mỗi ha chuối trung bình cho 40 tấn thân, làm ra được khoảng 400kg sợi, với giá 80.000đ/kg, mỗi năm 2 vụ tương đương 64 triệu đồng. Chưa kể đến một lượng bã và nước chuối khổng lồ có thể nhanh chóng chuyển đổi thành phân hữu cơ vi sinh rất tốt cho cây trồng, mà đó là tận thu rác thải nông nghiệp bởi người ta chỉ lấy thân cây sau khi đã thu buồng.
Sản xuất bột từ quả chuối là một mặt hàng hoàn toàn mới đối với người Việt Nam nhưng đã là một thực phẩm cao cấp đối với các nước phát triển từ hàng chục năm nay với quá nhiều lợi ích cho cuộc sống hiện đại như tinh bột kháng, tỉ lệ calo thấp, rất nhiều vi chất có lợi.
Ba mục tiêu của Công ty Musa Pacta là tạo sinh kế cho người dân, tối ưu hóa sản phẩm và công nghiệp hóa. Sinh kế của sợi chuối là từ biên giới, hải đảo đến đồng bằng dân đều làm được, người thất học làm được, người tàn tật làm được, người già cũng làm được, từ đơn giản như bện sợi đến phức tạp hơn như đan lát, may sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ nội thất từ sợi chuối.
Tối ưu hóa là đa dạng hóa các sản phẩm sợi chuối từ chiếc khay đựng trứng, khay đựng hoa quả bằng bã chuối cho đến chiếc lót giày bằng bã chuối. Còn công nghiệp hóa thì nhà máy ở Thanh Hóa sắp tới khởi công sẽ là nhà máy đầu tiên về sợi chuối ở khu vực Đông Nam Á và trong tương lai sẽ có nhều nhà máy như vậy ở Việt Nam.
Cũng theo anh Dũng, trên thế giới, có hai quốc gia bán sợi chuối nhiều nhất là Ấn Độ và Philippine với doanh thu hơn 1 tỉ USD/năm nhưng đều chỉ là xuất thô. Có thể nói sợi chuối chính là một ngành kinh tế mang màu sắc thực dân kiểu mới bởi các tài nguyên thiên nhiên của nước nghèo chảy sang nước giàu và trở thành những hàng hóa cao cấp nhờ hệ thống thiết bị và công nghệ hiện đại.
Cụ thể, Philipine từng là thuộc địa của Mỹ. Khi người Mỹ phát hiện ra lợi ích và giá trị của sợi chuối thì họ nhập thô về sản xuất dây cáp tàu biển, dây thừng leo núi, sau đó đồng minh là Nhật cũng nhập thô sợi chuối từ đây về để làm giấy in tiền, giấy ngân hàng. Nếu chỉ chăm chú vào xuất hàng thô, chạy theo tăng trưởng như thế thì nước xuất khẩu sợi chuối bị cuốn vào vòng xoáy, mãi lệ thuộc, không có công nghệ, không có vốn để tự sản xuất thành các loại hàng hóa cao cấp như vải được. Cũng tương tự, Ấn Độ từng là thuộc địa của Anh thì bây giờ sợi chuối của Ấn Độ cũng xuất chủ yếu sang Anh, Hà Lan.
Musa Pacta không có chủ trương xuất sợi chuối thô, dù một số công ty ăn theo ở Việt Nam đã bán sợi thô rồi. Mong muốn của anh Dũng là phải dệt vải và làm thời trang từ vải sợi chuối. Những mét vải dệt từ sợi chuối đầu tiên đã được đơn vị thực hiện ở phòng thí nghiệm. Hiện Musa Pacta có một số xưởng sản xuất sợi thô nhỏ lẻ ở các tỉnh bởi bản thân vùng trồng chuối ở các nơi cũng rất nhỏ lẻ và rải rác nhưng về sau những xưởng lớn sẽ đặt ở những vùng trồng chuối quy mô.
Anh Dũng đã sang Campuchia, Lào khảo sát và bàn chuyện hợp tác để sản xuất chuối theo kiểu tuần hoàn, khép kín với nhiều ông chủ người Trung Quốc, Campuchia và Việt Nam. Những trang trại của họ nhỏ đã cỡ 200 - 300ha, lớn tới hàng chục ngàn ha như trang trại của Tập đoàn Thaco chẳng hạn, trồng bạt ngàn là chuối.