Những năm qua, nghề nuôi chim yến mang lại hiệu quả kinh tế cao và phát triển mạnh ở một số địa phương khu vực ĐBSCL. Việc phát triển “nóng”, xây dựng những nhà nuôi chim yến (nhà yến) trong khu dân cư, đô thị làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, dịch bệnh và tiếng ồn ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân.
Đi theo tuyến quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn quận Cái Răng, TP Cần Thơ không khó để tìm gặp những ngôi nhà yến được xây dựng trong các khu vực dân cư dọc hai bên đường. Đặc biệt là âm thanh dẫn dụ chim yến inh ỏi cả một vùng.
Thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ, toàn thành phố hiện có 297 hộ nuôi chim yến với 313 nhà yến, được nuôi ở tất cả các quận, huyện, tập trung nhiều ở quận Cái Răng và huyện Vĩnh Thạnh. So với năm 2022, số hộ nuôi chim yến trên địa bàn đã tăng hơn 6%.
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp TP Cần Thơ, nghề nuôi chim yến không phải là thế mạnh của địa phương. Do đó việc phát triển nuôi chim yến tự phát, không theo quy hoạch dễ dẫn đến nguy cơ thua lỗ, khó thu hồi vốn.
Từ năm 2020, Hội đồng nhân dân TP Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND quy định khu vực không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến trên địa bàn. Sở NN-PTNT TP Cần Thơ đang phối hợp với chính quyền các địa phương và các cơ quan liên quan thực hiện quản lý đúng quy định về vùng nuôi chim yến, khai báo cơ sở, đăng ký và cấp mã số cơ sở nhà yến.
Đồng thời, thực hiện giám sát dịch bệnh, kiểm tra đánh giá điều kiện an toàn thực phẩm. Nhất là việc tổ chức, nâng cao khả năng bảo vệ các nhà yến có số lượng bầy đàn lớn, khỏi các nguy cơ về dịch bệnh trên đàn chim yến.
Tại Sóc Trăng, Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND quy định khu vực không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh.
Theo nghị quyết này, tại những khu vực phường, thị trấn thuộc huyện, thị xã và thành phố trong toàn tỉnh Sóc Trăng không được phép chăn nuôi. Với những khu dân cư hiện hữu, khu dân cư theo quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt cũng là nơi không được chăn nuôi.
Đối với vùng nuôi chim yến phải là vùng nằm ngoài khu vực không được phép chăn nuôi. Bên cạnh đó, nhà yến phải có khoảng cách tối thiểu 300m tính từ ranh giới hành chính của khu vực không được phép chăn nuôi hay những khu dân cư đã được quy định ở trên.
Nghị quyết này đặt ra yêu cầu, với nhà yến hoạt động trước ngày nghị quyết có hiệu lực được phép tồn tại nhưng phải giữ nguyên hiện trạng, không được cơi nới và không sử dụng loa phóng, phát âm thanh.
Thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng, thời điểm ban hành Nghị quyết 03/ NQ-HĐND, trên địa bàn tỉnh có 729 nhà yến, nhưng đến nay đã tăng nhanh lên con số trên 810 nhà yến. Trong đó, phát sinh 2 nhà yến vi phạm quy định tại phường 1 và thị xã Ngã Năm.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã vận động các hộ dân ngưng hoạt động dẫn dụ chim yến. Đồng thời, UBND các huyện, thị xã, thành phố là đơn vị trực tiếp giám sát và thực hiện cam kết không để phát sinh trường hợp nhà yến xây dựng trái quy định.
Ngoài ra, để đảm bảo quản lý tốt vấn đề môi trường, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tiến hành rà soát kỹ các khu vực không được nuôi chim yến, lập bản đồ theo quy hoạch sử dụng đất để định vị, khoanh vùng, xác định khu vực không được nuôi chim yến.
Ngành chăn nuôi và thú y tỉnh sẽ đưa ra những chế tài, xử lý vi phạm hành chính về chăn nuôi đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động xây mới, cơi nới, mở rộng quy mô trong khu vực không được phép.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Nam khẳng định, các sản phẩm từ yến là mặt hàng có giá trị kinh tế cao, mang đến nguồn thu đáng kể cho người dân.
Do đó, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng yêu cầu cơ quan chuyên môn phối hợp tốt cùng các huyện, thị trong việc rà soát tình hình phát triển nhà yến trên địa bàn, có giải pháp quản lý tốt môi trường vùng nuôi, đảm bảo văn minh đô thị để nghề nuôi phát triển ổn định, bền vững, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế và môi trường.